Lần đầu tiên, hệ thống siêu thị MM Mega Market đã tổ chức giới thiệu, bán hàng Tết bằng cách mời các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất đến tận nơi gặp gỡ nhà cung cấp để mua hàng giá sỉ. Tại siêu thị MM Mega Market Bình Phú (Quận 6), những doanh nghiệp sản xuất lớn thuộc các ngành hàng như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, bánh kẹo, nước giải khát đến hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng… đã bày hàng Tết và giới thiệu từng mặt hàng với giá tốt nhất đến khách hàng.
Sau khi nghe giới thiệu sản phẩm, bà Lâm Thị Bé Thy (chủ một cơ sở may gia công ở quận Bình Tân) đã “chốt đơn” được nhiều sản phẩm với giá rẻ. “Tôi có xưởng may gia công với khoảng 100 công nhân. Tuy số lượng không nhiều nhưng trong bối cảnh ít đơn hàng, doanh nghiệp khó khăn như hiện nay thì việc thưởng Tết cũng là điều chúng tôi lo lắng. Do đó, khi được mời đến tham quan, tìm hiểu hàng Tết và mua được với giá khuyến mãi, tôi thấy “dễ thở” hẳn. Dù doanh nghiệp khó khăn nhưng vẫn phải bảo đảm người lao động có Tết đủ đầy, ấm áp”, bà Thy bộc bạch.
Giám đốc Tiếp thị hệ thống MM Mega Market Đinh Quang Khôi cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với Sở Công thương thành phố, các nhà cung cấp lớn triển khai chương trình “Đánh bại lạm phát, giữ bình ổn giá” cho 1.000 mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm từ nay đến ngày 10/2/2024.
Tương tự, nhiều hệ thống bán lẻ khác như Satra, Go!, Saigon Co.op… cũng thực hiện chính sách kìm giữ giá, phối hợp cùng các nhà cung cấp chủ lực trợ giá hàng nghìn mặt hàng, giúp khách hàng tiết kiệm 10-50% ngân sách chi tiêu dịp Tết 2024. Hệ thống bán lẻ Satra (Satramart và Satrafoods) dự kiến tổng trị giá hàng hóa thiết yếu dự trữ cho hai tháng trước và sau Tết Giáp Thìn 2024 là hơn 550 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết 2023.
Hàng hóa cung ứng cho thị trường được sàng lọc chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, giá hợp lý; không để xảy ra tình trạng hàng tăng giá, kém chất lượng, thiếu hụt hàng hóa... “Satra cũng đã làm việc với các nhà cung cấp và ký cam kết không tăng giá, bảo đảm nguồn hàng chất lượng, ổn định trước, trong, sau Tết”, Phó Tổng Giám đốc Satra Phạm Thi Vân cho biết.
Mới đây, Tập đoàn Kido quyết định bắt tay với một trang mạng xã hội lập kênh E2E chuyên về giải trí và giới thiệu hàng hóa bằng cách phát trực tiếp, để bán hàng cho cả trung tâm thương mại thuộc sở hữu của Kido với những mặt hàng chính hãng. Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido Trần Lệ Nguyên cho biết: Kinh tế khó khăn, doanh thu trên các nền tảng thương mại điện tử cũng chững lại nhưng không thể phủ nhận kênh mua sắm qua thương mại điện tử và bán hàng phát trực tiếp vẫn có những tăng trưởng nhất định.
Chính vì vậy, khi đầu tư vào kênh E2E, Kido kỳ vọng sẽ mang đến một kênh tiếp thị, một “trung tâm thương mại” không chỉ dành cho nhãn hàng đang thuê mặt bằng tại hai trung tâm thương mại của Kido, mà còn cho tất cả các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tiếp cận lượng lớn người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp
khẳng định sẽ có nhiều chương trình giảm giá trong thời điểm cuối năm. Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), dành hơn 540 tỷ đồng cho hàng hóa phục vụ Tết năm 2024; dự trữ từ 10-20% sản lượng hàng hóa đề phòng các trường hợp thiếu hụt. Vissan cam kết giữ giá ổn định, không tăng giá trước, trong và sau Tết. Đáng chú ý, từ ngày 27 đến 30 Tết, Vissan giảm giá sâu đến 30% để người tiêu dùng sắm Tết trễ có thể mua được thực phẩm uy tín chất lượng.
Chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sargi) đang mời gọi thêm một số đối tác tham gia vào quá trình giết mổ nhằm tăng nguồn thịt heo cung ứng ra thị trường. Hiện Sargi có những trang trại, nhà máy trực thuộc nên đơn vị chủ động được nguồn hàng đầy đủ, giá cả luôn ở mức bảo đảm, bình ổn cho thị trường.
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố Lý Kim Chi nhìn nhận: “Thị trường năm nay rất khó khăn. Hiện sức mua đang yếu, doanh nghiệp chỉ dự trữ lượng hàng Tết tăng khoảng 15%-20% so với bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong trường hợp sức mua tăng đột biến. Hiện hội đã có 44 doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm đã đăng ký với Sở Công thương sẽ bán bình ổn giá 11 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhằm kích cầu sức mua trong thời điểm cuối năm”.
Theo Sở Công thương, thành phố đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia, khối lượng hàng bình ổn giá chiếm từ 23-31% nhu cầu thị trường. Sở sẽ vận động hệ thống phân phối tham gia các chương trình khuyến mãi tập trung; phối hợp với các doanh nghiệp phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu để bảo đảm nguồn cung hàng hóa cuối năm...