Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 16 chính sách, tập trung vào 4 định hướng lớn, trong đó tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp, giảm tầng nấc trung gian, năng động, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm mô hình chính quyền đô thị và nông thôn của Thủ đô.
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến tập trung thảo luận, đóng góp vào 16 nhóm chính sách thành phố đề xuất nhằm sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô, qua đó góp phần tháo gỡ những hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, tạo cơ chế hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiện đại; tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thủ đô.
Đóng góp ý kiến, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đồng tình với đề xuất Hà Nội cần tinh gọn bộ máy, phân quyền phân cấp và trao quyền rất rõ cho người đứng đầu. Tuy nhiên, cần có một cơ chế riêng về trao quyền người đứng đầu; cần làm rõ cơ chế, chính sách phân quyền cho HĐND cấp quận, huyện, thành phố trực thuộc Thủ đô. Liên quan đến công tác thu hút nhân tài, đại biểu đề nghị cần có cơ chế cho những người tài phát huy được năng lực, đúng vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh và trả lương xứng đáng .
Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị, cần nhìn nhận Thủ đô là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội hơn là trung tâm kinh tế để có định hướng phát triển phù hợp. Do đó các cơ chế, chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi) cần cân nhắc tính dài hạn; đồng thời bảo đảm quan hệ chặt chẽ đến các chính sách của các địa phương khác… nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực phát triển của vùng, của đất nước.
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai quy định mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi) phải bảo đảm phát huy được những tính năng vượt trội, vai trò dẫn dắt, nội dung đề xuất cơ chế, chính sách mới phải ưu việt, vượt trội hơn chính sách cũ và có tính khả thi cao. Các ý kiến tại buổi tọa đàm sẽ được tiếp thu, chọn lọc, từ đó Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ phối hợp cùng Ủy ban nhân dân thành phố tổng hợp, báo cáo Thành ủy và Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, nhằm xây dựng Dự thảo Luật có chất lượng nhất, báo cáo Bộ Chính trị dự kiến trong tháng 3/2022.