Bộ trưởng Y tế Ukraine kêu gọi người dân nước này đi tiêm phòng Covid-19, khi số ca tử vong do dịch bệnh ở Ukraine đã chạm mốc kỷ lục là 734 ca ngày 26/10, trong khi số ca nhập viện tăng hơn 1/5 so với tuần trước.
Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Viktor Lyashko cho biết, có tới 94% bệnh nhân Covid-19 cần điều trị tại bệnh viện chưa được tiêm chủng, khiến tới 2/3 số giường bệnh có nguồn cung oxy phải đưa vào sử dụng.
“Tình trạng bệnh nặng phải nhập viện ngày càng gia tăng. Tôi kêu gọi người dân Ukraine hãy đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 để ngăn chặn những con số thống kê đáng buồn này", ông Lyashko kêu gọi.
Ukraine đã ghi nhận tổng cộng 2,8 triệu ca nhiễm và 64.936 ca tử vong vì Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát. Sau khi tạm lắng trong mùa hè, tỷ lệ mắc mới hàng ngày đã tăng lên khoảng 16.000-20.000 ca trong những tuần gần đây, trong đó gồm 19.120 ca nhiễm ghi nhận trong 24 giờ qua.
Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 7 triệu người trong tổng dân số 41 triệu của Ukraine được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ. Ukraine cùng các nước khu vực Đông Âu khác hiện có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất lục địa già, và đang phải trải qua làn sóng lây nhiễm kỷ lục với tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới.
Ukraine đã yêu cầu bắt buộc tiêm chủng đối với một số nhóm nhân viên chính phủ như giáo viên. Những người chưa tiêm phòng sẽ bị hạn chế đến các nhà hàng, các địa điểm thi đấu thể thao và các sự kiện công cộng khác.
Các quy định hạn chế mới này đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ tiêm chủng, với khoảng 1,5 triệu người Ukraine đã được tiêm ngừa vào tuần trước, nhiều gấp đôi so với bảy ngày trước đó.
Trong khi đó, giới chức Thụy Sĩ ngày 26/10 khuyến nghị tiêm liều vaccine phòng Covid-19 thứ ba tăng cường cho người trên 65 tuổi tại nước này, nhưng không áp dụng rộng rãi cho các lứa tuổi khác.
Bộ Y tế Thụy Sĩ và Ủy ban tiêm chủng quốc gia (EKIF) cho biết, việc tiêm chủng tăng cường sẽ bắt đầu từ giữa tháng 11 và phải được thực hiện ít nhất 6 tháng sau khi người tiêm được tiêm liều thứ hai.
Khuyến nghị trên được đưa ra dựa trên quyết định của Cơ quan quản lý y tế Thụy Sĩ về việc phê duyệt tiêm chủng tăng cường cho những bệnh nhân có nguy cơ cao, sử dụng vaccine mRNA của Pfizer/BioNtech và Moderna.
Đối với người dân nói chung, dựa trên dữ liệu hiện có, giới chức y tế nước này khuyến cáo hiện không nên tiêm liều vaccine thứ ba.
Cơ quan y tế Thụy Sĩ cũng thông tin, nước này có đủ vaccine để tiêm chủng cho tất cả bệnh nhân đủ điều kiện tiêm chủng nhắc lại và cho tất cả người dân chưa được tiêm trong giai đoạn 2021-2022.
Trước đó, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hôm thứ hai cho biết, các chuyên gia của EMA đánh giá liều vaccine tăng cường của Moderna có thể được tiêm cho người trưởng thành tại châu Âu, ít nhất 6 tháng sau liều thứ hai.
Đây là vaccine tăng cường thứ hai được chấp thuận ở Liên minh châu Âu, sau vaccine của hãng Pfizer-BioNTech vừa được phê duyệt đầu tháng này.
EMA khuyến nghị tiêm liều thứ ba sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna cho những người có hệ miễn dịch suy yếu, đồng thời cho biết nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến viêm tim hoặc các tác dụng phụ rất hiếm gặp khác sau khi tiêm liều tăng cường đang được theo dõi chặt chẽ.
Trong khi đó, ngày 26/10, một hội đồng chuyên gia độc lập đã bỏ phiếu với tỷ lệ ủng hộ áp đảo về việc khuyến nghị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi, khẳng định lợi ích của việc tiêm chủng vượt trội hơn so với những rủi ro mà loại vaccine này đem lại.
Việc cấp phép tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhóm tuổi này là một thủ tục pháp lý quan trọng để Mỹ có thể tiêm chủng cho khoảng 28 triệu trẻ em trong bối cảnh hầu hết các trường học đều hướng tới tổ chức học trực tiếp.
Nếu FDA cho phép tiêm vaccine của Pfizer cho nhóm tuổi này, một ban cố vấn cho Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ họp vào tuần tới để đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng vaccine.
Trước đó, Pfizer và BioNTech cho biết, vaccine của họ cho thấy hiệu quả chống lại virus SARS-COV-2 lên tới 90,7% trong một thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em từ 5-11 tuổi.
Mặc dù trẻ em bệnh trở nặng hoặc tử vong do Covid-19 tương đối hiếm so với người lớn, tuy nhiên số trẻ bị biến chứng và nhiễm trùng do chưa được tiêm chủng đã tăng lên do biến thể Delta dễ lây lan. Dữ liệu từ Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ cho thấy, đã có hơn 500 trẻ em nước này tử vong vì Covid-19.
Tại Mỹ, mới chỉ 57% dân số được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ, thấp hơn so với các quốc gia phát triển khác như Anh và Pháp. Tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng ở Mỹ có thể còn thấp hơn, với chỉ khoảng 47% được tiêm ngừa trong nhóm tuổi từ 12 đến 15 tuổi.
Theo trang thống kê worldometers.info, hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19, với 46,49 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 760 nghìn ca tử vong.
Xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm là Ấn Độ với 34,21 triệu ca, trong đó có gần 455.700 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với hơn 21,74 triệu ca nhiễm và hơn 606.200 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất thế giới (trên 69 nghìn ca), tiếp sau là Anh (40.954 ca), Nga (36.446 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (29.643 ca).
Tính đến 8 giờ 30 phút sáng 27/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 245,25 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, với trên 426 nghìn ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tính đến nay là gần 4,98 triệu người, trong khi số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 222,33 triệu người.
Châu Âu đang là "điểm nóng" dịch Covid-19 toàn cầu, khi châu lục này chiếm hơn 50% tổng số ca mắc mới trên thế giới trong 24 giờ qua (221.447 ca). Lục địa già cũng xếp thứ hai thế giới về tổng ca mắc, với trên 63,3 triệu ca, đồng thời dẫn đầu về số ca tử vong, với 1.286.532 ca, tiếp đến là Nam Mỹ với 1.168.356 ca tử vong, châu Á là 1.162.714 ca và Bắc Mỹ là 1.139.178 ca.