Lúa Bạc Liêu

Trong mấy năm gần đây, nông nghiệp, nông thôn Bạc Liêu có bước phát triển đáng kể; nhất là tỉnh ngày càng quan tâm hiệu quả và tính bền vững của sản xuất. Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, Bạc Liêu đã chuyển hơn 70.000 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả, trong đó có 58.000 ha đất sản xuất lúa sang nuôi trồng thủy sản. Tuy sản lượng lương thực giảm 280.000 tấn, song giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp tăng 1,66 lần so với năm 2000.

Hiệu quả từ chương trình 40.000 ha lúa chất lượng cao

Theo kỹ sư Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, sau khi chuyển hơn 70.000 ha đất trồng lúa sang nuôi tôm, hiện nay toàn tỉnh còn 74.000 ha đất trồng lúa. Trong đó, 54.000 ha chuyên trồng lúa, còn lại 18.000 - 20.000 ha nông dân áp dụng  mô hình một vụ lúa, một vụ tôm/năm. Tuy diện tích đất trồng lúa giảm hơn một nửa, nhưng năng suất lúa giảm không nhiều so với năm 2000. Năm 2005, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đạt sản lượng 661.000 tấn lúa, kết quả thực hiện đạt 691.000 tấn.  Sản lượng lúa hàng hóa mỗi năm xuất khẩu và cung cấp ra thị trường ngoài tỉnh rất lớn. Vì vậy, không chỉ chú trọng năng suất, ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm chất lượng giống lúa, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị sản xuất. Tỉnh phấn đấu, trong năm 2006 có 18 - 20% diện tích nông nghiệp đạt 50 triệu đồng/ha/năm...

Từ năm 2001, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra chương trình sản xuất 40.000 ha lúa chất lượng cao. Sau năm năm thực hiện, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã canh tác lúa chất lượng cao hai vụ/năm được hơn 43.000 ha, đạt 105% kế hoạch. Toàn tỉnh có gần 26.000 hộ ở 25 xã của năm huyện sản xuất lúa chất lượng cao. Việc sản xuất giống lúa chất lượng cao đem lại nhiều lợi ích thiết thực, như: Nâng cao thu nhập cho nông dân, nhất là nông dân nghèo, do chất lượng gạo cao, bán có giá. Mặt khác, sử dụng lượng phân bón, thuốc trừ sâu ít, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân và người tiêu dùng. Nhờ  chương trình sản xuất giống lúa chất lượng cao, năm năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã nghiên cứu, thử nghiệm 95 giống lúa mới được nhận từ các viện, trường đại học. Kết quả, đã chọn được 15 giống lúa có năng suất cao, từ 5 đến 7,5 tấn/ha, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thích nghi đồng đất Bạc Liêu. Chương trình này tạo được lòng tin trong nhân dân, giúp nhiều hộ nông dân không còn tư tưởng "ly nông", mà ở lại quê bám đất làm hai, ba vụ lúa/năm, cải thiện mức sống, tăng thu nhập đáng kể cho nông dân nghèo. Ðồng thời, giúp nông dân nâng cao tiêu chí chọn giống, xóa bỏ gần 80% tập quán chọn giống theo cảm tính mà không cần biết tên giống, nguồn gốc và một số đặc tính nông học cơ bản của giống lúa.

Xây dựng thương hiệu "Lúa Bạc Liêu"

Kỹ sư Phan Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu, cho biết: Năm 2005, toàn tỉnh canh tác 42.000 ha bằng các giống lúa đạt chất lượng cao. Hiện đã có các giống lúa như Tài nguyên, Một bụi đỏ, BL1, BL3 (Bạc Liêu 1, 3)... Ðây là những giống lúa đã được Trung tâm Giống nông nghiệp kết hợp với  những nông dân sản xuất giỏi của tỉnh tuyển chọn, phục tráng, thích nghi trên đồng đất Bạc Liêu, cho năng suất ổn định, nhất là chất lượng khá cao, cơm dẻo, thơm, ngọt... Có thể khẳng định, giống lúa Một bụi đỏ có từ lâu đời ở vùng đất Bạc Liêu, tập trung nhiều tại hai huyện Hồng Dân, Phước Long. Giống lúa Một bụi đỏ chống chịu được một số sâu bệnh như rầy nâu, đạo ôn; sử dụng ít phân bón, đẻ nhánh nhanh, dễ canh tác, cây cao, thích nghi vùng đất trồng một vụ lúa, một vụ tôm/năm, bán được giá cao hơn so với các giống lúa khác từ 6 đến 7 nghìn đồng/giạ. Hiện nay, toàn tỉnh Bạc Liêu canh tác hơn 18.000 ha giống lúa này. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh có hướng xây dựng và phát triển thương hiệu giống lúa này với quy mô 20.000 - 26.000 ha. Ngoài ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh chọn giống lúa Tài nguyên làm thương hiệu "Lúa Bạc Liêu". Ðây là giống lúa mùa địa phương, có từ lâu đời, song nhiều năm qua không gieo trồng, do nông dân  chạy theo các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao. Nay do cơ chế thị trường, vấn đề quan trọng của sản xuất là hiệu quả kinh tế, chứ không chỉ tính đến số lượng như trước, vì vậy, giống lúa Tài nguyên được phục hồi và phát triển khá nhanh. Hiện nay, toàn tỉnh canh tác hơn 30.000 ha lúa Tài nguyên, chủ yếu ở hai huyện Vĩnh Lợi và Hòa Bình. Các đặc tính của giống lúa Tài nguyên cũng gần như lúa Một bụi đỏ, nhưng khác hơn là giống lúa này chưa chịu được trên vùng đất lúa - tôm (độ chịu mặn hơi kém). Năng suất khá ổn định từ 4,7 đến 5,5 tấn/ha; ít sâu bệnh, ít sử dụng phân bón. Mới đây, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Sở Khoa học - Công nghệ kết hợp với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, tiến hành phục tráng hai giống lúa nêu trên.

