Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, được biết mới đây, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đưa ra thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng hãy nên đẻ hai con" thay cho khẩu hiệu "Mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ một đến hai con". Vậy, căn cứ vào đâu lại có sự thay đổi này?
Tổng cục trưởng Dương Quốc Trọng (TCT D.Q.T): Trước đây, mức sinh của nước ta rất cao (trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 6,4 con vào năm 1960), tốc độ gia tăng dân số rất nhanh. Do vậy, giảm mức sinh, khống chế tốc độ gia tăng dân số là mục tiêu tiên quyết hàng đầu của chúng ta. Đến nay, mức sinh của chúng ta đã ổn định, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có hai con. Tại một số tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh đã xuống khá thấp, như TP Hồ Chí Minh chỉ còn 1,33 con.
Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn "già hóa dân số" và được dự báo là thời gian chuyển đổi từ "già hóa dân số" sang "dân số già" thuộc hàng nhanh nhất châu Á cũng như trên thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta lại đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng cao.
Chúng ta biết rằng công tác dân số có vai trò rất quan trọng đối với tương lai đất nước. Dân số là vấn đề gốc trong phát triển bền vững quốc gia. Những gì chúng ta đạt được ngày hôm nay là công sức của thế hệ cha anh đi trước. Những tác động của dân số không chỉ có trong hôm nay mà còn tác động đến 20 năm, 30 năm và 50 năm sau. Nếu chúng ta không làm tốt ngay từ bây giờ thì thế hệ con cháu chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả.
PV: Số dân nước ta đã đạt hơn 90 triệu người và đã đạt mức sinh thay thế. Liệu với khẩu hiệu này, vô hình trung có làm gia tăng dân số và như vậy, một lần nữa chúng ta phải tiếp tục thực hiện chiến lược giảm sinh không, thưa đồng chí?
TCT D.Q.T: Mức sinh trung bình trong cả nước là hai con nhưng bên cạnh những tỉnh, thành phố có mức sinh thấp thì vẫn còn những vùng, miền có mức sinh cao, trung bình trên, dưới ba con. Đối với những tỉnh này, chúng ta vẫn tiếp tục làm giảm sinh để kéo mức sinh tại những nơi này xuống còn hai con. Hiện nay, mức sinh tại những tỉnh này vẫn đang từng bước được giảm xuống. Bởi vậy, việc vận dụng chính sách dân số trong thời gian tới tại các vùng, miền, tỉnh, thành phố cần hết sức linh hoạt theo thực tế địa phương mình.
Sự thay đổi khẩu hiệu ở đây không phải là khuyến khích người dân sinh nhiều con, mà chúng ta vận động người dân "chỉ sinh" hai con ở những vùng mức sinh cao và "sinh đủ" hai con ở vùng có mức sinh thấp. Nếu mỗi cặp vợ chồng sinh hai con thì dân số nước ta sẽ không thể có sự "bùng nổ" trở lại. Thực tiễn cũng cho thấy, gần mười năm qua, kể từ khi chúng ta đạt được mức sinh thay thế (năm 2006), mức sinh của Việt Nam luôn dưới mức sinh thay thế. Điều đó cho thấy người dân đã nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi sinh đẻ từ mô hình "đẻ nhiều", "đẻ sớm" sang mô hình "đẻ ít" và "đẻ muộn" hơn.
PV: Trước đây, thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ một đến hai con", bây giờ khẩu hiệu mới là "hãy nên đẻ hai con". Vậy, với những trường hợp sinh ba con thì liệu mức xử lý có "nhẹ" đi không, thưa đồng chí?
