Lạng Sơn phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh

Lạng Sơn, miền địa đầu Tổ quốc, đã trở thành dải đất vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn, đã cùng với nhân dân cả nước lập được nhiều chiến công hiển hách trong chống giặc ngoại xâm, giữ vững nền độc lập dân tộc. Các địa danh như: Ải Chi Lăng, Bắc Sơn, Đường số 4 rực lửa anh hùng... đã đi vào lịch sử dân tộc như những cái tên bất diệt.

Một góc thành phố Lạng Sơn. Ảnh CTV
Một góc thành phố Lạng Sơn. Ảnh CTV

Cách đây tròn 190 năm, vào ngày 4/11/1831, triều đại nhà Nguyễn, chia phía bắc thành 18 tỉnh, trong đó đổi trấn Lạng Sơn thành tỉnh Lạng Sơn. Đó là mốc son quan trọng để Lạng Sơn tiếp tục hành trình xây dựng và phát triển ngày càng vững mạnh, trường tồn.

Đặc biệt là từ khi có Đảng lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn với truyền thống lịch sử vẻ vang của mình, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện về các mặt: kinh tế có bước phát triển khá, lĩnh vực xã hội có nhiều chuyển biến và tiến bộ mới, giữ vững an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, chính trị ổn định; Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân không ngừng được củng cố; xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong tỉnh để bảo vệ vững chắc địa bàn, chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

Ghi nhận những thành tích đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; tháng 11/2011, nhân kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh, Lạng Sơn đã vinh dự được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh...

Tự hào với thành tựu đó, 5 năm qua, bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã phát huy tinh thần đoàn kết, với quyết tâm chính trị cao, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị…; hoàn thành 18 trong số 20 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; phương thức lãnh đạo có nhiều đổi mới, tiến bộ theo hướng công khai, dân chủ.

Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng được quan tâm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng lên, khối đại đoàn kết được phát huy. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được quan tâm và đạt nhiều kết quả khả quan. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế mang lại hiệu quả tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được chú trọng; vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được nâng lên.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển; kết cấu hạ tầng được đầu tư; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,44 lần so với năm 2015. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm và đạt kết quả tích cực; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét.

Quốc phòng - an ninh được tăng cường, chính trị ổn định, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững... Những thành tựu đó đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước và tạo tiền đề quan trọng cho tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.

Tuy đã đạt được nhiều thành tích, nhưng Lạng Sơn vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đổi mới, sáng tạo; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước; huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh, đối ngoại, bảo đảm biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững”.

Thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, tập trung lãnh đạo, đầu tư cho phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, phát huy những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội nhất là lợi thế địa bàn biên giới, cửa khẩu, lợi thế cạnh tranh; trong đó trọng tâm thực hiện có hiệu quả bảy chương trình công tác trọng tâm, ba khâu đột phá: tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo đột phá nâng cao năng suất lao động; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; phát triển mạnh kinh tế biên mậu, kinh tế cửa khẩu, các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đưa Lạng Sơn trở thành trung tâm kinh tế, khu trung chuyển hàng hóa, đầu mối xuất nhập khẩu lớn của cả nước; đẩy mạnh kết nối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và với cả nước; chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đáp ứng hội nhập và phát triển bền vững, gắn với phòng, chống các tội phạm kinh tế; cơ cấu lại sản xuất công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến; phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch với nhiều sản phẩm có thế mạnh.

Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ; tập trung khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống xứ Lạng để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch độc đáo, giàu bản sắc, hấp dẫn, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đồng thời bảo đảm an ninh du lịch và an ninh môi trường.

Thứ hai, giữ gìn và xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc gắn với đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để tạo nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững địa phương; trong đó coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng; gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em trên vùng đất Lạng Sơn. Tiếp tục làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội gắn với bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc ở cơ sở. Củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; có các giải pháp mạnh mẽ, phù hợp để giảm nghèo nhanh, bền vững.

Thứ ba, tập trung quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nhất là các nghị quyết, chỉ thị về quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tạo thành “thế trận lòng dân” vững chắc ở cơ sở.

Tập trung xây dựng các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ; trọng tâm là đầu tư xây dựng căn cứ chiến đấu, chốt chiến đấu dân quân các xã biên giới; quan tâm bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện; hoàn thành nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh cho các đối tượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân.

Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, phản động, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Tập trung chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; thường xuyên mở các đợt tấn công trấn áp, kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, không để hình thành các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây và các địa phương khác của Trung Quốc; các địa phương của các nước và các tổ chức quốc tế. Triển khai các giải pháp đột phá về hội nhập quốc tế nhằm huy động cao nhất mọi nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

TS Nguyễn Quốc Đoàn,
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn