Lũ lên nhanh, rút chậm, miền trung nỗ lực khắc phục hậu quả

NDO -

Các tỉnh miền trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, mưa vẫn lớn, lũ rút chậm khiến cho nhiều công trình tiếp tục bị ảnh hưởng và công tác cứu hộ, cứu nạn cũng đang gặp nhiều khó khăn. 

Mực nước biển dâng cao ảnh hưởng đến việc tìm kiếm ngư dân mất tích.
Mực nước biển dâng cao ảnh hưởng đến việc tìm kiếm ngư dân mất tích.

Đà Nẵng: Nỗ lực tìm kiếm các ngư dân mất tích

Đến trưa nay, 10-10, các lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các ngư dân mất tích. Mưa lớn, mực nước biển dâng cao khiến công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, áp thấp nhiệt đới,  Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đã thông báo cho tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền trên biển. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ tối ngày 6-10. Hiện còn 20 tàu/190 lao động đang hoạt động trên biển, các phương tiện đã nắm được thông tin về vùng áp thấp, không khí lạnh, mưa lớn.

Hiện nay có bốn tàu bị nạn tại khu vực khu vực Mũi Đèn, Sơn Trà, gồm có các tàu ĐNa 91066-TS, ĐNa 30873-TS, ĐNa 07070-TS, ĐNa 90988-TS bị nạn, mất liên lạc.

Trong đó, tàu ĐNa 90988-TS mất liên lạc vào lúc 7 giờ ngày 9-10, trên tàu có hai thuyền viên. Hiện vẫn chưa liên lạc được.

Tàu ĐNa 91066-TS bị hỏng máy, nước tràn lúc 12 giờ trưa ngày 9-10, trên tàu có hai thuyền viên. Đến 18 giờ cùng ngày, Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng đã ứng cứu kịp thời và đưa hai thuyền viên này vào bờ an toàn. Tàu ĐNa 91066-TS bị chìm trên biển.

Tàu ĐNa 30873-TS bị mất liên lạc trưa ngày 9-10, trên tàu có hai thuyền viên. Đến 17 giờ cùng ngày, hai thuyền viên tàu này đã tự lắc thuyền thúng vào bờ an toàn, còn tàu cá chìm trên biển.

Tàu ĐNa 07070-TS bị hỏng máy, mất liên lạc lúc 13 giờ ngày 9-10, trên tàu có hai thuyền viên. Đến 22 giờ 30 phút tối cùng ngày, tài lai Sơn Trà (Công ty CP tàu lai Cảng Đà Nẵng) và nhân viên cứu hộ cứu nạn của Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II tại Đà Nẵng đã cứu và đưa hai thuyền viên bị nạn vào bờ an toàn.

Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các ngư dân mất tích -0
 Mực nước sông dâng cao, khu vực Túy Loan ( xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) nước dâng cao từ đêm 9-10.

Sáng nay, 10-10, các hồ thủy điện Sông Bung 4A, Sông Bung 4, A Vương bắt đầu xả tràn để vận hành đưa mức nước về dưới mực nước đón lũ. Tính đến 5 giờ sáng nay, mực nước các hồ thủy điện như sau: A Vương 369,90/370 (m); Đakmi 4: 250,44/251,5 (m); Sông Bung 4: 217,98/216 (m).

Công tác bảo đảm an toàn hồ chứa: Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng và các địa phương đã triển khai lực lượng trực chiến trên hồ và chuẩn bị vật tư, phương tiện, bao cát, đất, đá,… để sẵn sàng ứng phó với các tình huống mất an toàn hồ.

Ghi nhận của phóng viên, tính hình đến 6 giờ sáng nay, 10-10 mực nước ở lũ ở các xã đã rút, còn lại một số khu vực của xã Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Khương nước đã rút, nhưng tình hình ngập lụt vẫn còn ở các khu vực trũng thấp, sát sông.  

Sông Túy Loan, mực nước lên nhiều so với  ngày 9-10, mực nước trên đường 14G cao từ 1-1,5m. Toàn bộ khu vực chợ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) nước lũ đã ngập nhà dân, mất điện trên diện rộng. Chinh quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo người dân không ra đường, không đến chợ Túy Loan.

Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các ngư dân mất tích -0
Phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà kêu gọi người dân neo các lồng bè nuôi cá tại vịnh Mân Quang. 

Tại khu vực nuôi cá lồng bè của người dân Sơn Trà tại khu vực vịnh Mân Quang, mưa lớn đã khiến nước tràn các lồng bè, cá chết, người dân bắt đầu bán tháo cá để vớt vát thiệt hại; có hai lồng bè tại khu vực Mân Quang bị đứt neo, trôi mất. Hiện lực lượng chức năng địa phương tiếp tục phát loa thông báo đến bà con ngư dân việc chằng chống các lồng bè an toàn…

Sáng cùng ngày, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Công văn số 4727-CV/TU thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn về việc triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống mưa lũ, cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thời tiết cực đoan.

Cụ thể, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các phương án, biện pháp phòng, chống mưa lũ theo các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại, tuyệt đối không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ, thiệt hại về người.

Trong đó, lưu ý, khẩn trương kiểm tra và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống hồ đập, đê điều, thoát lũ, thoát ngập nước trên địa bàn thành phố; Sẵn sàng lực lượng thường xuyên túc trực ứng phó tình hình mưa lũ; bám sát kế hoạch xả lũ tại thượng nguồn các sông để kịp thời triển khai các phương án di dời, bảo đảm an toàn cho người dân thành phố; huy động đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang phục bảo hộ cho lực lượng làm công tác phòng, chống mưa bão, thoát lũ, nhất là tại vị trí đập dâng An Trạch. Khẩn trương rà soát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về việc chồng lấn quy hoạch tại các dự án trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu…

* Khoảng 5 giờ sáng nay 10-10, anh Thái Bá Thuận (42 tuổi, trú thôn Phước Nhơn, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) cùng em rể đi đánh cá tại đập Đồng Nghệ.

Trong lúc đánh cá, anh Thuận không may trượt chân ngã xuống bãi tràn thoát nước của đập và bị nước lũ cuốn trôi, mất tích.

Nhận tin báo, xã Hòa Khương đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân thường trực, Công an xã lập tức đến hiện trường. Công an huyện Hòa Vang cũng cử hàng chục cán bộ chiến sỹ phối hợp với người dân tổ chức tìm kiếm tung tích nạn nhân.

Nỗ lực tìm kiếm các ngư dân mất tích -0
 Đập tràn nơi anh Thuận trượt chân bị lũ cuốn trôi.

Tuy nhiên, do đang có mưa to, bãi nước bãi tràn chảy siết khiến công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện, các lực lượng chức năng và người dân đã chia ra từng nhóm đi dọc các đoạn suối để tìm kiếm nạn nhân.  Đến 12 giờ trưa 10-10, vẫn chưa có tung tích của người dân bị nước lũ cuốn trôi.

Quảng Bình lũ lên nhanh, rút chậm, người dân mệt mỏi tìm cách ứng phó 

Theo Ban chỉ đạo PCTT và TKCN Quảng Bình, đến 18 giờ ngày 9-10, toàn tỉnh có 13.020 ngôi nhà bị ngập. Lũ nước lên nhanh nhưng hiện rút rất chậm do triều cường và mưa to phía thượng nguồn tiếp tục đổ về. Người dân khá vất vả tìm cách ứng phó với lũ lụt. 

Từ ngày 7 đến 9-10, ở nhiều nơi tại Quảng Bình có mưa rất to, trong đó huyện Minh Hóa đạt gần 1.000mm, tại huyện Quảng Ninh hơn 900mm và Lệ Thủy 700mm. Ở vùng trũng thấp của các huyện Minh Hóa, Lệ Thủy và Quảng Ninh ngập sâu. Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Quảng Ninh ngập nhiều đoạn gây tắc đường. Đến nay sáng, nước lũ còn ngập Quốc lộ, xe gầm thấp chưa qua lại được. Quảng Bình có 13.020 ngôi nhà bị ngập, trong đó huyện Lệ Thủy có 7.650 nhà, huyện Quảng Ninh với 4.338 nhà, tại huyện Minh Hóa, ở “rốn lũ” Tân Hóa 550 nhà ngập sâu ba mét, nhiều nhà chỉ còn nóc.

Lũ lên nhanh, rút chậm, miền trung
Trưa 10-10, Quốc lộ 1A qua huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vẫn còn ngập.

Từ Quốc lộ 1A phóng mắt về phía đồng bằng hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh chỉ thấy biển nước bao la, sóng lớn vỗ liên tục. Nhà cửa, làng mạc chìm trong nước lũ. Chỉ có thuyền và co-le và phượng tiện đi lại chủ yếu đi lại lúc này. 

Hầu hết người dân đều cho rằng, lũ lên rất nhanh, nhiều nhà neo người lại có phần chủ quan chưa kịp chuyển hết tài sản, đồ đạc lên cao nên bị ướt. Còn vật nuôi phần lớn đều trôi theo lũ, thiệt hại chưa thống kê được.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn cho biết, như vậy đã sang ngày thứ 3 người dân phải hứng chịu mưa lũ. Lũ dâng nhanh nhưng rút rất chậm, từ tối qua đến gần trưa nay, nước rút chừng 20-30 cm. Kinh nghiệm người dân vùng lũ Lệ Thủy là phải canh nước rút tới đâu để vệ sinh nhà cửa đến đấy để không bị bùn non bám chặt. Song do lũ ngâm lâu nên nhiều người có dấu hiệu mệt mỏi. 