TCT D.Q.T: Trong thông điệp này chúng ta thấy có hai sự thay đổi lớn:Một là,trước mỗi cặp vợ chồng "chỉ có" thì giờ là "hãy nên". "Chỉ có" trong chừng mực nào đó có thể là mệnh lệnh, còn "hãy nên" rõ ràng là lời khuyên nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội. Hai là, về số lượng, trước đây ta nói "từ một đến hai con", thì giờ là hãy nên đẻ "hai con". Đối với những người đã đẻ một con thì "hãy nên đẻ hai con". Đối với những người đã có hai con rồi thì dừng lại kể cả con trai cũng như con gái vì quy luật tự nhiên đã có sự cân bằng giữa số nam và số nữ. Như vậy, thông điệp của chúng ta vẫn nhất quán là tiếp tục vận động các cặp vợ chồng không sinh ba con trở lên.
Bản chất công tác DS -KHHGĐ ở nước ta là một cuộc vận động lớn, chứ không ép buộc. Mỗi cặp vợ chồng cũng cần nhận thức rằng sinh đủ hai con là hạnh phúc, là ích nước, lợi nhà. Quyền và nghĩa vụ của các cặp vợ chồng luôn đi song hành với nhau. Lợi ích cá nhân, gia đình luôn thống nhất và nằm trong lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, quốc gia, dân tộc. Sự thay đổi bất cứ một khẩu hiệu, thông điệp nào nếu hợp lòng dân thì sẽ được nhân dân đón nhận, tự nguyện thực hiện và tất yếu sẽ mang đến những hiệu quả to lớn cho xã hội.
PV: Xin đồng chí cho biết, khẩu hiệu mới này sẽ ảnh hưởng thế nào tới tình hình dân số hiện nay?
TCT D.Q.T: Tôi cho rằng, sự thay đổi thông điệp lần này cùng với nhiều nhóm giải pháp khác trong các lĩnh vực của dân số sẽ có tác động tích cực tới tình hình dân số nói riêng và sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam nói chung. Có thể nói tới ba tác động lớn tới tình hình dân số Việt Nam như sau.
Thứ nhất là, chúng ta sẽ giữ vững được mức sinh thấp hợp lý như mục tiêu Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra. Từ việc duy trì mức sinh thấp hợp lý, chúng ta có được tốc độ gia tăng dân số hợp lý và quy mô dân số hợp lý, ổn định. Dân số nước ta sẽ đạt cực đại ở mức khoảng trên dưới 100 triệu người vào giữa thế kỷ này.
Thứ hai là, chúng ta sẽ có một cơ cấu dân số hợp lý, sự hài hòa giữa các nhóm tuổi. Hiện tại, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", một cơ hội có một không hai trong lịch sử phát triển nhân khẩu học ở bất cứ quốc gia nào và giai đoạn này chỉ kéo dài 30-35 năm. Với mức sinh hợp lý, chúng ta sẽ kéo dài thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" để phục vụ công cuộc CNH, HĐH đất nước. Đồng thời kéo dài thời gian chuyển đổi từ giai đoạn "già hóa dân số" sang "dân số già", tạo cho Việt Nam chủ động hơn trong vấn đề "già hóa dân số". Với việc mỗi cặp vợ chồng sinh hai con mà không lựa chọn giới tính khi sinh, chúng ta sẽ giảm và tránh được những hệ lụy nặng nề từ việc mất cân bằng giới tính khi sinh.
Thứ ba là, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển bền vững quốc gia.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nếu xét tổng thể, mười năm nay nước ta đã và đang đạt dưới mức sinh thay thế. Cho nên với thông điệp mới "Mỗi cặp vợ chồng hãy nên đẻ hai con" là hợp lý. Tuy nhiên, xét trên diện rộng toàn quốc thì là đúng, nhưng xét yếu tố vùng miền là không thuyết phục. Vì mức sinh vùng miền có khác nhau. Thí dụ, TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ hiện nay dưới mức sinh thay thế. Nhưng tại những vùng miền núi, dân tộc thiểu số thì mức sinh đang rất cao, mà chất lượng dân số lại thấp. Khẩu hiệu là vậy, nhưng với những vùng mức sinh cao thì vẫn cần phải có những thông điệp và chính sách dân số riêng.
GS VŨ ĐÌNH CỬ
Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội