Tối 2-10, tại Hà Nội, Lễ hội văn hóa dân gian Thăng Long - Hà Nội, mở đầu Tuần văn hóa - thể thao kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra tưng bừng.
Phát biểu khai mạc lễ hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: "Từ ngàn xưa Thăng Long đã là mảnh đất địa linh nhân kiệt, tụ hội nhân tài bốn phương. Thủ đô Hà Nội hôm nay đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng vẫn gìn giữ vẻ đẹp truyền thống và lòng nhân ái. Quá khứ, hiện tại và tương lai đang hòa quyện, tạo thành động lực mới trong công cuộc kiến tạo thủ đô. Hào khí Thăng Long được phát huy suốt chiều dài lịch sử làm cho Hà Nội càng thêm xứng đáng là trái tim của cả nước".
Trên sân khấu chính, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, lễ hội bắt đầu bằng màn "Trống hội Thăng Long" gợi mở cảm xúc tự hào. Từ nhiều ngày qua, 200 diễn viên của Nhà hát ca múa Thăng Long, Ðoàn ca múa Tổng cục Chính trị và Trường Cao đẳng múa Việt Nam phải dày công tập luyện bởi màn trống này là tiết mục dựng mới, không giống với màn trống hội vốn đã quá quen thuộc từ lễ hội 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Các tiết mục khác trong lễ hội đều là những điệu múa dân gian được chỉnh lý, nâng cao như: "Vũ điệu 12 con giáp" do 24 diễn viên biểu diễn. Trong tiếng nhạc vui tươi, 12 con vật lần lượt xuất hiện trên sân khấu ngộ nghĩnh, dí dỏm, như mang đến thông điệp về thời gian. Người xem sẽ chẳng thể quên hình ảnh con rồng uốn lượn uyển chuyển trong tiết mục "Múa rồng" do 50 diễn viên biểu diễn, như gợi mở hình ảnh kinh thành Thăng Long đầy hào khí anh hùng. 46 diễn viên của Nhà hát Tuồng Trung ương góp mặt với lễ hội bằng tiết mục múa "Lân mẫu xuất lân nhi". Chất trữ tình độc đáo, hấp dẫn và nhiều mầu sắc cuốn hút người xem ngay từ những phút đầu trong tiết mục "Múa chim công" của 30 diễn viên Nhà hát múa rối Thăng Long. Màn "Múa cờ ngũ sắc", như tên gọi, thật hoành tráng và rực rỡ sắc mầu. Với gần 700 diễn viên, trong thời lượng 60 phút, những người viết kịch bản và các đạo diễn đã tạo được tiết tấu sôi động, liên hoàn giữa các tiết mục.
Kết thúc lễ hội ở Vườn hoa Lý Thái Tổ, những "sân khấu đường phố" quanh hồ Hoàn Kiếm rộn ràng với các trò chơi, lễ hội dân gian đặc sắc của thủ đô. Khu vực đền Bà Kiệu dành cho cuộc thi thổi cơm thi của làng Thị Cấm. Dọc đường Lê Thái Tổ có các màn diễu hành và biểu diễn múa rồng, múa lân. Không gian Quảng trường Ðông Kinh Nghĩa Thục dành cho màn múa Giao Long, nét đặc sắc của lễ hội Lệ Mật.
Người Hà Nội đón ngày hội lớn nhưng vẫn không quên hướng về đồng bào bị thiệt hại do bão lũ. Thành ủy, HÐND, UBND và MTTQ thành phố Hà Nội đã gửi điện thăm hỏi và trích ngân sách 450 triệu đồng gửi tới đồng bào các tỉnh Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Yên Bái và thành phố Hải Phòng. Trước khi diễn ra lễ hội, các đại biểu và đông đảo khán giả cũng đã quyên góp ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai.
PHƯƠNG QUYÊN