Livestream bán hàng:
từ trào lưu đến mũi nhọn
kinh tế Trung Quốc
Một tháng trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Guyu, Phó Giám đốc công ty truyền thông TY của Mạng lưới Đa kênh (Multi-channel Network--MCN) Hàng Châu, Trung Quốc đã lên kế hoạch hoàn chỉnh cho lịch làm việc xuyên Tết, một cái Tết không nghỉ giống như năm trước.
Sức hút từ thần tượng
Khởi đầu tự phát từ những ứng dụng Douyin, Tictok, Kwai những năm 2017, bán hàng trực tiếp trên mạng nhanh chóng trở thành trào lưu bán hàng mới nổi tại Trung Quốc, với sự tham gia của hàng loạt ông lớn công nghệ và ứng dụng bán hàng trực tuyến như Jingdong, Taobao, Weipinhui,... Đặc biệt trong năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, số lượng khách hàng sẵn sàng ngồi trước máy tính hoặc nhìn vào điện thoại để mua hàng tăng đột biến. Các thành phố như Hàng Châu, Quảng Châu đầu tháng 4-2020 đã đưa ngành này vào chiến lược đào tạo nhân tài của địa phương. Nhiều người thuộc các lứa tuổi đều đang ôm một giấc mộng, viết tiếp câu chuyện thần thoại của nữ hoàng livestream Vi Á, hay hoàng tử son môi Lý Giai Kỳ, những thần tượng bán hàng đình đám của ngành thương mại điện tử.
Công việc đằng sau một buổi bán hàng trực tiếp không hề đơn giản. Guyu cần phải gạn lọc các sản phẩm theo chủ đề, tiếp đến sẽ đọc hồ sơ của các ứng cử viên dẫn chương trình trực tiếp để chọn ra một người phù hợp, song song với đó là việc giữ liên lạc thông suốt với bộ phận chăm sóc khách hàng, kho vận, trường quay…
Theo guồng công việc, một buổi livestream kết thúc, cũng là lúc Guyu bước vào giai đoạn chuẩn bị cho buổi làm việc tiếp theo. Không chỉ mình anh, mà cả Mạng lưới Đa kênh MCN, nhà cung cấp sản phẩm, hay người dẫn chương trình, tất cả đều bỏ ra 100% tinh thần và sức lực để lao vào “cuộc chiến” tuần hoàn trên không gian mạng.
Giao thừa chỉ còn cách Zhudan ba tiếng đồng hồ, là trưởng phòng kinh doanh cho một ứng dụng bán hàng trên mạng xã hội tại thành phố Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến), cô đang tham dự cuộc họp triển khai công tác cho ngày mai, mùng một Tết. Bỗng cảm nhận được sự rung lắc nhẹ của văn phòng, tiếng tin nhắn trên điện thoại bíp liên hồi, thông báo về một trận động đất có độ lớn 3,2 richter đang xảy ra. Zhudan hơi sững người nhưng cô nghĩ, mình đang họp cơ mà, chẳng nhẽ lại ôm cả máy tính để chạy. Từng trải qua nhiều trận động đất vì là người địa phương, cô quyết định ngồi lại, nhìn vào máy tính và tiếp tục cuộc họp với đồng nghiệp.
Một buổi chiều đầu tháng 1, hai cô gái bước vào văn phòng của Guyu, xin phép được ở lại làm việc trong những ngày nghỉ Tết, mặc dù lúc đó công ty chưa có lịch nghỉ lễ. Sau khi có thông báo, một vài ngôi sao livestream của công ty đặt vấn đề về phép, nhưng vẫn hy vọng tiếp tục tham gia công việc tại quê nhà. Trên cương vị một phó giám đốc, ba năm lăn lộn trong ngành giúp Guyu hiểu được sự nghỉ ngơi rất quan trọng. Nhưng anh cũng biết, thương mại điện tử giống như một đường đua, đích của nó là những câu chuyện thần thoại, trở ngại là những áp lực của thời gian.
Ba năm trước, mục tiêu của những người như Guyu được đưa ra khá dè dặt, nhưng ba năm sau, anh và nhân viên của mình đã thay đổi với những mục tiêu và cách làm táo bạo. Nhớ lại thời của những clip ngắn vài chục giây trên Douyin ba năm trước, cho đến thời lượng phát trực tiếp lên đến hàng giờ của hiện tại. Guyu biết rằng, mọi thứ của thương mại điện tử đều xảy ra rất nhanh, không cho ta thời gian để tiêu hóa cảm xúc của mình.
Định hình hướng phát triển
Điều đó rất đúng với Zhudan, bốn chuyến công tác trong một tháng khiến cô không còn thời gian để gỡ bỏ áp lực hoặc tiêu hóa các cảm xúc tiêu cực. Từ 23 Tết, cô đã chuẩn bị cho đợt khuyến mãi mua chung sau Tết, sắp xếp lại fanpage và danh sách khách hàng. Khác với mạng lưới đa kênh MCN, mạng xã hội của Zhudan chỉ bán sản phẩm của mình, cho nên việc tiếp xúc, giao thiệp trực tiếp với từng khách hàng rất quan trọng.
