Lạng Sơn đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững

Lạng Sơn có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 80% diện tích tự nhiên. Để khai thác những lợi thế, tiềm năng, trong những năm qua tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Các hộ gia đình ở xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng mở xưởng chế biến, ép tấm gỗ xuất khẩu.
Các hộ gia đình ở xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng mở xưởng chế biến, ép tấm gỗ xuất khẩu.

Trước những năm 2000, người dân Lạng Sơn nhận thức về phát triển kinh tế lâm nghiệp rất hạn chế. Vì vậy, việc trồng rừng ở các địa phương trong tỉnh phụ thuộc phần lớn vào ngân sách nhà nước. Trong khi đó công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, ý thức bảo vệ rừng của nhân dân thấp, cộng với nhiều người dân vẫn còn khai thác rừng tự nhiên trái pháp luật.

Trước thực trạng đó, từ năm 2001 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp được ban hành. Thí dụ như Nghị quyết số 30-NQ/TU, ngày 3/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030 ra đời đã và đang có những bước chuyển mạnh mẽ cho ngành lâm nghiệp của tỉnh.

Đến nay, tổng diện tích đất có rừng ở Lạng Sơn có hơn 518.755 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 293.601 ha và rừng trồng là hơn 225.165 ha, hằng năm khai thác gỗ rừng trồng bình quân 98.000 m3/năm. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung một số loài cây chủ lực, cây gỗ lớn như: Vùng cây thông ở các huyện: Lộc Bình, Đình Lập và Cao Lộc, với tổng diện tích 110.000ha; vùng trồng keo, bạch đàn tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng... với diện tích hơn 31.200ha...

Một số sản phẩm gỗ của tỉnh như: ván ép cao cấp, ván bóc, dăm gỗ; lâm sản ngoài gỗ như: nhựa thông, hoa hồi,... đã được xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore và Nhật Bản, chiếm khoảng 70% sản lượng; giá trị các mặt hàng xuất khẩu lâm sản của tỉnh. Sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Huyện Bình Gia có hơn 94 nghìn ha đất lâm nghiệp. Những năm qua huyện đã tiến hành điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch đất lâm nghiệp, thực hiện giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, đồng thời, tạo động lực để người dân gắn bó chặt chẽ với rừng, yên tâm sản xuất. Nhờ đó đến nay, huyện Bình Gia trở thành top đầu của tỉnh về công tác trồng rừng, cụ thể là kết thúc năm 2022 toàn huyện đã có hơn 84 nghìn ha diện tích có rừng, độ che phủ rừng đạt 74,9%, tỷ lệ che phủ lớn nhất so với các huyện, thành phố.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Gia Hoàng Văn Chung cho biết: Nhằm phát huy những lợi thế về đồi rừng, thời gian qua, huyện đã định hướng, vận động người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, huyện cũng phát triển mạnh vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ nhằm cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ. Tổng thu nhập từ rừng trung bình mỗi năm của người dân được khoảng 40 tỷ đồng, trong đó, riêng thu từ quế và hồi là hơn 20 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lý Việt Hưng cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh ranh giới ba loại rừng đến năm 2030; tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các tổ chức sản xuất lâm nghiệp; tiếp tục cùng với các huyện tăng dần diện tích rừng đạt tiêu chuẩn cấp Chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế và chứng nhận sản xuất hữu cơ đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn của thị trường thế giới; phát triển vùng trồng rừng tập trung, các loại cây nguyên liệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thế mạnh của tỉnh…

Từ thực tiễn công tác trồng, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã cho thấy Lạng Sơn đã và đang trở thành điểm sáng, điển hình trong phong trào trồng rừng của cả nước. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, để Lạng Sơn đóng góp quan trọng cho hành trình phát triển xanh của đất nước trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới có hiệu quả các giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững, nhất là trồng rừng gỗ lớn; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất lâm nghiệp, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; ưu tiên tập trung đầu tư một số dự án để tạo sự đột phá như: Dự án sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dự án xây dựng mô hình rừng trồng chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.