Liên kết sản xuất để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm

Tỉnh Sơn La có hơn 350.000 ha đất sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm có lợi thế và tiềm năng lớn về cung cấp nông sản xuất khẩu. Những năm qua, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân thuận lợi trong sản xuất, trong đó có việc triển khai xây dựng các chuỗi liên kết, góp phần tiêu thụ nông sản.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm thanh long của Sơn La đã xuất khẩu sang thị trường Nga, Ba Lan, Séc, Pháp, Hà Lan, Ấn Ðộ…
Sản phẩm thanh long của Sơn La đã xuất khẩu sang thị trường Nga, Ba Lan, Séc, Pháp, Hà Lan, Ấn Ðộ…

Là một trong những doanh nghiệp của tỉnh Sơn La đang triển khai thực hiện tốt việc liên kết chuỗi, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển vùng nguyên liệu; xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người trồng mía. Công ty đang liên kết sản xuất với hơn 10.000 hộ trồng mía trên địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu trồng hơn 9.000 ha mía, năng suất 65 tấn mía cây/ha, sản lượng mía bình quân đạt 550.000 đến 650.000 tấn/năm. Hằng năm, công ty đầu tư 200 tỷ đồng đến 220 tỷ đồng cho sản xuất vùng mía nguyên liệu, trong đó, hỗ trợ không hoàn lại khoảng 50 tỷ đồng...

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La Trần Ngọc Hiếu cho biết: Ðể người dân yên tâm, gắn bó với cây mía, công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cung cấp giống, phân bón cho các hộ ký hợp đồng trồng mía; hỗ trợ làm đường vận chuyển mía nguyên liệu; tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư phục vụ sản xuất, sửa chữa nhà ở, tạo niềm tin và sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân-doanh nghiệp.

Cũng như nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang triển khai việc liên kết, ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất, nhiều hộ dân đã góp vốn, đất canh tác để thành lập hợp tác xã, liên kết sản xuất với nhau để tiêu thụ nông sản. Như tại bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tám hộ dân trong bản đã cùng nhau góp vốn, đất để thành lập hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười trồng nhãn, xoài theo quy trình VietGAP.

Từ năm 2018 đến nay, hợp tác xã đã có 14 thành viên, sản xuất 30 ha nhãn, 15 ha xoài với năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha, sản lượng hơn 465 tấn. Ðể tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã còn tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do các cấp tổ chức; chủ động kết nối với các doanh nghiệp, thương lái trong việc tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã đã tham gia chuỗi liên kết sản xuất với các đối tác lớn, trong việc cung cấp phân bón và bao tiêu sản phẩm, cung cấp thuốc bảo vệ thực vật…

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười Lường Văn Mười cho biết: Cái lợi của việc tham gia chuỗi liên kết là bảo đảm được đầu ra cho sản phẩm, không còn nỗi lo được mùa mất giá như trước. Việc sản xuất theo đơn đặt hàng giúp các hợp tác xã chuyên tâm sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm...

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Sơn La, hiện tỉnh đã xây dựng, duy trì và phát triển 280 chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn; cấp 294 mã số vùng trồng cho 43 cơ sở. Ðã có 27 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh; 98 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP còn hiệu lực. Ðối với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Ðến nay, Sơn La có 151 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ ba sao đến năm sao. Việc thực hiện liên kết chuỗi đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, người tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu. Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học-kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cao cho thị trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Hà Như Huệ chia sẻ: Việc liên kết chuỗi nông sản còn gặp khó khăn do thiếu sự chủ động, tích cực của người dân. Việc tham gia của các chủ thể vào các khâu trong chuỗi cung ứng của một số sản phẩm nông sản còn hạn chế. Tình trạng nông dân sản xuất và bán nông sản thông qua thương lái vẫn phổ biến, giá cả thường không ổn định.

Ðể giải quyết vấn đề này, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã… Sơn La chỉ đạo các ngành rà soát, xây dựng các vùng sản xuất theo ba cấp sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”), lồng ghép vào các quy hoạch phát triển ngành cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh; tiến hành tổ chức cấp mã số vùng trồng, triển khai hiệu quả Luật Trồng trọt.

Sơn La đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khoa học-công nghệ vào sản xuất quả, các sản phẩm từ quả, nhất là quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, phục vụ các nhà máy chế biến gắn với phát triển các sản phẩm lợi thế, chủ lực của từng cơ sở, đáp ứng đủ nguyên liệu chế biến.