Góc cuối tuần

Lỗi tại… xe máy?

NDO -

NDĐT- Dường như mọi “tội vạ” làm nên sự ùn tắc nghiêm trọng, ô nhiễm khói bụi xăng xe và tiếng ồn, sự nhếch nhác, lộn xộn của giao thông Hà Nội đều “đổ lên đầu” xe máy. Vì thế, để tìm giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông, nhiều người nghĩ ngay đến biện pháp trước mắt là cấm xe máy.

Tắc đường tại khu vực cầu Tó, Thanh Trì, Hà Nội sáng 20-9.
Tắc đường tại khu vực cầu Tó, Thanh Trì, Hà Nội sáng 20-9.

Những bức ảnh được báo chí đăng tải về cảnh tắc đường tại khu vực gần chung cư Đại Thanh, cầu Tó, đường Phan Trọng Tuệ sáng 20-9 khiến nhiều người giật mình lo ngại về vấn nạn giao thông ở Hà Nội. Nhìn từ trên cao, các phương tiện xe cộ ùn ứ kéo dài đến hàng kilomet ở tất cả các ngả, một biển xe máy rùng rùng nháo nhác vô phương không lối thoát. Mặc dù tắc đường ở Hà Nội đã là “chuyện thường ngày” nhiều năm nay, nhưng cảnh tượng kẹt cứng các loại phương tiện trên diện rộng mọi ngả đường được chụp từ trên cao như có ý thức tỉnh, cảnh báo, đặt ra nhiều câu hỏi cấp thiết về giải pháp cho giao thông Hà Nội trong những năm tới. Bởi lẽ, nạn tắc đường sẽ không dừng lại ở đó.

Mỗi ngày đường phố Hà Nội được “bổ sung” thêm… 600 xe máy. Mỗi tháng, có thêm từ sáu đến tám nghìn ô tô mới tham gia vào giao thông ở Hà Nội. Thống kê của ngành giao thông cho biết, con số hơn 5 triệu xe máy và hơn 540 nghìn ô tô hiện có của Hà Nội sẽ nhanh chóng lỗi thời chỉ sau một vài tháng. Đấy là không tính hàng triệu người ngoại tỉnh đang cư trú trên địa bàn, sử dụng những chiếc xe biển ngoại tỉnh mà Hà Nội không quản lý. Chưa hết, còn xe đạp điện, xe đạp và các loại phương tiện khác. Dự báo của Sở Giao thông vận tải cũng cho biết, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng gần 1 triệu ô tô các loại và gần 6 triệu 300 nghìn xe máy. Cứ 1km đường Hà Nội sẽ có tới hơn 2 nghìn 500 xe máy và hơn 180 ô tô, chưa tính đến các phương tiện khác. Với tiến độ “tăng trưởng” đều đặn thế này thì có lẽ chỉ vài ba năm nữa thôi, các con đường của Hà Nội chỉ vừa chỗ để… xếp xe máy, ô tô chứ đừng nghĩ đến chuyện di chuyển. Một viễn cảnh tắc đường có thể kéo dài đến vài ba ngày kẹt cứng như ở Jakarta (Indonesia) rất có thể cũng sẽ xảy ra với Hà Nội. Và cảnh tắc đường kinh hoàng như vừa xảy ra ở khu vực cầu Tó – đường Phan Trọng Tuệ hoàn toàn có thể được “nhân bản” trên diện rộng.

Vậy là dường như mọi “tội vạ” làm nên sự ùn tắc nghiêm trọng, ô nhiễm khói bụi xăng xe và tiếng ồn, sự nhếch nhác, lộn xộn của giao thông Hà Nội đều “đổ lên đầu” xe máy. Vì thế, để tìm giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông, nhiều người nghĩ ngay đến biện pháp trước mắt là cấm xe máy. Trong đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Sở Giao thông vận tải cũng đã đề xuất giải pháp hạn chế và tiến dần đến cấm xe máy hoạt động trên địa bàn Hà Nội theo lộ trình thời gian bắt đầu từ năm 2020. Liệu phương án này có thể khả thi?

Tôi tin rằng phần đông người Hà Nội mỗi ngày di chuyển trên đường không ai thích thú với cảnh chen chúc vượt vỉa hè, lạng lách, hít thở khói xăng xe và tắc đường nghiêm trọng, mưa lớn ngập lụt xảy ra thường xuyên như hiện nay. Tuy nhiên, nếu bây giờ từ bỏ chiếc xe máy quen thuộc, với nhu cầu đi lại trong hệ thống giao thông đô thị với ngõ ngách chằng chịt như hiện nay, người dân có thể lựa chọn phương tiện gì thay thế? Kinh nghiệm thực tế ở Yangon (Myanmar) cho thấy, họ đã cấm xe máy thành công, nhưng vẫn không thể giải quyết được nạn tắc đường. Hơn thế, tắc đường ở Yangon còn trầm trọng hơn, khi lượng ô tô cá nhân trở nên quá tải trên đường phố.

Căn cứ vào thực tế hệ thống phương tiện giao thông công cộng tại Hà Nội hiện có, xe buýt là phương tiện lựa chọn thay thế khả thi nhất. Thế nhưng, hãy nhìn vào thực tế theo số liệu mà các nhà quản lý đưa ra tại cuộc hội thảo về giải pháp phát triển xe buýt từ nay đến 2020 cho thấy, lượng hành khách đi xe buýt đang có xu hướng sụt giảm trong hai năm qua. Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, năm 2014 lượng người đi xe buýt đạt gần 470 triệu khách, năm 2015 chỉ còn khoảng 430 triệu và 7 tháng đầu năm 2016 giảm 9,5%. Xe buýt cũ, nội thất xuống cấp, hệ thống thông tin không rõ ràng, sai lệch, vận hành thiếu an toàn, lái xe và nhân viên có lời nói hành vi ứng xử thiếu chuyên nghiệp là nguyên nhân khiến lượng hành khách đi xe buýt giảm. Liệu có thể cải thiện, nâng cấp và phát triển được hệ thống xe buýt cũ kỹ, bất cập và lỗi thời hiện nay? Và cho đến mốc năm 2020, kế hoạch phát triển các tuyến BRT và đường sắt đô thị trên dịa bàn Hà Nội liệu có thể đưa vào sử dụng và đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thủ đô?

Hà Nội cần một cái nhìn bao quát hơn trong giảm ùn tắc. Bởi vấn nạn này không phải chỉ là trăm sự tại xe máy. Trong khi ngành giao thông vẫn loay hoay với biện pháp giảm phương tiện giao thông cá nhân thì vấn đề giảm mật độ dân số từng được mở ra, rồi chìm vào quên lãng. Những tòa nhà cứ được xây “cao, cao mãi” ngay vùng lõi mà thiếu sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông.

Cùng với việc thực hiện lộ trình cấm xe máy, Hà Nội cũng cần có biện pháp hữu hiệu hạn chế cả ô tô cá nhân. Và quan trọng hơn, cần tính đến lộ trình thật sự khả thi để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển hệ thống giao thông công cộng. Nếu không, cấm xe máy thì sẽ lại kẹt cứng ô tô cá nhân và giao thông đô thị lại vẫn rơi vào tình trạng… thập diện bế tắc.