Lễ Xên cung - ngày hội đoàn kết của dân tộc Khơ Mú

Hằng năm, cứ vào dịp tháng 3 dương lịch, người Khơ Mú lại tổ chức lễ Xên cung (nghĩa là cúng bản) cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, con người khỏe mạnh và bản mường ấm no. Ngày nay, xã hội phát triển, nhiều nét văn hóa của người Khơ Mú đã có nhiều đổi mới, nhưng lễ Xên cung vẫn được duy trì và bảo tồn, tạo nên bản sắc văn hóa khác biệt của đồng bào Khơ Mú.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào Khơ Mú treo túi quần áo tại lán thờ để cầu mong sức khỏe, con cháu được thần linh che chở.
Đồng bào Khơ Mú treo túi quần áo tại lán thờ để cầu mong sức khỏe, con cháu được thần linh che chở.

Đối với đồng bào dân tộc Khơ Mú, lễ Xên cung có từ lâu đời và được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trước đây, lễ hội được tổ chức đình đám kéo dài từ hai đến ba ngày với rất nhiều thủ tục. Giờ đây, theo nếp sống văn minh, lễ Xên cung chỉ tổ chức trong một ngày, giảm nhiều nghi thức nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống vốn có. Sau khi gieo trồng, khi cây lúa lên cao cỡ một gang tay thì người Khơ Mú tiến hành làm lễ. Họ chọn ra một người làm thầy cúng, đại diện cho dân bản làm nghi lễ khấn các vị thần. Bà con sẽ không đi ra khỏi bản trước lễ hội một ngày.

Lễ cúng diễn ra từ sáng sớm, già trẻ trai gái có mặt đầy đủ tại hai khu đất cao ở đầu bản và cuối bản để chuẩn bị cho lễ. Khu đất cao ở đầu bản được chọn làm nơi lễ chính. Người dân dựng cột cờ bằng cây tre già, treo các vật dụng thể hiện ước muốn sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. Lán thờ được dựng lên với các dụng cụ lao động sản xuất làm từ tre, gỗ. Đồ lễ được bày lên phên bao gồm: đầu, sườn, chân, tim và gan lợn, gà trống luộc chín, một con vịt sống, nến sáp ong, xôi, bát thóc, quần áo của các thành viên trong gia đình… Thầy cúng sẽ lần lượt mời các vị thần canh giữ bản như: Thần núi, Thần sông, Thần thổ địa, Thần cai quản ruộng nương… về dự và nhận các lễ vật của dân bản. Khi cúng xong, thầy cúng sẽ lấy một chút lễ vật, phân công người có uy tín mang sang thắp hương tại lán nhỏ cuối bản. Nhóm người đã được phân công trước đó sẽ tiến hành hạ đồ lễ và tổ chức ăn mừng tại chỗ. Sau đó, thầy cúng làm lễ dâng lên ma bản báo cáo lễ cúng đã làm xong.

Sau phần nghi lễ là đến phần hội rất tưng bừng, cuốn hút mọi người tham gia. Đồng bào Khơ Mú cùng nhau nhảy múa những điệu múa truyền thống của dân tộc và chơi các trò chơi dân gian. Bà con quan niệm rằng, trong lễ hội càng nhiều người tham gia thì năm đó dân bản sẽ lao động năng suất và bội thu mùa màng. Sau lễ Xên cung, đồng bào dân tộc Khơ Mú sẽ kiêng không cuốc đất hay làm nương rẫy mà nghỉ ngơi, vui chơi trong một ngày. Lễ hội Xên cung không chỉ tăng thêm sự đoàn kết gắn kết của cộng đồng, tỏ lòng biết ơn với các vị thần, tổ tiên mà còn thể hiện nét độc đáo trong văn hóa tâm linh của người Khơ Mú, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.