Liên kết vùng để phát triển du lịch Tây Nguyên

Vấn đề liên kết vùng ở Tây Nguyên để thúc đẩy phát triển được đặt ra nhiều năm qua. Chủ trương lớn này đang được các địa phương tăng cường liên kết, thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Tăng cường liên kết phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa hứa hẹn đưa Tây Nguyên trở thành điểm đến hấp dẫn.
Tăng cường liên kết phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa hứa hẹn đưa Tây Nguyên trở thành điểm đến hấp dẫn.

Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra mục tiêu phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc…

Vùng đất giàu tiềm năng du lịch

Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh đối với cả nước; nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia; tiếp giáp với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, vùng Đông Nam Bộ, có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là du lịch với cả nước và quốc tế. Bởi vùng đất Tây Nguyên giàu tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và văn hóa truyền thống, tạo thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, du lịch mạo hiểm... Trong đó, phải kể đến những cánh rừng nguyên sinh, với cảnh quan còn mang đậm nét hoang sơ như: Vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Nam Ka ở tỉnh Đắk Lắk; Chư Mom Ray, Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum; Chư Prông của tỉnh Gia Lai và Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn quốc gia Tà Đùng của tỉnh Đắk Nông cùng nhiều thác nước đẹp nổi tiếng như: Đray Sáp, Đray Sáp Thượng, Đray Nur, Pongour, Prenn, Cam Ly… Bên cạnh sự ưu đãi của thiên nhiên, Tây Nguyên còn là nơi cư ngụ của tất cả 54 dân tộc, mỗi dân tộc có những giá trị di sản văn hóa khác nhau, tiêu biểu là "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Không gian văn hóa Tây Nguyên trải dài từ bắc xuống nam với hàng trăm loại hình sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc độc đáo như: nhà rông, nhà dài, tượng nhà mồ, các lễ cúng bến nước, lễ hội voi, lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên... của các dân tộc bản địa. Đồng thời, trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ còn có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết: Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk sở hữu đa dạng văn hóa truyền thống vùng miền với 49 dân tộc anh em. Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể nổi tiếng như các loại nhạc cụ cồng chiêng, đàn đá, tre nứa, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt thổ cẩm, tạc tượng..., Đắk Lắk còn là vùng đất của những lễ hội đặc trưng đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như Hội voi, Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ bỏ mả… Đặc biệt, nơi đây có Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột có quy mô cấp quốc gia. Cùng với đó, Đắk Lắk có 41 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, trong đó thế mạnh là các thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn đại ngàn, những di tích lịch sử tái hiện những trang sử bi tráng và hào hùng của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk qua các thời kỳ… Đây chính là tiềm năng dồi dào để Đắk Lắk phát triển du lịch.

Nói về tiềm năng lớn trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá và trải nghiệm của địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông Lê Ngọc Quang chia sẻ thông tin về công viên địa chất toàn cầu Krông Nô, Vườn quốc gia Tà Đùng, hệ thống thác nước kỳ vĩ… Tỉnh hiện có 10 dự án du lịch đã được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có bốn dự án đã đưa vào khai thác.

Tăng cường liên kết để phát triển

So các vùng trong cả nước, du lịch Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; liên kết nội vùng, liên vùng, khu vực trong phát triển du lịch còn yếu… Để tạo sức hút mới với du khách, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã và đang tăng cường liên kết để thúc đẩy phát triển du lịch. Tại Gia Lai, sau thời gian "ngủ đông" vì đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp không khói của tỉnh hồi sinh mạnh mẽ nhờ tăng cường liên kết. Năm 2022, Gia Lai đón hơn 950 nghìn lượt du khách, tăng 2,9 lần so năm 2021; doanh thu du lịch hơn 600 tỷ đồng. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung nhận định: "Gia Lai cần nỗ lực xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch gắn với du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, đặc biệt là đẩy mạnh liên kết với các tỉnh trong khu vực để xây dựng những tuyến, sản phẩm du lịch mới mẻ, khác biệt, hấp dẫn để thu hút khách đến với Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung".

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết: "Để phát triển du lịch bền vững, ngoài tạo cơ chế, chính sách thông thoáng mời gọi các nhà đầu tư chiến lược nhằm phát huy các tiềm năng sẵn có,... tỉnh Đắk Nông đã và đang tăng cường liên kết với tỉnh trong khu vực nhằm tạo ra các tour, tuyến mới, lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách". Còn Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu kiến nghị: "Điều quan trọng nhất là các tỉnh Tây Nguyên phải liên kết nội vùng mới phát triển, mới tạo được tour, tuyến và sản phẩm du lịch mới, lạ, hấp dẫn để thu hút và giữ chân du khách. Nhưng để liên kết hiệu quả rất cần sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để các địa phương phát triển đồng bộ".

Lợi thế của Tây Nguyên so các vùng du lịch khác trong nước là rất rõ ràng, giờ là lúc làm sao khai thác "mỏ vàng", tạo ra sự khác biệt và sức sống của thương hiệu riêng có.

Để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, cần tập trung thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.