Ðể ngày càng có nhiều nông dân chọn lọc, nhân tạo và tham gia sản xuất lúa giống chất lượng cao, nhất là những giống lúa mang thương hiệu "Lúa Bạc Liêu", Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh xây dựng sáu tổ sản xuất giống mang tính cộng đồng, tức là nông dân đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất giống lúa các cấp. Mỗi tổ có 15 - 20 nông dân sản xuất giỏi, năng động, sáng tạo trong sản xuất. Trong đó, hai tổ được

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là "địa chỉ xanh". Ðó là Tổ nhân giống lúa của ông Phạm An Lạc, ấp Láng Giài, thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình)  và Tổ của ông Phan Văn Liêm, ấp Tà Ben, xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân).

Những "kỹ sư chân đất" sản xuất lúa giống

Mới đây, tôi tìm gặp hai "kỹ sư chân đất" là ông Phạm An Lạc và ông Phan Văn Liêm, được nhiều  người gọi là "vua" chọn lọc, nhân tạo và sản xuất lúa giống của tỉnh. Trò chuyện với tôi, ông Lạc cười hiền lành, bộc bạch: "Hầu hết nông dân Bạc Liêu đang sản xuất lúa giống các nơi khác, thậm chí có cả giống nước ngoài. Tôi nghĩ, vùng đất của mình cũng có nhiều loại giống lúa quý, tại sao không có ai đứng ra chọn lọc, lai tạo để tìm ra giống lúa mới mang thương hiệu "Lúa Bạc Liêu". Vậy là tôi làm thử xem sao, và đã cố gắng dành trọn thời gian còn lại của đời mình cho công việc này,  đã lai chọn được một số giống lúa thơm  để lại cho con cháu mai sau...".

Còn ông Phan Văn Liêm (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) thì cho rằng: "Tôi thấy nhiều người trong xã mình trồng lúa giống đã thoái hóa, bị nhiều loại sâu bệnh, chi phí đầu tư lại cao, nhưng năng suất thì thấp. Tôi cứ thắc mắc hoài "Tại sao không ít nông dân trong tỉnh khác họ sản xuất lúa giống được, còn mình thì không?". Tôi đăng ký với chính quyền và ngành nông nghiệp huyện, tỉnh tham gia tập huấn các lớp tăng cường kỹ năng chọn tạo giống lúa thuộc chương trình "Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trên cơ sở cộng đồng" của Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Trường đại học Cần Thơ). Nhờ áp dụng kiến thức đã tập huấn, cộng với lòng say mê học tập, tìm tòi giống lúa mới đã trở thành động lực giúp tôi thành công trong việc nhân tạo giống mang thương hiệu "Lúa Bạc Liêu"...

Có thể khẳng định, trong lĩnh vực sản xuất lúa, ai cũng biết giống là một trong những khâu cực kỳ quan trọng, có yếu tố quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Xác định được tầm quan trọng đó, chính quyền và ngành nông nghiệp phát triển nông thôn Bạc Liêu đang tích cực đề ra các biện pháp cụ thể, làm cho mỗi hộ nông dân nhận thức và thực hiện tốt khâu chọn giống lúa, bảo đảm không chỉ cho năng suất, mà còn có giá trị cao để xuất khẩu và tiêu thụ trên thị trường. Có thể khẳng định, việc tỉnh Bạc Liêu bước đầu xây dựng thương hiệu đặc sản "Lúa Bạc Liêu", tuy có muộn nhưng là việc làm rất cần thiết, góp phần làm cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng CNH, HÐH...