ND- Nhỏ, xanh và bình dị như hàng trăm, hàng nghìn ngôi làng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng từ cách đây tròn nửa thế kỷ, cái tên Ngọc Tỉnh (xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đã vang danh cả nước - là nơi khởi phát của phong trào xây dựng Gia đình văn hóa.
Từ sáu gia đình tiên phong nơi xóm nhỏ, xây dựng Gia đình văn hóa đã trở thành phong trào mang tính rộng khắp trên cả nước, và là một trong những tiêu chí để đánh giá, xây dựng nông thôn mới hiện nay. Ðã có rất nhiều thay đổi, bổ sung và mở rộng cho nội dung cũng như phương thức hoạt động của phong trào, nhưng những kinh nghiệm, cách làm của những người "đặt nền móng đầu tiên" ở nơi này dường như vẫn chưa bao giờ cũ...
Tìm nhà ông Luyện Ngọc Thanh không quá khó. Làng, có lẽ đã quen với việc đón khách tham quan từ năm 1960, thời ấy, có ngày cả chục đoàn khách từ khắp các địa phương trong cả nước lặn lội tìm về Ngọc Tỉnh để tận mắt chứng kiến và học hỏi kinh nghiệm xây dựng Gia đình văn hóa. Người già vốn hay chuyện, nhiệt tình chỉ dẫn, còn mấy đứa trẻ thì nghiễm nhiên coi việc dẫn khách là nhiệm vụ của chúng, dắt chúng tôi đến tận cổng nhà ông Thanh, lại còn om sòm gọi cửa giúp. Nhà ông Thanh nằm ngay con ngõ nhỏ đầu làng, thoáng rộng, sạch sẽ. Không hẹn trước, nhưng cả ông và bà đều đang ở nhà, vui vẻ, nồng hậu đón tiếp những vị "khách không mời", ân cần thăm hỏi chuyện đi đường, tìm nhà mà không hề băn khoăn dò hỏi mục đích chuyến viếng thăm của những người khách lạ.
Trước khi về Ngọc Tỉnh, có cán bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên đã nói vui với tôi: Ông Thanh là người có "khoa nói", lại được mời đi dự rất nhiều hội nghị, liên hoan toàn tỉnh, toàn quốc rồi, nên nói rất "chuyên nghiệp" đấy. Tiếp xúc với ông, quả thấy ông là người hoạt bát, và hóm hỉnh, nhưng mỗi câu chuyện, suy nghĩ đều ẩn chứa những tình cảm chân thành, tâm huyết. Ở tuổi viên mãn, dường như việc xây dựng gia đình văn hóa, dòng tộc văn hóa và thôn làng văn hóa vẫn là mối quan tâm lớn của cả gia đình ông, chưa lúc nào ngưng nghỉ.
Bên ánh nhìn nồng ấm của bà, hiền hậu góp cùng câu chuyện của ông, dẫn chúng tôi trở về những ngày khó khăn của Ngọc Tỉnh và cả nước thời kỳ những năm 60 thế kỷ trước. "Ngọc Tỉnh thời đó cũng nghèo và lạc hậu như nhiều vùng quê thuần nông khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ" - Ông Thanh bồi hồi nhớ lại. Các địa phương đang tiến hành phong trào "tứ hóa" (hợp tác hóa, thủy lợi hóa, bổ túc văn hóa và kinh tế hóa), tuy nhiên, tâm lý người dân nhiều nơi chưa ổn định nên sản xuất bị đình đốn, đời sống vật chất gặp nhiều khó khăn, mê tín dị đoan có điều kiện trỗi dậy, nhiều hủ tục "thừa cơ" trở lại, như: mẹ chồng cấm nàng dâu đi hội họp, cưới tảo hôn, bói toán, rượu chè, cờ bạc... Yên Mỹ lúc đó là xã có phong trào bổ túc văn hóa mạnh nhất của tỉnh, trong đó, Ngọc Tỉnh là thôn đi đầu. Chính vì lý do này, Ty Văn hóa Hưng Yên đã cử cán bộ xuống Ngọc Tỉnh để thí điểm xây dựng Gia đình văn hóa. Cụ Luyện Văn Ẩn, thân sinh của ông Luyện Ngọc Thanh, đã đứng ra vận động năm gia đình nữa cùng đăng ký tham gia: gia đình cụ Ðỗ Văn Thức, cụ Ðinh Văn Khắc, Nguyễn Văn Tục, Luyện Văn Ðễ (cháu gọi ông Ẩn bằng chú) và bà Nguyễn Thị Oanh. Quan điểm của cụ Ẩn lúc đó là vận động con cháu trong nhà làm gương trước, rồi mới thuyết phục bà con làng xóm làm theo. Có sự hướng dẫn của cán bộ Ty Văn hóa, các gia đình họp bàn và đề ra sáu tiêu chuẩn để xây dựng Gia đình văn hóa: Chấp hành chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước (mà việc đầu tiên là vào HTX); Thi đua nuôi dạy con cái; Chống mê tín dị đoan; Ăn ở vệ sinh, ngăn nắp; Thực hành tiết kiệm và Ðoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ xóm giềng khi khó khăn, hoạn nạn.
