Quảng Bình là dải đất có bề ngang hẹp nhất nước, địa hình dốc, nhiều nơi lại thấp trũng, hầu như năm nào cũng gánh chịu thiệt hại bởi thiên tai. Ðể thích ứng hoàn cảnh, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã sát cánh, hỗ trợ nhau cùng vượt qua khó khăn.
Nhà tránh bão, vượt lũ
Những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các chương trình, dự án và tổ chức, doanh nghiệp để giúp người dân làm nhà an toàn chống chịu thiên tai. Qua trận lũ lịch sử năm 2020 cho thấy, nhà chòi tránh lũ an toàn không chỉ với hộ nghèo mà rất cần thiết đối với các hộ gia đình chưa có điều kiện xây nhà kiên cố vượt lũ hoặc các vùng dân cư thấp trũng ven sông.
Bà Lê Thị Diệu năm nay gần 80 tuổi ở thôn Tân Thịnh, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy kể lại rằng, trong đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, ngôi nhà cấp 4 cũ của bà nước ngập gần 2m. Do ở một mình và lo kê dọn tài sản cho nên khi nước lũ lên nhanh, bà không kịp sơ tán. Hoảng loạn giữa biển nước, bà liều mình bơi ra rồi trèo lên cây mít cao trước nhà kêu cứu... Sau đợt lũ đó, bà Diệu được chính quyền và dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ xây dựng nhà chòi hai tầng để tránh lũ. Trò chuyện với chúng tôi, bà Diệu xúc động cho biết, với căn nhà này, bà sẽ yên tâm và an toàn hơn trong mỗi mùa bão, lũ. Bởi để trú bão thì đã có tầng một sàn đổ bê-tông, không lo gió bão thổi bay mái; còn khi nước lũ về thì lên tầng hai tránh, ở đó cất trữ lương thực, nước uống, có bếp nấu nướng, chỗ ngủ an toàn.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, Trần Xuân Tiến cho biết, vừa qua, UNDP đã hỗ trợ Quảng Bình xây dựng gần 1.000 nhà an toàn chống chịu bão, lụt cho người dân các xã ven biển và cận ven biển. Nhà làm theo mẫu do Sở Xây dựng Quảng Bình phê duyệt thiết kế với diện tích sàn tránh lũ khoảng 25m2. Sàn tầng một đổ bê-tông, có cầu thang bằng sắt để lên tầng hai; tầng hai ngôi nhà nhỏ lợp tôn, có cửa thoát hiểm. Mỗi nhà tránh lũ được hỗ trợ 52 triệu đến 55 triệu đồng nhưng khi triển khai, người dân góp thêm kinh phí để làm nhà đẹp hơn, vì thế tổng mức đầu tư lên 80 triệu đến 100 triệu đồng. Ðược biết, trong các chuyến khảo sát, kiểm tra tại Quảng Bình, các chuyên gia UNDP đã đánh giá rất cao hiệu quả và ý nghĩa của mô hình nhà tránh lũ. Các chuyên gia cho rằng, mô hình này rất tốt đối với những địa phương có ít nhà cao tầng, xa các điểm sơ tán tập trung. Nhà an toàn chống chịu bão, lũ được xem là những điểm sơ tán tập trung quy mô nhỏ. Chính vì đánh giá rất cao công năng của nhà phòng, tránh bão lụt mà trong năm 2022, thông qua Sở Kế hoạch và Ðầu tư Quảng Bình, UNDP và các đơn vị liên quan đã đồng ý hỗ trợ địa phương xây dựng hơn 100 nhà phòng tránh bão, lũ cho các hộ nghèo và cận nghèo. Ðến đầu tháng 10 này, số nhà được hỗ trợ cơ bản hoàn thành để kịp đưa vào sử dụng giúp người dân giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ở huyện miền núi Minh Hóa, người dân sáng tạo ra mô hình nhà phao độc đáo, giúp họ an toàn qua mùa lũ lụt hằng năm. Từ những ngôi nhà thí điểm thành công, đến năm 2022, với sự hỗ trợ của tỉnh và các dự án, tổ chức thiện nguyện, hai xã "rốn lũ" Tân Hóa và Minh Hóa đã làm được hơn 1.000 nhà phao tránh lũ. Những ngôi nhà này rộng từ 25-30m2, được thiết kế với kết cấu bằng khung sắt chắc chắn, có mái che và tôn ngăn vách, phía dưới được gắn các thùng phuy nhựa, có tác dụng như những chiếc phao giúp nâng toàn bộ ngôi nhà nổi lên theo mực nước lũ. Các góc nhà được cố định bằng hai hoặc ba cột, giúp căn nhà không bị rung lắc, trôi dạt khi nước dâng. Khi lũ dâng đến đâu thì nhà phao nổi lên đến đó. Nhà phao không chỉ là nơi sinh hoạt của các thành viên trong gia đình trong những ngày lũ lụt mà còn là nơi cất giữ những tài sản có giá trị của gia đình. Thậm chí có khi được tạo thành những cửa hàng nổi phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa trong những ngày mưa lũ. Các nhà phao được bố trí ngay trong vườn nhà của người dân, khi không có lũ lụt thì trưng dụng làm nhà kho, cất giữ lúa gạo, đồ đạc.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hóa, Trương Thanh Duẩn chia sẻ: Toàn xã có 642 nhà nổi, bao phủ hết các vùng dân cư thường xuyên bị ngập lụt. Giờ đây, mỗi khi đến mùa lũ lụt (từ tháng 10 đến tháng 11), người dân yên tâm ở trong ngôi nhà nổi của mình mà không phải chạy lên núi đá vôi tránh lũ. Nhà nổi đã thật sự phát huy công dụng trong các đợt lũ lụt lịch sử những năm qua và góp phần giảm bớt khó khăn, thiệt hại do thiên tai cho người dân trong vùng.
