Viết thể loại bình luận quốc tế hiện nay, người viết thường gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Viết bình luận quốc tế (BLQT) phải thể hiện rõ thế giới thay đổi như thế nào. Chiến tranh lạnh trước đây phân tuyến rõ bạn- thù, nay thế giới hội nhập đan xen nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm.
Có thể nói, hai dòng chủ lưu chính khi viết BLQT gần đây, đó là cổ vũ nước ta gia nhập thế giới, và đấu tranh chống các quan điểm sai trái của thế lực thù địch. Điều đó có nghĩa, tác phẩm báo chí phải góp phần vào tiến trình hội nhập, theo đường lối đổi mới của Đảng, độc lập dân tộc, đa phương hóa, Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước trên thế giới.
Vấn đề thứ hai rất khó. Đấu tranh thế nào cho thoả đáng về các vấn đề nhạy cảm, dân chủ nhân quyền, tôn giáo, thể chế chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, mưu toan thế lực thù địch đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp của nước ta, vấn đề Tây Nguyên v.v
Trân mặt trận văn hóa- tư tưởng, chúng ta vừa đấu tranh trực diện, vừa tìm kiếm hợp tác (khác hẳn với trước đây). Vấn đề cốt lõi ở chỗ tác phẩm báo chí góp phần đi tìm tiếng nói chung, mang tính hợp tác, chứ không gây sự thù địch. Vấn đề quan trọng trên hết, bảo vệ lợi ích của đất nước mình.
Cần những điều kiện nào để thể hiện thành công thể loại báo chí này?
Trong BLQT, người viết phải nắm bắt các trục vận động quốc tế, hơn thế, vị trí và quyền lợi quốc gia Việt Nam ra sao trong trục vận động đó. Điều đó cần sự nhạy cảm, năng cảm, vững vàng của người viết.
Có những bài viết động chạm các cường quốc, các đối tác gần, xa, liên quan tới những quốc gia khác nhau về quan điểm, ý thức hệ, nền văn hóa…
Rõ ràng, để thể hiện điều đó trong bài viết không đơn giản. Viết đến mức nào, để vừa giữ mối quan hệ hợp tác, vừa đấu tranh. Đặc biệt, khi vấn đề liên quan trực tiếp Việt Nam, thậm chí Việt Nam là “đương sự” của sự kiện.
Một bài BLQT nói riêng, một tác phẩm báo chí nói chung để đạt chất lượng cao, người phóng viên cần nhận biết, hiểu biết đúng được bản chất sự kiện. Từ đó, viết đúng với bản chất của tình hình; đúng với xu thế phát triển chung của thế giới; đúng với quan điểm của Đảng và Nhà nước. Trong mỗi bài viết, ba yếu tố này luôn luôn song hành, hỗ trợ lẫn nhau.
Khi tác phẩm BLQT lên mặt báo, bạn đọc cảm nhận được quan điểm của người viết, quan điểm của Việt Nam, lợi ích dân tộc. Nhưng đó là sự cảm nhận thoả đáng, tự nhiên, bài viết không thể khô cứng, một kiểu viết chính trị “chay”, gượng ép theo kiểu cơ học với người đọc,
Tác phẩm cũng cần thể hiện tinh thần nhân văn, xuất phát từ con người, thân phận người dân bình thường, tinh thần dân tộc trong mỗi sự kiện, trong những cuộc xung đột trong khu vực hay trên thế giới.
Còn năng lực cần thiết đối với phóng viên chuyên về BLQT?
Hành trang của phóng viên, do vậy, cần một “phông” kiến thức rộng, hay kiến thức sâu rộng về văn hóa, về lĩnh vực, vấn đề đề cập.
Còn để thể hiện câu chữ, ấy là năng lực viết, khả năng thể hiện các ý tưởng bằng những con chữ sống động. Nói ví von, là “xây đắp thịt da con chữ”. Lúc trình bày, về mặt ngôn ngữ, càng điêu luyện, càng tinh thông càng tốt. Điều đó không có nghĩa, tách ngôn ngữ văn phong chính luận với ngôn ngữ đời thường, lời ăn tiếng nói của người dân. Ngôn ngữ BLQT rất cần sự biểu cảm, giàu cảm xúc.
Người viết phải có bản lĩnh chính trị, đó là điều cơ bản. Không chỉ đơn thuần nắm đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, bản lĩnh người viết cần được xây đắp một cách toàn diện, lâu dài, từ “nền móng” đạo đức, trí tuệ, văn hóa nữa.