Mục tiêu chính trong các hoạt động của sáu gia đình không chỉ là làm tốt cho riêng gia đình mình, mà phải làm thế nào để vận động được toàn dân làm theo. Nên, khi đã định ra một số việc cần làm trước, xét theo năng lực của từng thành viên trong sáu gia đình mà phân công công việc. Gia đình ông Luyện Văn Ẩn được giao thực hiện phong trào "Ðọc và làm theo sách báo" để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cả gia đình đã hợp sức trồng được 1.000 m2 cây giống (phi lao, bạch đàn), khi cây cao 1 m thì đem cấp miễn phí cho bà con để trồng khắp các đường ngang, ngõ tắt trong xóm. 10 năm sau, chính những cây trồng này đã mang lại lượng gỗ lớn cho bà con xây dựng nhà kho của HTX.
Trong khi đó, gia đình ông Luyện Văn Ðễ, vốn có khả năng làm thợ xây thì được giao nhiệm vụ đào giếng. Trước đó, cả làng chỉ có một cái giếng đất dùng chung. Do có quan niệm nếu đào giếng thì sẽ làm đứt "long mạch" của làng, nên không ai dám làm giếng khơi. Chiếc giếng đầu tiên được đào trên đất nhà ông Ẩn, trên thành giếng nay vẫn còn ghi con số 1960. Giếng đào xong, thấy cả sáu gia đình không ai bị làm sao cả, làng cũng vẫn yên ổn, nước giếng khơi lại trong, mát, ngọt nên bà con xóm giềng đua nhau đến xin nước về dùng. Ông Ðễ lần lượt đào cả sáu chiếc giếng cho sáu gia đình, rồi dần dần, cả làng cũng học theo, đào giếng trong vườn nhà, không ai còn sợ bóng sợ gió "đứt long mạch" như trước nữa.
Có năng khiếu văn nghệ, hai gia đình ông Ðinh Văn Khắc và ông Nguyễn Văn Tục thành lập đội văn nghệ và tổ chức nhiều buổi sinh hoạt văn nghệ trong thôn. Người dân Ngọc Tỉnh hôm nay vẫn còn nhớ những câu vè nhẹ nhàng, dí dỏm do ông Khắc sáng tác như: Ruộng kia lúa tốt ngập bờ/ Ruộng này lúa xấu bơ phờ tại ai?... Những buổi sinh hoạt văn nghệ đã góp phần hình thành phong trào ca hát tập thể sôi nổi trong thôn, và động viên nhiều gia đình hăng hái sản xuất, tham gia xây dựng đời sống mới.
Hai gia đình bà Oanh và ông Bái thì nêu gương về sản xuất giỏi và mối quan hệ tốt giữa mẹ chồng - nàng dâu, động viên phụ nữ tham gia hoạt động xã hội.
Trước thành công của mô hình Ngọc Tỉnh, Bộ Văn hóa - Thông tin đã cử nhiều đoàn cán bộ về "nằm vùng" hàng tháng trời để nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá chất lượng thật sự của phong trào, và sau hai năm, đến 1962, đã chính thức công nhận thành công của phong trào xây dựng gia đình văn hóa tại Ngọc Tỉnh. Ðịa danh nhỏ bé này cũng chính thức được ghi danh là nơi khởi nguồn của phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, sáu hộ gia đình "tiên phong" được công nhận là sáu Gia đình văn hóa đầu tiên trong cả nước.
Thế hệ đầu tiên đầy ý chí, quyết tâm, tinh thần vì tập thể, vì cộng đồng và sáng tạo của cả sáu Gia đình văn hóa đầu tiên ấy, giờ đều đã khuất núi. Con cháu họ đã trải đến thế hệ thứ tư, và vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ý thức, lòng tự hào về di sản - tài sản mà thế hệ cha ông để lại. Cứ ba tháng một lần, các thành viên thế hệ thứ hai của cả sáu gia đình, đều đã lên chức ông - bà, lại họp nhau một lần, để nhìn nhận, xem xét đời sống văn hóa của từng gia đình, tìm hướng giải quyết cho những vấn đề mới phát sinh từ cuộc sống hiện đại. Niềm vui của họ là được thấy các thế hệ con, cháu đang ngày càng trưởng thành, thành đạt trong cuộc sống và vẫn giữ được nền nếp gia phong như mong muốn của ông bà.