Xây dựng cộng đồng an toàn phòng, chống thiên tai
Từ mô hình nhà tránh lũ bằng cách xây chòi, ghép phao, người dân còn tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp để xây nhà tránh lũ cộng đồng ở các vùng trũng thấp. Ðể phù hợp địa hình thấp trũng, cần nơi neo đậu thuyền, nhà tránh lũ được xây dựng theo mô hình nhà cao chân, tức là người dân đến tập trung tránh lũ lụt trên tầng 2, còn tầng 1 để rỗng làm nơi tập kết thuyền bè. Nhà tránh lũ đồng thời là nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng cho cả vùng dân cư. Khi thời tiết bình thường, không gian phía dưới là nơi người dân tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.
Mô hình nhà phao ở "rốn lũ" ở Minh Hóa cũng đã mở ra cho người dân vùng lũ các huyện phía nam của tỉnh Quảng Bình ý tưởng kết bè nổi để đưa những vật dụng ít giá trị hơn hoặc gia súc lên cho an toàn. Nước dâng, bè phao nổi, tài sản và vật nuôi không bị ướt nước, vậy là yên tâm. Ở vùng lũ phía nam tỉnh, hầu như nhà nào cũng sắm thuyền nhỏ để đi lại trong mùa lũ lụt, nhà chưa có thuyền thì kết bè bằng cây chuối để di chuyển từ nhà này sang nhà khác. Trong từng ngôi nhà, người dân đều lắp một dàn bằng sắt áp sát mái tôn trước nhà để kê đồ đạc. Trước khi lũ đổ về, họ giúp nhau chằng buộc xe máy, các đồ dùng thiết yếu lên cao chạm tới mái tôn. Hết lũ lụt, họ tháo dây, đưa xe xuống phục vụ đi lại dễ dàng, không mất tiền sửa vì xe ngâm nước lụt.
Nhiều lần đối mặt với lũ lụt, người dân các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh có thêm kinh nghiệm là khi nước chưa ngập, dùng tấm ni-lông dày và dây cao-su để che, buộc toàn bộ miệng giếng khơi, họ gọi "đóng nắp giếng" để bảo vệ nguồn nước trong giếng. Lũ rút, họ chỉ việc tháo tấm che là có ngay nước sạch để dùng. Ông Ðặng Văn Tuấn ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy nói rằng, nếu không kịp "đóng nắp giếng" và để nước lũ tràn vào, sau khi nước lũ rút phải mất nhiều công sức bơm nước, súc giếng rồi vệ sinh bằng thuốc Cloramin B mới dùng được. Cách làm này vừa dễ, lại nhanh mà hiệu quả.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy Ðặng Ðại Tình cho biết, sau trận lũ đặc biệt lớn năm 2020, người dân rút ra được nhiều bài học và nghĩ nhiều cách để chung sống an toàn với lũ lụt một cách hiệu quả. "Người dân đã bình tĩnh, chủ động, chuẩn bị cách ứng phó với bão, lũ với phương châm "4 tại chỗ" cho nên hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra. Mùa bão lũ năm nay cho thấy người dân đã chuẩn bị từ sớm, luôn tự tin và bình tĩnh tìm cách vượt qua"-đồng chí Tình nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, cùng với những ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt, hay những mô hình sáng tạo của người dân vùng thường xuyên bị thiên tai uy hiếp như Quảng Bình đã góp phần xây dựng cộng đồng an toàn và giảm tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp. Chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã rèn cho người dân miền trung nói chung, Quảng Bình nói riêng đức tính kiên cường, chịu khó, đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn, vất vả ■