Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự và phát biểu tại buổi lễ.
Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; đại diện lãnh đạo các đơn vị, Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Buổi lễ có Thiếu tướng Lương Đình Lành, Tư lệnh Quân đoàn 4 và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân đoàn 4; lãnh đạo Quân khu 7, Binh đoàn 16; các tướng lĩnh từng tham gia chiến đấu tại Chốt chặn Tàu Ô.
Về phía lãnh đạo tỉnh Bình Phước có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước Huỳnh Thị Hằng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sông Bé, Bình Dương, Bình Phước qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng dự lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh: 50 năm trôi qua, Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 đã lùi xa nhưng những giá trị và vai trò của chiến dịch Nguyễn Huệ và chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô năm 1972 đã đi vào lịch sử dân tộc như một thiên hùng ca bất tử, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4, Sư đoàn 7 cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Bình Phước.
Với địa thế đặc biệt quan trọng, nằm án ngữ trên trục đường 13, con đường huyết mạch của Mỹ - ngụy trong tuyến phòng thủ bắc Sài Gòn, Chốt chặn Tàu Ô trở thành một trọng điểm quyết chiến giữa ta và địch trong trận chiến năm 1972 ở Đông Nam Bộ. Trải qua 150 ngày đêm, với gần 800 trận đánh lớn nhỏ được thực hiện bằng nhiều phương thức linh hoạt, quân ta đã tiêu diệt được hơn 8.000 tên địch; bắt 211 tên ngụy; bắn rơi và phá hủy 119 máy bay; phá hủy 202 xe và nhiều vũ khí, đạn dược, buộc địch phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến.
Bằng ý chí bám trụ và sức chiến đấu phi thường cùng sự vận dụng sáng tạo chiến thuật phòng ngự trận địa để trụ vững và đánh thắng địch, ta đã biến Chốt chặn Tàu Ô trở thành một “bức tường thép trên đường 13”, tạo nên sự chia cắt triệt để, bao vây và cô lập hoàn toàn Bình Long, giành thế chủ động chiến dịch, phá vỡ kế hoạch phòng thủ của địch, thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta.
Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô đã góp phần vào thành tích chung của Chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước sang giai đoạn toàn thắng cả về quân sự và trên nghị trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình, ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Từ đó, mở ra một thời kỳ mới, chiến công nối tiếp chiến công, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975 - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Xúc động và mãi mãi ghi nhớ công ơn những người con thân yêu trên mọi miền đất nước đã cống hiến, hy sinh, làm nên Chiến thắng Tàu Ô lừng lẫy trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước luôn gìn giữ giá trị lịch sử, những bài học kinh nghiệm đúc rút từ chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Phước từ một địa phương khó khăn đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Thu ngân sách năm 2021 đạt 13.675 tỷ đồng, tăng 79 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng, tăng 29 lần so với năm 1997. Đến nay, toàn tỉnh có 70/90 xã và 3/11 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách toàn tỉnh đạt hơn 10.400 tỷ đồng, bằng 85% dự toán Bộ Tài chính giao và tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt trong xếp hạng chuyển đổi số vừa được công bố, Bình Phước nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Trân trọng quá khứ, trân quý hiện tại để hướng đến tương lai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định: Thời gian tới, Bình Phước sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên". Tỉnh tiếp tục chú trọng đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, giao thông. Tập trung xây dựng chính quyền phục vụ, gần gũi nhân dân, sâu sát doanh nghiệp. Tăng cường liên kết vùng, phát huy lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư; bảo đảm tốt an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng-an ninh; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị một lần nữa khẳng định: Chiến thắng Tàu Ô là chiến công oanh liệt, ghi đậm tinh thần chiến đấu gan dạ, kiên cường, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 chủ lực miền Nam và lực lượng vũ trang cùng nhân dân Bình Phước. Đây là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu hiện độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trải qua 50 năm qua, bài học rút ra từ chiến thắng Tàu Ô vẫn còn nguyên giá trị. Những giá trị truyền thống quý báu đó đã được lực lượng vũ trang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước cụ thể hóa bằng những chương trình, hành động cụ thể, được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đánh giá cao.
Đại tướng Lương Cường đề nghị: Bình Phước tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt; tập trung lãnh đạo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội đề ra. Tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh, có chất lượng và sức chiến đấu cao.
Đại tướng Lương Cường lưu ý, thời gian tới, tỉnh Bình Phước cần thường xuyên quan tâm phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của các dân tộc, các giá trị lịch sử chiến tranh cách mạng, trong đó có chiến thắng lịch sử Chốt chặn Tàu Ô.
Phát biểu đáp từ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Với truyền thống của một tỉnh giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước sẽ đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết tâm gặt hái nhiều thành quả hơn nữa, đưa Bình Phước đồng hành và đi lên cùng cả nước; xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và niềm tin của nhân dân.