Luật Nhà ở (sửa đổi) cần chú trọng nhà cho người nghèo

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 , sáng 6-3, Ủy ban Pháp luật của QH tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Sau gần tám năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở, lĩnh vực quản lý nhà ở đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi đã nổi lên mười nhóm tồn tại, bất cập. Ðiển hình như: Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định yêu cầu địa phương lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, dẫn đến tình trạng phát triển nhà ở tràn lan, mất cân đối cung-cầu về nhà ở. Thiếu nhà giá rẻ cho hộ nghèo, người có thu nhập thấp nhưng lại dư thừa nhà ở cao cấp nhiều tồn tại, hạn chế; thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở chưa chặt chẽ, chưa hợp lý, không bảo đảm quyền lợi của các chủ sở hữu nhà ở khi thực hiện các quyền của mình với nhà ở... Do đó, các ý kiến tham dự phiên họp đều cho rằng việc nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) là cần thiết.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất 10 nhóm vấn đề cần sửa đổi. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có 13 chương với 178 điều. So với Luật Nhà ở hiện hành có chín chương với 153 điều, dự thảo Luật này tăng thêm bốn chương và 25 điều.

Một số ý kiến cho rằng, tuy phạm vi điều chỉnh Luật Nhà ở được mở rộng nhưng chủ yếu tập trung điều chỉnh lĩnh vực phát triển nhà ở theo dự án; còn nhà ở riêng lẻ, nhà ở tại các khu vực đô thị, điểm dân cư nông thôn chưa có những điều khoản cụ thể. Do vậy, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh theo hướng chỉ quy định những nội dung đặc thù về nhà ở mà luật khác không điều chỉnh; tiếp tục rà soát để sửa đổi những nội dung chưa phù hợp hoặc đề xuất sửa đổi các quy định tại các luật liên quan.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Ðình Dũng đã tiếp thu, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu nêu ra trong quá trình thẩm tra.