Lũ lên nhanh, rút chậm, miền trung
Nước lũ dâng cao rút chậm, người dân Lệ Thủy có dấu hiệu mệt mỏi khi ứng phó với lũ lụt. 

Tại huyện Quảng Ninh, trên Quốc lộ 1A đoạn còn ngập và các tuyến đường bị ngập trong huyện đều có lực lượng cảnh sát giao thông trực để ứng cứu khi cần thiết. Từ trung tâm huyện cách duy nhất đến vùng lũ là dùng thuyền. Lãnh đạo huyện Quảng Ninh có mặt tại điểm cao trên cầu Trung Quán cho biết, huyện rà soát tình hình ngập lụt để tổ chức cứu trợ mì tôm, nước uống cho người dân khu vực nước lũ sâu nhất. 

Ở “rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa nước lũ cũng đang xuống nhưng vẫn còn cao. Cuộc sống người dân vẫn ổn nhờ có nhà nổi. 

Tại các điểm xung yếu như: Tân Hóa, Minh Hóa và vùng đồng bào Rục, khu vực Loòm, các Đồn biên phòng, công an huyện bố trí lực lượng và xuồng máy trực để ứng cứu trong trường hợp cần thiết. Huyện Minh Hóa đã hỗ trợ 10 tấn gạo cho hai xã Thượng Hóa và Trọng Hóa để giúp đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn trong lũ. 

Lũ lên nhanh, rút chậm, miền trung
 Sang ngày thứ 3, nhà dân ở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh chìm trong nước.

Hiện, người dân Quảng Bình chuẩn bị đón đợt mưa lũ mới, nguy cơ lũ chồng lũ sẽ xảy ra.

Mưa lũ cũng đã gây nhiều thiệt hại cho Quảng Bình, nhất là về cơ sở hạ tầng. Sóng to kèm thủy triều dâng cao đã đánh sập tuyến kè biển Quang Phú - Hải Thành, thành phố Đồng Hới bị đánh vỡ.

Đây là công trình quan trọng mới được xây dựng nhằm bảo vệ tuyến đê biển Đồng Hới. Tuyến kè biển dài 860 mét được đầu tư với số vốn 26 tỷ đồng, vừa mới được xây dựng hơn một tháng và chưa được bàn giao để đưa vào sử dụng. Hiện, nước biển vẫn đang dâng cao và sóng lớn, nhiều hạng mục công trình tiếp tục bị ảnh hưởng, uy hiếp sự an toàn của các hộ kinh doanh dọc theo bờ biển Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới. 

Lũ lên nhanh, rút chậm, miền trung
 Chuẩn bị bữa cơm trên nhà nổi ở “rốn lũ” Tân Hóa (Quảng Bình).

Quảng Bình tiếp nhận bốn tỷ đồng ủng hộ khắc phục lũ lụt 

Sáng 10-10, tại TP Đồng Hới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình tổ chức tiếp nhận số tiền bốn tỷ đồng ủng hộ của bảy doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị ủng hộ người dân trong tỉnh khắc phục hậu quả lũ lụt. Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng dự. 

Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, Tập đoàn FLC đã trao ủng hộ tỉnh Quảng Bình một tỷ đồng. Các ngân hàng BIDV, Vietcombank và Tập đoàn T&T, Trung Nam Group, Công ty xây dựng địa ốc Cityland, Công ty Đạt Phương, mỗi đơn vị ủng hộ 500 triệu đồng. 

Lũ lên nhanh, rút chậm, miền trung nỗ lực khắc phục hậu quả -0
 Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Quảng Bình trao hỗ trợ gạo cho đồng bào Rục.

Tiếp nhận hỗ trợ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình Phạm Thị Hân cảm ơn những tình cảm, sự quan tâm của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên các đơn vị đối với người dân vùng lũ Quảng Bình; đồng thời cam kết sẽ phân bổ, sử dụng số tiền đúng mục đích, đúng đối tượng.

Mưa lũ trong những ngày này tại Quảng Bình làm cho hơn 13 nghìn ngôi nhà ngập sâu trong nước, một người mất tích, 81 bản, làng vùng biên giới, miền núi bị chia cắt, cô lập. Hiện, công tác ứng phó với lũ lụt đang được tỉnh Quảng Bình triển khai hết sức khẩn trương nhằm ổn định đời sống người dân, góp phần giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. 
 

Mưa lũ tại Bắc Bộ và Trung Bộ