Dứt mạch chuyện về những ngày tháng cũ, bà Thanh lui vào gian bếp để chuẩn bị bữa cơm trưa cho gia đình. Ông Thanh hào hứng dẫn chúng tôi sang gian bên cạnh, nơi ông dành riêng làm phòng truyền thống của gia đình. Quanh gian phòng nhỏ là rất nhiều những tấm hình kỷ niệm của sáu gia đình chụp chung với nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Ðảng và Nhà nước khi về thăm Ngọc Tỉnh, hình kỷ niệm những chuyến đi nhận bằng công nhận Gia đình văn hóa cấp toàn quốc (gia đình ông Thanh là một trong bảy gia đình văn hóa tiêu biểu của cả nước tại Hội nghị tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc 2007), rất nhiều giấy khen của con, của cháu, và bản thảo cuốn sách ông đang viết về quê hương Ngọc Tỉnh.
Dường như muốn chuyến thăm của chúng tôi thêm sinh động, ông Thanh mời chúng tôi đến nhà ông Luyện Ngọc Tân (con ông Luyện Văn Ðễ) ở cách đó không xa. Ông Tân cũng đang có nhà, thảnh thơi giữa đàn gà mổ thóc chạy tung tăng trên mảnh vườn khá rộng. Khác với ông Thanh, ông Tân thoát ly rất sớm, chỉ thỉnh thoảng về thăm nhà, nên không gắn nhiều với những hoạt động của buổi đầu xây dựng sáu Gia đình văn hóa. Nhưng ông luôn nhiệt tình ủng hộ việc làm của "các cụ". Ông Tân tâm sự: "Nói thật, gây dựng được phong trào đã khó, nhưng để phát huy thì còn khó hơn. Ngọc Tỉnh vốn là nơi khởi phát của phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, nhưng nhiều năm qua đã có phần bị buông lơi, có những việc từ các ngành, các cấp "nói chưa đi đôi với làm" nên phong trào có phần lắng lại. Nhưng cái "gốc" thì vẫn còn đấy, chỉ cần chúng ta biết khơi lại đúng cách là nó lại xanh tươi, mạnh mẽ ngay thôi...".
Có thể, sẽ có người cho rằng ông Tân hơi khắt khe trong cách nhìn nhận. Riêng tôi, cảm thấy mình có thể chia sẻ phần nào nỗi băn khoăn trong ông. Ngọc Tỉnh chưa giàu, khuôn mặt mới của làng cũng đang có những đổi thay, tươi tắn. Một vùng quê thuần nông, có lẽ, được như vậy cũng là điều mong mỏi. Nhưng từ góc nhìn của "người trong cuộc" như ông Tân, Ngọc Tỉnh lẽ ra, đã phải giữ vững ngọn cờ mà những con người tiên phong đã phất lên phần phật 50 năm trước. Quá khứ, sẽ vẫn chỉ là quá khứ. Người Ngọc Tỉnh hôm nay cần phải làm gì, để những ai sẽ đến thăm nơi này, có thể cảm nhận ngay được từ mỗi gốc cây, ngọn cỏ, từ mỗi ánh nhìn, nụ cười, tiếng nói của người dân sự hồn hậu, nồng ấm chỉ có thể tỏa ra trong mỗi nếp nhà thôn quê ấm cúng. Ðể cái danh hiệu đầy tự hào là nơi khởi nguồn của phong trào Gia đình văn hóa không chỉ là hào quang quá khứ.
Ngắm ngọn lửa tỏa sáng, bập bùng trong gian bếp nhà ông Thanh, ông Tân, tôi chợt liên tưởng đến sáu gia đình những ngày gian khó xa xôi. Chính sự nồng hậu, bền bỉ, thân thiện và ấm áp từ mỗi tấm lòng luôn hướng về lợi ích cộng đồng, làng xóm ấy đã như những ngọn lửa nhỏ sưởi ấm, liên kết và đẩy lùi bóng tối lạc hậu, u mê trong nhiều tâm hồn người nông dân chân chất, mộc mạc. Làng, nhờ những ngọn lửa nhỏ như thế, mà đã muôn đời neo giữ được tâm hồn của cả những đứa con lạc bước, xa quê, neo giữ nơi mỗi trái tim một chốn đi về riêng có của văn hóa Việt. Những con người tiên phong của phong trào xây dựng Gia đình văn hóa ở Ngọc Tỉnh đã thấu hiểu hơn ai hết điều cốt lõi sâu xa ấy, nên mới có được cách làm sáng tạo, hợp lòng người, để đi đến thành công. Bài học ấy, có lẽ, chẳng bao giờ xưa cũ.