ND - Chiến lược xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế là nội dung được tập trung nhiều nhất tại Hội thảo quốc tế "Lúa gạo Việt Nam xuất khẩu và hội nhập" tại Hậu Giang. Ðây là một trong bốn hội thảo trọng tâm tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất do Bộ Công thương chủ trì.
Một số nội dung tham luận đi sâu vào vấn đề trọng tâm của hội thảo và thu hút sự chú ý của các nhà kinh doanh lúa gạo trong và ngoài nước như: Người tiêu dùng châu Phi và một phần còn lại của thế giới cần gì ở hạt gạo Việt Nam do ông Abhishek Sahai, Phó Chủ tịch Ban Ðiều phối Gạo thuộc Tập đoàn OLAM trình bày; Bản sắc và chiến lược sáng tạo thương hiệu gạo Việt (ông Richard Moore, chuyên gia thương hiệu thế giới); Những vấn đề cốt lõi trong tiếp thị nông sản và gạo Việt Nam ra thế giới (Hermawan Kartajaya, Chủ tịch Hiệp hội Marketing thế giới)...
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương:
Cả nước hiện có hơn 200 doanh nghiệp đã và đang tham gia xuất khẩu gạo, nhưng số lượng này cũng thay đổi tùy theo biến động thị trường. Hiện nay, các công ty kinh doanh gạo nước ngoài tuy chưa được tham gia xuất khẩu gạo, nhưng các doanh nghiệp này đã hiện diện tại Việt Nam và cung cấp dịch vụ, làm đại lý cho các công ty lương thực tỉnh hoặc trực tiếp ký hợp đồng với các công ty xuất khẩu gạo. Các công ty gạo nước ngoài đã chuyển giao khoa học kỹ thuật, marketing và góp phần đáng kể vào việc thiết lập vị thế xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới của Việt Nam. Tuy nhiên, theo cam kết gia nhập WTO, các doanh nghiệp nước ngoài được tham gia xuất khẩu gạo Việt Nam bắt đầu từ năm 2011. Như vậy, công tác điều hành xuất khẩu gạo phải đặt trọng tâm vào việc giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa người nông dân với thương nhân và doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực điều phối điều hành giữa các bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL cũng như VFA trong công tác chỉ đạo, điều phối hoạt động xuất khẩu. Tổ chức lại các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, loại bỏ bớt thành phần tham gia xuất khẩu tự phát và chạy theo lợi nhuận thương mại; tạo cơ chế tích tụ quy mô hoạt động xay xát, chế biến và dự trữ thông qua việc quy định cấp phép kinh doanh có điều kiện là hết sức cần thiết. Hơn nữa, trong bối cảnh ngân sách hạn chế thì việc gắn kết quyền xuất khẩu của doanh nghiệp với nghĩa vụ tham gia tiêu thụ lúa cho nông dân và bình ổn thị trường là việc làm có ý nghĩa thiết thực góp phần hỗ trợ người sản xuất.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA):
Việc liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị, chất lượng và xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam là việc làm hết sức cấp thiết trong xu thế hội nhập. Thông qua hoạt động thương mại để hướng dẫn sản xuất và xác định kết quả bằng cách tiêu thụ hợp lý sản phẩm làm ra. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh không chỉ bảo đảm sản xuất mà đáp ứng yêu cầu về chất lượng và xây dựng thương hiệu riêng. Duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường quan hệ với khách hàng truyền thống cũng như thiết lập quan hệ khách hàng mới trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên cơ sở bảo đảm giá bán phù hợp, không ép giá và cạnh tranh phá giá.
Chủ tịch Hiệp hội Marketing thế giới Hermawan Kartajaya:
Công tác Marketing là hết sức cần thiết trong việc đưa hạt gạo Việt Nam ra thị trường thế giới. Cũng như bao loại hàng hóa khác, gạo Việt Nam cũng cần phải định vị thương hiệu và nếu không có chiến lược rõ ràng thì việc bán gạo cũng chi phối bởi quy luật cung cầu như bao loại hàng hóa thông thường khác. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp xuất khẩu gạo có chiến lược marketing tốt thì hạt gạo mang thương hiệu Việt Nam sẽ khẳng định được vị thế trong lòng người tiêu dùng quốc tế. Ngoài ra, việc xác định đối thủ cạnh tranh cũng không kém phần quan trọng trong công tác xuất khẩu gạo của Việt Nam. Không chỉ nhận diện đối thủ cạnh tranh mà phải xác định khách hàng và phân biệt được đâu là khách hàng mục tiêu cũng như nước nào là nước nhập khẩu gạo chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường thế giới biến động từng giờ, từng ngày do đó doanh nghiệp không ngừng cập nhật thông tin thị trường để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp xây dựng chiến lược marketing và định vị thương hiệu cho gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Sau khi định vị, nhận diện và xây dựng thương hiệu, việc thiết lập vị trí cho thương hiệu gạo Việt Nam cũng hết sức quan trọng. Chính vì vậy, phương hướng để phát triển và tính đặc thù của thương hiệu nhằm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam thành khối thống nhất hoàn chỉnh. Trong quá trình xây dựng thương hiệu, tên thương hiệu, câu định vị thương hiệu, lô-gô cũng như hình thức, kiểu chữ, mầu sắc thương hiệu phải gắn liền với đặc trưng của gạo Việt Nam và con người Việt Nam cũng như tính độc quyền thương hiệu của doanh nghiệp. Ngoài ra, công tác truyền thông cũng góp phần quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Hậu Giang, điểm đến của các nhà đầu tư
Trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất tại Hậu Giang, UBND tỉnh vừa tổ chức hội thảo "Hậu Giang- Tiềm năng đầu tư và phát triển". Hội thảo đã thu hút 200 nhà đầu tư đến tìm cơ hội đầu tư vào tỉnh Hậu Giang. Dự kiến, có 24 nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào Hậu Giang với tổng nguồn vốn khoảng 47.000 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 2.100 ha. Tại cuộc hội thảo đã có 13 nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký cam kết đầu tư vào Hậu Giang với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 1.500 ha. Các dự án đang được đầu tư vào Hậu Giang sẽ là cơ hội cho sự phát triển của tỉnh nhà trong tương lai.
