Tình trạng nuôi ngao tự phát ban đầu có quy mô nhỏ, lẻ, trên diện tích hẹp tại Tràng Cát (quận Hải An), xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy). Với lợi nhuận cao, việc nuôi ngao đã nhanh chóng gia tăng cả về quy mô và số lượng.
Tại hai phường Tràng Cát và Đông Hải 2 của quận Hải An có 28 hộ nuôi ngao với diện tích 726,36ha; tại các xã ven biển thuộc huyện Kiến Thụy có 89 hộ đang nuôi ngao với diện tích 2.557,5ha.
Các trường hợp nuôi ngao ở khu vực quận Hải An đã “chồng lấn” lên diện tích 161ha bãi được quy hoạch và giao cho Khu công nghiệp Deep C2A và 145ha giao cho ba doanh nghiệp khai thác khoáng sản.
Các trường hợp nuôi ngao tại huyện Kiến Thụy đã “chồng lấn” lên diện tích hơn 300ha cấp cho sáu doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Việc “chồng lấn” này đã khiến các doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng không thể khai thác do các hộ dân nuôi ngao cản trở.
Đáng chú ý, các hộ dân tự ý cắm cọc, dựng chòi, quây bãi nuôi ngao còn cản trở chính hoạt động khai thác thủy sản truyền thống của ngư dân địa phương. Ông Phạm Văn Hà, ngư dân ở tổ dân phố số 4, phường Tràng Cát cho hay, bản thân ông và nhiều con cháu trong gia đình sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản truyền thống, nay phải bỏ nghề, do bị các hộ nuôi ngao ngăn cản ra biển và cho rằng ngư dân xâm phạm bãi ngao của họ.
Người dân Tràng Cát đề nghị chính quyền cần kiên quyết thu hồi mặt bằng để phục vụ lợi ích phát triển kinh tế-xã hội chung và ngư dân được tiếp tục khai thác thủy sản...
Rất nhiều vụ việc phức tạp về an ninh trật tự trên biển phát sinh từ tranh chấp giữa những người nuôi ngao với các đơn vị khai thác cát và ngư dân. Đó là chia sẻ của Đại tá Nguyễn Công Hiển, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng.
Thống kê sơ bộ từ năm 2015 đến nay cho thấy, trên khu vực biển Hải Phòng đã có 75 vụ việc về an ninh trật tự liên quan nuôi ngao, trong đó có 12 vụ xô xát, cố ý gây thương tích giữa những người nuôi ngao với nhau và với ngư dân khai thác thủy sản truyền thống; sáu vụ cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản liên quan nuôi ngao, cùng nhiều vụ ngăn cản, chống người thi hành công vụ. Các trường hợp nuôi ngao trái phép bị chính quyền xử lý đã cố tình tổ chức thành các đoàn đi khiếu kiện đông người ở nhiều nơi, gây phức tạp về trật tự an ninh...
Trước tình hình phức tạp nêu trên, thành phố Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo chính quyền các địa phương và các ngành chức năng tập trung giải quyết một cách kiên quyết và triệt để.
Tại quận Hải An, chính quyền quận và các phường Đông Hải 2, Tràng Cát vừa thông tin, tuyên truyền, vận động, vừa kiên quyết lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 28 trường hợp vi phạm... Và từ rất sớm, 15 hộ dân trên địa bàn có nuôi ngao trái phép đã tự nguyện di dời, trả lại mặt bằng cho Khu công nghiệp Deep C2A…
Đối thoại luôn là giải pháp được chính quyền quận Hải An và thành phố Hải Phòng lựa chọn để giúp các hộ nuôi ngao tự phát và đông đảo người dân hiểu rõ quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện.
Trong đó, cuộc đối thoại của lãnh đạo thành phố với các hộ nuôi ngao trái phép tổ chức đầu tháng 9 vừa qua trước khi tổ chức cưỡng chế buộc các hộ vi phạm thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả còn được mở rộng với việc tham dự của luật sư đại diện cho các hộ dân và sự tham gia, chứng kiến của các cơ quan như: Thanh tra Chính phủ, Ban tiếp công dân Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Qua đối thoại trực tiếp, công khai và thẳng thắn giữa những người nuôi ngao và các cấp chính quyền, cùng sự tham gia của các ngành chức năng cho thấy, việc UBND quận Hải An xử lý vi phạm hành chính (nuôi ngao trái phép) và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính nêu trên là đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền. Ngay sau đó, chính quyền quận Hải An đã triển khai tháo dỡ, di chuyển, xử lý các bãi nuôi ngao trái phép nhanh chóng và an toàn, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho các hộ dân thu hoạch ngao đã nuôi…
Hiện, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đang đôn đốc chính quyền các huyện: Kiến Thụy, Tiên Lãng khẩn trương kiểm tra, rà soát và kiên quyết xử lý tất cả các trường hợp nuôi ngao trái phép trên địa bàn.
Trong cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện ngày 10/9 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã phê bình Chủ tịch UBND các huyện Kiến Thụy và Tiên Lãng chậm trễ xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi ngao không phép trên địa bàn theo chỉ đạo.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu việc giải tỏa, di dời các bãi nuôi ngao tự phát trên địa bàn phải hoàn thành giai đoạn 1 trong tháng 10 tới và hoàn tất giải tỏa toàn bộ vào đầu năm 2023.
Quan điểm của thành phố là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển hoạt động nuôi trồng thủy sản trên khu vực biển theo đúng quy định của pháp luật và theo quy hoạch được phê duyệt, không ảnh hưởng đến các công trình, dự án quốc gia và ngành kinh tế khác.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Hải Phòng Lê Anh Quân
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng Đỗ Gia Khánh, trên khu vực biển Hải Phòng có khoảng 3.000ha diện tích tại khu vực biển thuộc xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng) có thể phát triển nuôi ngao. Tại khu vực này có bốn cồn cát đã được nuôi thử nghiệm và ngao phát triển tốt. Ngành nông nghiệp đã đề xuất thành phố nghiên cứu đưa diện tích nuôi ngao này vào quy hoạch chung của thành phố.
Thu hoạch ngao nuôi trên vùng biển xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy) đang được yêu cầu giải tỏa dứt điểm. |
Hiện, thành phố Hải Phòng đang trình xin ý kiến bốn bộ, ngành về quy hoạch nuôi ngao này. Thành phố sẽ ưu tiên, tạo điều kiện cho các hộ tự nguyện di dời bãi nuôi ngao trái phép hiện nay đến nơi mới trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích giữa các bên và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định.