Long An tăng tốc phát triển

Nằm ở vị trí giao thoa kết nối vùng, tỉnh Long An có điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị-công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; là đầu mối giao thương quan trọng hợp tác với Campuchia...
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển logistics, hệ thống cảng biển là điểm nhấn để thu hút đầu tư của Long An. Trong ảnh: Một góc Cảng quốc tế Long An.
Phát triển logistics, hệ thống cảng biển là điểm nhấn để thu hút đầu tư của Long An. Trong ảnh: Một góc Cảng quốc tế Long An.

Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, Trương Văn Liếp cho biết, Long An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023. Hiện nay, quy mô kinh tế của Long An hơn 156.000 tỷ đồng, xếp thứ 12 cả nước.

Toàn tỉnh hiện có hơn 16.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động tại 18 khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 253.000 tỷ đồng; hơn 1.200 doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD…

Thời gian qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đến Long An đầu tư 138 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 767 triệu USD, chiếm 7,3% trong tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh.

Các dự án của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Long An không ngừng mở rộng quy mô và tăng vốn đầu tư. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Long An.

Tỉnh tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Nhật Bản về xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động, tiếp nhận thêm các dự án viện trợ ODA sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản trong các lĩnh vực quản lý hành chính công, quản lý nguồn nước, y tế, giáo dục và đào tạo, giao thông và kết cấu hạ tầng đô thị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, Nguyễn Văn Út cho biết, với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2025, một trong những trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ của vùng và cả nước, Long An tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài trong các ngành và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực quan trọng, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Để đạt được những kết quả mới cao hơn, Long An tiếp tục xác định người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm để phục vụ. Tỉnh luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh và tiếp tục xây dựng các bộ chính sách nhằm đa dạng các lĩnh vực đầu tư.

Tỉnh chuẩn bị đủ quỹ đất sạch và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai với thời gian nhanh nhất theo quy định của pháp luật. Hỗ trợ giải quyết các vấn đề về lao động cho doanh nghiệp; tăng cường đầu tư hạ tầng hoàn thiện tại các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và hỗ trợ các điều kiện đầu vào thiết yếu cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư; công khai, minh bạch quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch xây dựng và đất đai, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên hệ thống thông tin điện tử…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, Nguyễn Văn Út khẳng định, khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh và đó là thông điệp xuyên suốt của chính quyền tỉnh Long An.

Trên cơ sở quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã công bố, Long An tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để biến tiềm lực thành nguồn lực. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía nam vào năm 2030; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ; là đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Thực tế yêu cầu phải hình thành được các hành lang kinh tế, vùng không gian phát triển, các trung tâm và đô thị động lực, bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu và giữ vững quốc phòng-an ninh…