Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An cho biết: Ranh giới độ mặn 4 gam/lít đã xâm nhập sâu trên sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông, cách cửa sông hơn 87 km; Ranh giới độ mặn 1gam/lít xâm nhập sâu về đến xã Thủy Đông, Thuận Nghĩa Hòa (huyện Thạnh Hóa) và xã Hòa Khánh Nam (huyện Đức Hòa), xã Bình Hòa Nam (huyện Đức Huệ), cách cửa sông hơn 110 km. Để giảm tổn thất ở mức thấp nhất cho khoảng 13 nghìn ha lúa đông xuân và hơn 11 nghìn ha cây ăn trái tại các địa phương, UBND tỉnh Long An và nhân dân đang chung tay, dồn sức đắp đập tạm tại các kênh thủy lợi nối các sông chính và tổ chức bơm nước chuyền qua nhiều cấp để đưa nước cứu lúa và vườn cây ăn trái.
Ông Trần Minh Hoàng, nông dân ấp 3, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, cho biết: Năm nay hạn, xâm nhập mặn đến sớm, nước ở dưới sông lớn giờ đã cạn gần trơ đáy. Để cứu lấy 5 ha lúa đang trong giai đoạn đòng trổ, tôi và người anh phải tự đặt máy bơm ngoài sông cái, kéo ống hơn 200 m để đưa nước lên ruộng. Bình quân trong 24 giờ nước dưới hệ thống thủy lợi Tấn Đức này cạn rất nhanh, khoảng 3 cm vì có quá nhiều người ra tập trung bơm nước cứu lúa. Để có cơm ăn cho cả gia đình trong vụ đông xuân này, giải pháp duy nhất nông dân phải làm là tranh thủ bơm nước vào ruộng để cứu lúa. Tuy nhiên, nước ngọt trên sông chính càng lúc càng cạn kiệt khó mà bảo đảm đủ nước để bơm hai lần nữa. Những ruộng lúa đang trổ bông nằm gần sông lớn hy vọng đủ nước bơm còn những ruộng nằm giữa đồng có nguy cơ thất bát vì thiếu nước ngọt. Trước tình hình này bà con nông dân trồng lúa rất mong chính quyền có sự hỗ trợ cho dân được phần để giảm chi phí sản xuất.
Ông Hồ Văn Hùng, nông dân ấp 2, xã Lạc Tấn nói: Xâm nhập mặn năm nay đến sớm hơn năm 2016 gần một tháng, nước ngọt đang thiếu hụt trầm trọng, lúa đang thời kỳ trổ bông và còn khoảng 30 ngày nữa mới chín, nếu không đủ nước ngọt thì năng suất sẽ giảm. Bà con nông dân kiến nghị chính quyền địa phương các cấp làm sao đưa được nước ngọt về để bà con bơm lên ruộng cứu lúa.
Cán bộ Địa chính và Xây dựng xã Lạc Tấn (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) Trương Ngọc Hân cho biết: Xâm nhập mặn lấn sâu trên các sông chính nên lượng nước ngọt trữ trong hệ thống thủy lợi Tấn Đức đang xuống rất thấp. Tất cả các tuyến kênh sườn, kênh thủy lợi nội đồng đã được nạo vét để trữ nước ngọt nhưng nay cũng đã trơ đáy. Để cứu 500 ha lúa đông xuân chính vụ của xã và một phần các xã: An Nhựt Tân, Quê Mỹ Thạnh, Bình Lãng, xã triển khai đắp đập tạm tại các đầu kênh đấu nối các sông chính và đặt trạm bơm lấy nước vào hệ thống thủy lợi cấp 1 để nhân dân bơm qua nhiều cấp cứu lúa.
![]() |
Người dân phải bơm nước chuyền qua nhiều ruộng lúa để cứu lúa.
