Long An khánh thành Phù điêu Châu Văn Liêm

NDO -

Ngày 23/12, UBND tỉnh Long An đã tổ chức lễ khánh thành Phù điêu Châu Văn Liêm và cuộc biểu tình phản đối thực dân Pháp tại ngã tư quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn ngày 4/6/1930 (nay là huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).

Lễ cắt băng khánh thành công trình Phù điêu Châu Văn Liêm và Cuộc biểu tình của nông dân tại ngã tư Đức Hòa, tỉnh Long An.
Lễ cắt băng khánh thành công trình Phù điêu Châu Văn Liêm và Cuộc biểu tình của nông dân tại ngã tư Đức Hòa, tỉnh Long An.

Đến dự lễ có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cùng các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Long An.

Công trình được xây dựng với chiều cao 5,5m, dài 50m, chất liệu bê-tông cốt thép giả đồng; tổng kinh phí đầu tư hơn 19,4 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đầu tư hơn 6,4 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa do Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tài trợ là 13 tỷ đồng.

Công trình Phù điêu Châu Văn Liêm là tái hiện sự kiện đồng chí Châu Văn Liêm lãnh đạo 5.000 nông dân vác cờ đỏ, búa liềm kéo về Dinh quận phản đối thực dân Pháp tại ngã tư quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn ngày 4/6/1930 (nay là huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).

Đồng chí Châu Văn Liêm (bí danh là Việt), sinh ngày 29/6/1902, tại ấp Rạch Tra, phường Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Cuối năm 1924, sau khi tốt nghiệp hạng ưu Trường Sư phạm Hậu bổ ở Sài Gòn, Châu Văn Liêm về dạy học tại Long Xuyên, tỉnh An Giang, đồng thời tham gia nhiều hoạt động yêu nước.

Tháng 8/1927, Châu Văn Liêm tham gia Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí, là đại biểu dự Đại hội Thanh niên toàn quốc họp tại Hương Cảng từ ngày 1 đến 9/5/1929. Sau đại hội, đồng chí về nước tiến hành cải tổ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thành một đảng mới lấy tên là An Nam Cộng sản Đảng.

Năm 1930, đồng chí là một trong 7 đại biểu tham dự Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản trong nước để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau hội nghị, đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước thực hiện công tác thống nhất các tổ chức Cộng sản từ tỉnh Khánh Hòa đến tỉnh Cà Mau.

Cuối tháng 2/1930, đồng chí về Sài Gòn mở lớp tập huấn triển khai Nghị quyết của Hội nghị với sự tham dự của đồng chí Võ Văn Tần, Bí thư Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng làng Đức Hòa. Ngày 6/3/1930, đồng chí Võ Văn Tần đã triệu tập cuộc họp bí mật thống nhất chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng làng Đức Hòa thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây chính là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn, cũng là Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Long An ngày nay.

Quá trình hoạt động trên địa bàn tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An) không lâu, nhưng đồng chí Châu Văn Liêm đã để lại dấu ấn rất quan trọng đối với phong trào cách mạng của địa phương.

Đầu tháng 3/1930, sau khi thực hiện nhiệm vụ hợp nhất tổ chức Đảng Cộng sản ở Nam Kỳ, đồng chí được cử làm Bí thư Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn-Gia Định. Đồng chí đã chọn quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) làm địa bàn đứng chân xây dựng cơ sở và lãnh đạo phong trào cách mạng.

Hoạt động của đồng chí đã có tác động to lớn đối với sự hình thành và phát triển của tổ chức Đảng Cộng sản ở Đức Hòa vào tháng 5/1930 do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư. Việc thành lập các tổ chức Cộng sản đã thúc đẩy phong trào cách mạng ở quận Đức Hòa nói riêng và tỉnh Chợ Lớn nói chung phát triển mạnh mẽ. 

Ngày 4/6/1930, thực hiện chủ trương của Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn-Gia Định do đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư, để hưởng ứng và chia lửa cho cuộc biểu tình của nhân dân Chợ Mới-Long Xuyên (tỉnh An Giang), Quận ủy Đức Hòa đã huy động khoảng 5.000 nông dân trong quận tập trung tại ngã tư Đức Hòa vào lúc 17 giờ, tiến vào quận lỵ biểu tình chống sưu cao, thuế nặng và chống đàn áp.

Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, Quận trưởng Huỳnh Văn Đẩu (còn gọi là Sành) rất khiếp sợ, không dám trực diện với nhân dân, nên phải xin điều binh tiếp viện. Đến 20 giờ, lực lượng tiếp viện của địch từ hướng Chợ Lớn kéo đến; Quận Sành liền ra lệnh giải tán đoàn biểu tình, đe dọa quần chúng và truy xét để tìm người cầm đầu cuộc biểu tình. Tất cả bọn lính đều được vũ trang, sẵn sàng dùng bạo lực để đàn áp.

Long An khánh thành Phù điêu Châu Văn Liêm và cuộc biểu tình của nông dân tại ngã tư Đức Hòa -0
Tái hiện hình ảnh đồng chí Châu Văn Liêm, người lãnh đạo cao nhất của cuộc biểu tình gặp tên cò Dreuil (Đờ-rơi) trước lúc hy sinh.

Trong tình thế cực kỳ căng thẳng, đồng chí Châu Văn Liêm, người lãnh đạo cao nhất của cuộc biểu tình nhanh chóng tiến lên phía trước gặp tên cò Dreuil (Đờ-rơi) để đưa bản yêu sách, đồng thời trực tiếp tranh luận vạch trần những hành động dã man và tội ác của địch. Bất ngờ tên cò Dreuil (Đờ-rơi) rút súng lục bắn vào giữa ngực đồng chí Châu Văn Liêm và ra lệnh nã súng vào đoàn biểu tình, làm nhiều người chết và bị thương. Sau đó, chính Thống đốc Nam Kỳ và lãnh đạo tỉnh Chợ Lớn đã đến tận nơi, điều thêm lực lượng, bắt đi khoảng 100 người thì cuộc biểu tình mới chấm dứt.    

Cuộc biểu tình ngày 4/6/1930 và gương hy sinh oanh liệt của đồng chí Châu Văn Liêm đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp. Sự kiện này được xem là đỉnh cao của phong trào cách mạng tỉnh Tân An-Chợ Lớn năm 1930 dưới sự lãnh đạo của Đảng và là cuộc biểu dương lực lượng chưa từng có của nhân dân Nam Bộ lúc bấy giờ.

Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với sự nghiệp cách mạng của đồng chí Châu Văn Liêm, di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 5/9/1989.

Năm 1995, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa, trong đó có hạng mục phù điêu hoành tráng tái hiện sự kiện đồng chí Châu Văn Liêm lãnh đạo cuộc biểu tình ngày 4/6/1930 và anh dũng hy sinh.

Năm 2020, được sự quan tâm của nguyên Chủ tịch nước và các nhà tài trợ, Phù điêu được đầu tư nâng cấp về quy mô và chất lượng mỹ thuật để xứng đáng với tầm vóc lịch sử của sự kiện ngày 4/6/1930. 

Công trình nghệ thuật-lịch sử này có ý nghĩa tôn vinh và thể hiện lòng tri ân đối với những cống hiến lớn lao và hy sinh xương máu của các thế hệ cách mạng tiền bối. Việc xây dựng, nâng cấp công trình là nghĩa cử hết sức cao đẹp, đầy tính nhân văn, nghĩa tình, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.