Ông Vũ Quang Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu với công suất 1.200 MW, tổng vốn đầu tư từ 25 nghìn đến 30 nghìn tỷ đồng. Khi dự án này hoàn thành phục vụ cho nhu cầu về điện và phục vụ phát triển kinh tế không chỉ của tỉnh Hậu Giang mà của cả khu vực. Ngoài ra, Hậu Giang còn là vựa lúa của ÐBSCL nên chúng tôi tập trung phát triển mạng lưới phân bón để cung ứng cho bà con nông dân. Hiện tại tập đoàn dầu khí có Nhà máy đạm Phú Mỹ công suất 800.000 tấn/năm. Sắp tới sẽ có thêm Nhà máy đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn /năm. Với hai nhà máy này sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp cho khu vực ÐBSCL. Công ty chúng tôi sẽ phát triển mạng lưới cung ứng phân bón ở Hậu Giang với phương châm đưa phân bón đến tận tay bà con nông dân với một giá và không để tư thương trục lợi. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phát triển mạng lưới xăng dầu phục vụ cho bà con nông dân để phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế ở địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Ðịa ốc AIC:
Công ty chúng tôi đang triển khai dự án xây dựng khách sạn 5 sao tại Hậu Giang. Có thể nhiều người cho rằng tại sao tôi lại đầu tư vào Hậu Giang mà không đầu tư vào các địa phương khác đã phát triển. Bởi vì công ty chúng tôi cảm thấy Hậu Giang có rất nhiều tiềm năng trong tương lai.
Ông Trần Văn Vẹn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Lương thực miền nam:
Tôi đánh giá rất cao tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hậu Giang. Tổng công ty đầu tư vào tỉnh từ năm 2008 đến nay. Ðầu tiên là thành lập Công ty cổ phần lương thực Hậu Giang. Chín tháng đầu năm nay, công ty đã thu mua và xuất khẩu được 1.000 tấn gạo. Hiện tại chúng tôi đã triển khai hai dự án tại tỉnh Hậu Giang và chuẩn bị ký kết xây dựng chợ nông sản và kho lương thực tại Hậu Giang với tổng số vốn khoảng 300 tỷ đồng. Hiện nay Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển đã thỏa thuận xong với công ty chúng tôi để đầu tư vốn vào dự án này, hy vọng rằng dự án sẽ triển khai đúng tiến độ. Chúng tôi rất tin tưởng khả năng phối hợp của Tỉnh ủy, UBND và các ngành. Tiềm năng của tỉnh Hậu Giang đối với ngành kinh doanh thực phẩm còn rất lớn.
Hội thảo khoa học "Kênh xáng Xà No-con đường lúa gạo miền Hậu Giang"
Kênh xáng Xà No dài gần 40 km, là một trong các con kênh đầu tiên ở miền nam được đào hoàn toàn bằng cơ giới nối liền Sông Hậu ở Cần Thơ (đoạn Vàm Xáng), đi qua miền Hậu Giang, đến Rạch Giá (Rạch Cái Tư - Sông Cái Lớn) thông ra Biển Tây. Kênh xáng Xà No hình thành đã thật sự nối sông Mê Công với Biển Tây, xem như chính thức là một tuyến dòng chảy quan trọng, tạo nên một hệ thống thủy văn thống nhất cho toàn vùng ÐBSCL, đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng ÐBSCL, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Ðặc biệt, sau khi kênh xáng Xà No hoàn tất, diện tích canh tác lúa tăng hơn 650 nghìn ha và sản lượng tăng gần 6 triệu 500 nghìn tấn vào năm 2003. Kênh xáng Xà No còn được ví như con đường lúa gạo miền Hậu Giang, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại hội thảo, bên cạnh việc phân tích vai trò, tầm quan trọng của kênh xáng Xà No trong công cuộc khai thác nông nghiệp, các đại biểu cũng bày tỏ sự lo ngại đối với hệ thống thủy lợi đang xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Vùng ÐBSCL hiện đang đối phó với tình trạng tiêu thoát nước khó khăn, mặn xâm nhập từ Biển Ðông và Biển Tây, những vùng đất phèn tiềm tàng và khả năng tiếp nước của kênh Xà No cũng như các kênh dẫn nước từ sông Hậu về đều bị hạn chế. Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu, tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường, nguồn nước... cũng là một trong những khó khăn, thách thức đang đặt ra. Giải pháp để phát huy hơn nữa lợi ích của kênh xáng Xà No cũng như của hệ thống thủy lợi trong vùng để phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.