Năm nay, do mưa ít, nước mặn trên sông Vàm Cỏ đến sớm hơn mọi năm nên lượng nước ngọt trữ trong hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo, Tấn Đức, Cầu Trắng đang dần cạn, các kênh cấp một, hai và ba đã khô cạn. Huyện Tân Trụ đang là địa phương thiếu nước ngọt để tưới cho 4.500 ha lúa đông xuân chính vụ đang giai đoạn mới làm đòng và đang trổ. Các xã: Nhựt Ninh, Đức Tân, Mỹ Bình và Tân Phước Tây hiện có hơn 2.000 ha đang trong giai đoạn đòng trổ nếu không được tiếp nước kịp thời sẽ có nguy cơ giảm năng suất rất cao. Việc bơm chuyền nước ngọt từ các sông chính vào hệ thống thủy lợi cấp một và bơm chuyền qua nhiều cấp là giải pháp duy nhất đang được địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hệ thống các sông chính nếu không được tiếp thêm nước ngọt thì lượng nước trong các sông chính cũng sẽ cạn trong những ngày tới.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An Võ Kim Thuần cho biết: Tình hình hạn, xâm nhập mặn 2019 - 2020 đến sớm hơn 15 ngày so với mặn lịch sử 2015 - 2016, độ mặn 4 gam/lít và 1 gam/lít trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây vượt hơn năm 2016 trên dưới 20 km. Dự báo, trong thời gian tới, hạn, xâm mặn sẽ diễn ra rất gay gắt, khốc liệt, tập trung cuối tháng 2 và giữa tháng 3 đến khi có mưa mới giảm một phần độ mặn. Diện tích có khả năng bị ảnh hưởng đối với lúa là hơn 13 nghìn ha, cây ăn trái hơn 11 nghìn ha. Huyện Tân Trụ và phía nam huyện Thủ Thừa là hai địa phương có diện tích lúa đang ảnh hưởng thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp phối hợp các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ và một số ngành liên quan quan trắc nguồn nước trên sông trong kỳ nước kém thấy có nước ngọt bảo đảm an toàn cho sản xuất là mở các cống đầu mối để đưa nước vào hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo, Tấn Đức, Cầu Trắng và tăng cường thuê máy bơm đưa nước về cho vùng Tân Trụ và khu vực phía nam huyện Thủ Thừa. Tuy nhiên, lượng nước ngọt chỉ đáp ứng được 60 đến 70 % so với nhu cầu bơm lên đồng ruộng. Trong thời gian tới, từ ngày 23 đến 27-2-2020, ngành nông nghiệp và các huyện tiếp tục theo dõi sát diễn biến độ mặn trên các sông chính, thấy bảo đảm tiếp tục bơm tăng cường để tích trữ nước. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đã lên phương án phối hợp Công ty Cấp nước Tân An (tỉnh Long An) kết hợp lấy một số nguồn nước thô đưa vào hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo huyện Tân Trụ để cứu lúa ở huyện Tân Trụ và Thủ Thừa. Ngành nông nghiệp đã thuê 10 máy bơm để bơm nước về cho huyện Tân Trụ, người dân cũng đã tăng cường 60 đến 70 máy bơm để tranh thủ bơm từ kênh cấp một lên kênh cấp hai và ba.
Vụ đông xuân 2019 - 2020, nông dân Long An đã gieo sạ trên 226 nghìn ha. Qua thống kê của ngành nông nghiệp, hạn, mặn đang làm cho 13 nghìn ha lúa đông xuân, hơn 11 nghìn ha rau màu, cây ăn trái thiếu nước sản xuất nghiêm trọng. Ngoài ra, trên địa bàn hiện có khoảng gần 8.000 hộ dân ở huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) bị thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp kiểm tra, rà soát, khoanh vùng khô hạn, thiếu nước do xâm nhập mặn để nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến tại các kênh và cống đầu mối để bơm nước ngọt từ các sông chính lên hệ thống này cho bà con bơm vào ruộng. Riêng khu vực thuộc hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo - Tân Trụ hiện nay không thể bổ sung nước ngọt, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thi công các đập tạm đầu các kênh cấp một, hai và ba, tổ chức bơm chuyền để bổ sung nguồn nước để cứu lúa.