Phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao của Liên hợp quốc ngày 15/4, ông Guterres cũng kêu gọi thực hiện thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh về các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) hồi tháng 9/2023.
Theo đó, hiện thực hóa gói hỗ trợ ít nhất 500 tỷ USD mỗi năm để tài trợ các nước đang phát triển. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhắc lại lời kêu gọi các chủ nợ xem xét hoãn thời hạn trả nợ đối với các quốc gia dễ bị tổn thương, các tổ chức tài chính quốc tế giúp các quốc gia tái cấu trúc nợ để tạo không gian cho các khoản đầu tư cấp bách.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 Dennis Francis cảnh báo về khoảng cách bất bình đẳng ngày càng lớn giữa các nước giàu và nghèo.
Ông Francis bày tỏ lo ngại về tốc độ chậm chạp trong việc thực hiện SDG, khi ước tính đến năm 2030 vẫn còn khoảng 600 triệu người rơi vào cảnh nghèo khó. Ông chỉ rõ thực tế 10% dân số thế giới sở hữu tới 76% giá trị tài sản toàn cầu.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, năm 2023, nợ công toàn cầu lên tới 313 nghìn tỷ USD, trong đó tình hình đặc biệt đáng báo động ở các nền kinh tế đang phát triển. Hơn một phần năm doanh thu thuế ở 25 quốc gia đang phát triển dùng để trả nợ nước ngoài. Chi phí đi vay cực cao khiến các nước chi tiêu cho việc trả lãi vay nhiều hơn cho các chương trình y tế, giáo dục.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA) có thể chứng kiến tốc độ tăng trưởng thấp tương tự giai đoạn trước đại dịch Covid-19, trong bối cảnh bất ổn gia tăng do cuộc xung đột ở Dải Gaza và các nền kinh tế trong khu vực thiếu cải cách cơ cấu.
Trong báo cáo công bố ngày 15/4, WB dự báo GDP của khu vực MENA năm 2024 chỉ tăng 2,7%, cao hơn mức tăng 1,9% của năm 2023, nhưng thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của thế giới. WB cũng cảnh báo gánh nặng nợ ngày càng lớn ở khu vực MENA, chủ yếu tại các nước nhập khẩu dầu mỏ.