Ngay từ sáng sớm, nhân dân các dân tộc Tày, Mông, Dao ở địa phương mặc những bộ quần áo đẹp nhất của dân tộc mình từ các ngả đường hồ hởi đổ về khu vực diễn ra lễ hội. Thời tiết đẹp, lễ hội trở nên rộn ràng, đông vui hơn so với các năm trước.
Đồng bào vùng hồ Ba Bể sắm sửa các mâm lễ thành tâm dâng cúng trời đất, thần núi, thần sông với ước mong người người sẽ khoẻ mạnh, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, bội thu, du khách trong và ngoài nước sẽ đến với danh thắng hồ Ba Bể nhiều hơn để đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Chính quyền địa phương tổ chức lễ xuống đồng, bắt đầu một năm lao động sản xuất với khí thế mới. Các trò chơi dân gian, như ném còn, đua thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể, bịt mắt bắt dê, đi cầu kiều, đẩy gậy, vẽ tranh về phong cảnh hồ Ba Bể... là những trò chơi mộc mạc nhưng lại làm cho bà con thích thú, gắn kết cộng đồng. Đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương tin rằng, tham gia các trò chơi này sẽ mang lại sự may mắn.
Khu vực trưng bày các ấn phẩm Báo Xuân do Báo Bắc Cạn, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Cạn tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dự hội. Kết thúc lễ hội, các ấn phẩm này sẽ được gửi tặng cho địa phương. Các xã thuộc hai huyện Chợ Đồn và Ba Bể trưng bày các nông sản đặc trưng của địa phương để người dự hội tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất, đồng thời quảng bá sản phẩm đến với du khách thập phương.
Là lễ hội lớn nhất tỉnh Bắc Cạn, năm nay lễ hội hồ Ba Bể thu hút hàng vạn người nhưng không xảy ra tắc đường do chính quyền địa phương đã chuẩn bị các bãi đỗ xe trên các ngả đường vào trung tâm lễ hội, không có các trò chơi ăn tiền. Kết thúc lễ hội hồ Ba Bể, nhân dân địa phương sẽ bắt tay vào sản xuất với hy vọng mùa màng sẽ bội thu, vật nuôi hay ăn chóng lớn.
Năm nay, tỉnh Bắc Cạn chỉ đạo các địa phương kết thúc lễ hội trước 15 tháng Giêng để không làm ảnh hưởng đến sản xuất.