Một điều quan trọng khác, để thành công, viết chính luận, BLQT, người viết phải dày công xây dựng mối quan hệ xã hội rộng rãi, đáng tin cậy. Bạn đọc là bậc thầy về thông tin, có thể giúp anh tìm được sự thật, bản chất vấn đề, thậm chí gợi mở cho phóng viên đề tài mới. Qua mối quan hệ tin cậy, người viết thu thập những nguồn thông tin “hạng A”, nắm được bản chất vấn đề, và khi đặt bút, chúng ta sẽ viết trúng, đúng.
Và để có uy tín với người cung cấp thông tin, không gì hơn là người viết thể hiện qua chất lượng bài viết của mình. Mình mà “viết nhăng, viết cuội”, ai mà dám chơi!?
Qua thực tiễn viết báo, theo anh báo chí nước ta trong những năm qua đã gặt hái được những thành tựu nào nổi bật nhất?
Báo chí Việt Nam trong những năm qua phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, góp phần đẩy lùi nguy cơ tụt hậu về tư duy và trí tuệ. Vấn đề rất lớn. Đời sống nhận thức xã hội là khởi nguồn của mọi cuộc cách mạng. Báo chí mang lại năng lực tinh thần cho toàn xã hội.
Báo chí phát triển mạnh mẽ từng ngày, “trăm hoa đua nở”- như nhiều người nói, điều đó đáng mừng chứ. Đông đảo cơ quan báo chí đi đúng hướng, góp phần quan trọng trên mặt trận văn hóa- tư tưởng. Mỗi tờ báo có bản sắc riêng, mỗi vấn đề, sự kiện diễn ra đều được phản ảnh nhiều chiều, khách quan. Điều đó thể hiện tính dân chủ của đất nước ngày càng cao, dân chủ trong ngôn luận, dân chủ trong sinh hoạt xã hội, dân chủ về chính trị.
Bên cạnh đó, trên thực tế báo chí nước ta vẫn còn không ít những hạn chế?
Chúng ta thừa nhận rằng, báo chí là một thứ hàng hóa đưa ra thị trường. Tuy nhiên, phải coi nó là thứ “hàng hóa đặc biệt”. Cả cơ quan báo chí và người cầm bút cần phải trách nhiệm lắm với loại hàng hóa này.
Trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, báo chí cũng “bùng nổ” về số lượng. Kéo theo đó, một số tờ báo lại chuệch choạc, “lá cải”, quá chạy theo thị hiếu của người đọc, giật gân câu khách để bán báo. Một số khác lại theo kiểu bị “thương mại hóa”, viết bài quảng cáo, hay cố tình đưa lệch lạc bản chất vấn đề vì lợi ích cá nhân.
Điều đó phần nào do công tác quản lý báo chí (QLBC) trong một số lĩnh vực chưa thật chặt chẽ. Cơ chế quản lý cần được tiếp tục bổ sung, đổi mới, cải tiến mới không bị bất cập với sự phát triển của báo chí. Nếu không, công tác QLBC chỉ đi sau thực tiễn phát triển của báo chí. Khi xảy ra vụ việc sai trái, anh phải chạy theo, dù có “thổi còi” vụ việc “vượt rào”, uy lực cũng chưa thật đủ mạnh.
Trong thời gian tới, cơ chế QLBC phải làm thế nào để tất cả báo chí trong nước vận động tích cực mà vẫn đi đúng hướng, không chỉ là mệnh lệnh hành chính. Báo chí chân chính phải xây dựng nền tảng nhận thức, tinh thần của xã hội, vì lợi ích của xã hội. Đó vừa là mục tiêu, vừa là lợi ích của báo chí.
Để báo chí trong nước ngày thêm khởi sắc, theo anh, người cầm bút sắp tới cần có thêm những điều kiện gì?
Ngoài các điều kiện về vật chất, phương tiên, cơ hội nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghề nghiệp, vấn đề được ưu tiên cung cấp thông tin là quan trọng nhất. Người làm báo không có thông tin như thể không có “thức ăn” nuôi dưỡng con người!
Trách nhiệm cung cấp thông tin với báo chí vẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ. Đó là nhận thức về thông tin của công chúng và cả những người có trách nhiệm. Vẫn còn tình trạng o bế thông tin, lẩn tránh báo chí, và đây là căn bệnh sớm được chữa trị, để mọi người cởi mở hơn với báo chí.
Tất nhiên, cũng có ngưỡng, phóng viên cần nhận thức, những thông tin nào được cung cấp, và cái nào không, như vấn đề liên quan an ninh quốc gia chẳng hạn.
Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này.