Ðây là ngày hội tôn vinh những nét đặc trưng văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Lễ hội có nhiều hoạt động: Liên hoan Câu đối Việt lần thứ hai, giới thiệu một số loại rượu, bia, đồ uống và trưng bày hoa xuân nhiều hương sắc cùng nhiều hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật mừng Ðảng, mừng Xuân. Tài trợ cho lễ hội: Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn và Tổng công ty Bia- Rượu - Nước giải khát Hà Nội.
Nội dung chính của liên hoan: Triển lãm Câu đối, hoa và đồ uống Tết 2008: thể hiện không gian văn hóa Tết tạo dựng một bàn thờ tổ tiên theo nghi thức truyền thống trong ngày Tết của người Việt với hoành phi, câu đối, cửa võng, ban thờ, cuốn thư... đến các phẩm vật ngày Tết sẽ được bày, đặt theo phong tục truyền thống... Giới thiệu Nét tinh hoa văn hóa Hà Nội gồm thư pháp, tranh Hàng Trống, các làng hoa và các loại rượu gia truyền nổi tiếng.
Bên cạnh đó các nhà thư pháp thể hiện nghệ thuật thư pháp và câu đối Tết; Thi câu đối Tết Xuân Mậu Tý năm 2008 với gần 400 câu đối của các văn nghệ sĩ, câu lạc bộ thư pháp từ các tỉnh, thành phố gửi tham gia, 100 câu đối dự thi thể hiện trên các chất liệu phong phú. Trưng bày các câu đối đoạt giải. Các câu đối được thể hiện bằng nhiều chất liệu, trong đó có các câu đối của nghệ nhân thủ công mỹ nghệ thể hiện trên các chất liệu truyền thống phong phú đa dạng: Thêu (Huế), mây tre đan (Phú Vinh), quạt giấy (Chàng Sơn), gốm sứ (Bát Tràng), sơn thếp (Sơn Ðồng), giấy, lụa...
Tại lễ hội còn trưng bày rượu Việt Nam: Trưng bày sản phẩm đồ uống đoạt giải thưởng và các sản phẩm tiêu biểu của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam và các sản phẩm rượu của các làng nghề Việt Nam tham gia lễ hội từ truyền thống đến hiện đại. Bộ sưu tập các loại bình, nậm, lọ đựng rượu của làng gốm Bát Tràng; Không gian văn hóa Hà Nội có một ngôi nhà cổ Hà Nội với các trang trí nội thất truyền thống được phục dựng, các hoạt động: gói bánh chưng, luộc bánh, giã giò, làm bánh cốm; Sắc hoa Hà Nội sẽ được thể hiện qua bàn tay các nghệ nhân tài hoa; Không gian văn hóa Bắc Cạn: được giới thiệu qua các sản phẩm: Rượu truyền thống Bó Nặm, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, những món ăn đặc sản và những loại hoa phong lan, hoa ly đặc sắc của núi rừng.
Ðặc biệt một lò nấu rượu của đồng bào dân tộc Dao được thể hiện tại chỗ, khách tham quan được tìm hiểu các công đoạn nấu rượu và thưởng thức loại rượu đặc biệt này. Ngoài ra còn có rượu nổi tiếng ở các địa phương khác: Bàu Ðá (Bình Ðịnh), Hồng Ðào (Quảng Nam), rượu Vọc (Hà Nam), Bách Nhật (Hà Nội), Phú Lễ (TP Hồ Chí Minh), Vương tửu (Phú Thọ), làng Vân (Bắc Ninh)... khách cũng có thể chọn mua những sản phẩm gốm, sứ, thủy tinh, hoa, và các mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết cổ truyền của dân tộc. Liên hoan tuyển chọn rượu Việt Nam lần thứ hai, là một bước góp phần tôn vinh giá trị của thương hiệu rượu Việt Nam, tạo ra một cơ hội để xây dựng danh mục các loại rượu ngon trong nước, được nhiều người ưa thích phù hợp các vùng, miền trong cả nước. Bên cạnh đó là có các gian hàng Tết để nhân dân mua sắm chuẩn bị đón năm mới.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức thường xuyên: Lễ hội khai mạc 25-1, dự kiến phát sóng trực tiếp trên VTV Ðài Truyền hình Việt Nam. Gala giọng hát hay năm 2007; Ðêm văn hóa Bắc Cạn trích đoạn Lễ hội Lồng Tồng ngày xuân; Chương trình nghệ thuật mừng Ðảng - mừng Xuân, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Sơn La, Thái Bình, Lạng Sơn, Bắc Cạn; Trao Cúp rượu của Liên hoan tuyển chọn rượu lần thứ hai, Giải câu đối hay Tết Mậu Tý 2008; Các hoạt động cho chữ, viết câu đối, thư pháp; Hướng dẫn cách bài trí bàn thờ gia tiên; Hoạt động từ thiện "Tết vì người nghèo"...
Hội thảo "Bảo vệ thương hiệu ngành đồ uống Việt Nam", giao lưu học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chương trình Ngày xuân tìm bạn, các trò chơi dân gian ném còn, kéo co, chuyền bóng, biểu diễn của sinh viên các trường nghệ thuật; hướng dẫn múa sạp; hướng dẫn nghệ thuật cắm hoa cách làm hoa; giới thiệu nghệ thuật truyền thống: hát xẩm, ca trù, chèo, múa hát đồng dao của thiếu nhi, và một số điệu múa dân gian của Hà Nội. Thao diễn các công đoạn làm nghề đúc đồng, tạc gốm, vuốt gốm, chạm khắc gỗ, vẽ tranh dân gian Hàng Trống... của các nghệ nhân Hà Nội. Biểu diễn nghệ thuật thư pháp, viết câu đối Tết, cho chữ ngày Xuân.
Lễ hội tạo điểm vui chơi đón xuân mới, phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý năm 2008.