Trong tuyên bố phát trên truyền hình, các sĩ quan quân đội phe đảo chính cho biết, Ủy ban Chuyển tiếp và phục hồi thể chế - đại diện cho lực lượng vũ trang - tuyên bố kết quả bầu cử ngày 26/8 trước đó đã bị hủy bỏ, biên giới đóng cửa và các cơ quan nhà nước bị giải thể.
Đại diện ủy ban trên cũng cho biết, đất nước đang phải đối mặt với "một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về thể chế, chính trị, kinh tế và xã hội", và cuộc bỏ phiếu ngày 26/8 vừa qua là không đáng tin cậy.
Chỉ trong vòng vài giờ sau khi tuyên bố đảo chính, các tướng lĩnh quân đội đã họp để thảo luận về vị trí lãnh đạo quá trình chuyển tiếp và nhất trí bỏ phiếu bổ nhiệm Tướng Brice Oligui Nguema, cựu lãnh đạo lực lượng bảo vệ tổng thống, làm tổng thống lâm thời.
Nhóm sĩ quan của quân đội Gabon tuyên bố lên nắm quyền
Lực lượng đảo chính cũng cho biết họ đã bắt giữ con trai của ông Bongo, Noureddin Bongo Valentin cùng một số người khác. Chính phủ Gabon hiện chưa đưa ra bình luận chính thức nào.
Cũng trong ngày 30/8, đường truyền Internet ở Gabon đã hoạt động trở lại. Chính quyền quân sự xác nhận quyền truy cập Internet cũng như tất cả các chương trình phát sóng quốc tế đã được khôi phục, nhưng lực lượng quân sự cũng cho biết sẽ giữ nguyên lệnh giới nghiêm cho đến khi có thông báo mới.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, sau khi bị quản thúc tại gia, tổng thống bị phế truất Bongo đã gửi một tuyên bố qua video, cho biết ông “không biết chuyện gì đang xảy ra”.
Ngay trước thông báo đảo chính, cơ quan bầu cử quốc gia tuyên bố ông Bongo là người chiến thắng trong cuộc bầu cử cuối tuần trước, với tỷ lệ 64,27% phiếu bầu, vượt trội hoàn toàn đối thủ chính Albert Ondo Ossa chỉ giành được 30,77% tổng số phiếu bầu.
Vị trí của Gabon trên bản đồ châu Phi. |
Cuộc đảo chính quân sự mới nhất ở Gabon là cuộc đảo chính thứ 8 ở Tây và Trung Phi kể từ năm 2020, cũng là cuộc đảo thứ 2 ngay sau vụ việc ở Niger tháng 7 vừa qua.
Ông Bongo, 64 tuổi, lên nắm quyền vào năm 2009 sau khi cha ông là cố Tổng thống Omar, người đã lãnh đạo đất nước từ năm 1967, qua đời.
Tình trạng bất ổn bạo lực nổ ra sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 của ông Bongo. Vào năm 2019, cũng đã có một âm mưu đảo chính thất bại tại quốc gia sản xuất dầu mỏ Trung Phi này.
Phản ứng trước diễn biến ở Gabon, đại diện Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi cùng nhiều quốc gia khác đã lên án cuộc đảo chính.
Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) cho biết, "sự lây lan của chế độ chuyên chế" đang lan rộng khắp châu Phi, đồng thời thông tin ông đang hợp tác chặt chẽ với các nhà lãnh đạo châu Phi khác về việc ứng phó trước diễn biến ở Gabon.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Liên minh châu Phi đã lên án cuộc đảo chính và kêu gọi lực lượng quân sự bảo đảm an toàn cho ông Bongo và gia đình, trong khi Trung Quốc và Nga bày tỏ hy vọng sự Gabon sẽ nhanh chóng khôi phục sự ổn định.
Đại diện phía Mỹ cho biết tình hình ở Gabon rất đáng lo ngại, còn người phát ngôn của Chính phủ Pháp Olivier Veran nhấn mạnh, Pháp lên án cuộc đảo chính quân sự ở Gabon và tái khẳng định ủng hộ đối với các cuộc bầu cử tự do và minh bạch.