Thường thì Zhudan và nhóm của cô sẽ tổ chức bán hàng trực tiếp một tuần một lần, và một tháng một buổi có thời lượng sáu tiếng. Người dẫn chương trình được mời sẽ là đại diện thương hiệu, hoặc một KOL (người có ảnh hưởng) của một lĩnh vực nào đó, thí dụ như nghệ thuật. “Chúng tôi thiên về việc mời đại diện nhãn hàng tham gia trực tiếp, họ có kiến thức về sản phẩm, có nhóm riêng của mình, quan trọng là họ có nguyện vọng tham gia quảng bá sản phẩm trực tiếp”, Zhudan cho biết, “người tiêu dùng ngày càng muốn biết rõ về nguồn gốc sản phẩm, chúng tôi phải tỏa đi khắp nơi, tới từng địa phương để tổ chức trực tiếp, khách hàng sẽ có cơ hội tìm hiểu nguồn gốc, xưởng sản xuất, chuỗi cung ứng, từ đó thêm tin tưởng vào lựa chọn của mình”.
Trải qua một năm 2020 phát triển ào ạt, ngành bán hàng trực tiếp của Trung Quốc đang bước sang trang mới với từ khóa “nguồn gốc sản phẩm”. “Livestream không phải là trò chơi tiền tệ”, Jinlan, Giám đốc một công ty thời trang cho biết, anh và nhân viên mất hai tháng bỡ ngỡ, mới tạm làm quen với trào lưu này. Đầu năm 2020, Jinlan hô hào toàn bộ nhân viên, thuê thêm chuyên viên bên ngoài tham gia bán hàng trực tiếp, tuy vậy, lượng khán giả theo dõi không những không tăng mà còn giảm thấp. Jinlan tiếp rục rót thêm 3 triệu nhân dân tệ, nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan. Sau một thời gian tĩnh tại, anh quyết định từ bỏ cách bán hàng đại diện cho thương hiệu, để tìm tới từng địa phương, nguồn cung trực tiếp của sản phẩm. Cuối năm, các số liệu bán hàng đã không ngừng tăng và đạt mức ổn định.
Là một hộ cá thể, Ningyan quyết định khởi nghiệp bán hàng trực tiếp trên mạng Taobao vào giữa năm trước, tuy nhiên cô đã cho đóng cửa gian hàng của mình trước Tết, trước khi cô kịp nổi tiếng để quay lại sự nghiệp học hành. Ningyan đã bỏ không ít công sức để vừa làm vừa học, từ mỹ thuật, giao tiếp, chăm sóc khách hàng, giao dịch tại xưởng… thậm chí chuẩn bị tâm lý thuyết phục người nhà về một nghề kinh doanh khả thi của thời đại số. Tuy nhiên, đơn độc là điểm yếu của Ningyan khi gặp phải sự cạnh tranh có tổ chức. Với việc một số người quen của mình cũng đóng cửa hàng để tham gia làm nhân viên của Mạng lưới Đa kênh, giấc mộng trở thành người bán hàng trực tiếp của Ningyan trở nên lung lay để rồi sụp đổ.
Đến Hàng Châu sau khi tốt nghiệp đại học, Duoduo nhận lời tham dự một buổi livestream bán hàng, cô nhanh chóng rơi vào giai đoạn chống chọi áp lực của công việc và tan vỡ của tinh thần. Với vòng lặp của việc chọn nhà xưởng, chọn sản phẩm, thuộc sản phẩm để độc thoại trực tiếp, Duoduo trở thành điển hình của một bộ phận những người bán hàng “không có thời gian để tan vỡ”. Tuy nhiên, tấm gương của Vi Á, Lý Giai Kỳ, thần tượng giới livestream khích lệ cô gắng gượng. Người hâm mộ của Duoduo đông dần lên, từ 10 nghìn lên đến vài trăm nghìn và trở thành KOL của mạng Taobao. Dẫu vậy, một năm liên tục nói trực tiếp trên mạng với thời lượng hơn 12 giờ mỗi ngày, cộng với cú sốc Covid-19 khiến cô phải cách ly tại gia hàng ngày đếm số tương tác đi xuống, đi kèm với sức khỏe và năng lượng tinh thần cạn kiệt, Duoduo quyết định tạm dừng công việc, tìm lại trạng thái cân bằng.
Trào lưu livestream tại Trung Quốc có những nhà thám hiểm luôn đi lên phía trước, cũng có những người tạm dừng cuộc chơi đợi cơ hội bùng nổ. Phải chăng đó chính là sức hút độc đáo của ngành thương mại điện tử trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay?