Theo thời gian hình ảnh phỗng đất dần chìm vào quên lãng khi trẻ con dần làm quen với những món đồ chơi hiện đại hay đắm mình vào các loại game trên điện thoại thông minh. Không cam lòng nhìn một phần quá khứ của cha ông biến mất, người dân thôn Đông Khê (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) tìm mọi cách giữ lại nghề làm phỗng đất, trong đó, nổi bật nhất có gia đình vợ chồng nghệ nhân Phùng Đình Giáp.
Năm nay đã ngoài 70 tuổi, nghệ nhân Phùng Đình Giáp được bà con thôn Đông Khê yêu mến gọi là người "giữ vía" cho phỗng đất của làng. Được ông nội dạy cách nặn phỗng từ nhỏ, ông Giáp mê mẩn với món đồ chơi này và khi xuất ngũ về làng, ông luôn đau đáu gìn giữ. Theo ông Giáp, để làm được bộ phỗng đất phải trải qua bảy công đoạn tỉ mỉ. Phỗng đất được làm từ đất thó là sự kết hợp giữa đất sét và giấy bản. Đất sét phải lấy từ độ sâu 2,5m và chỉ lấy trong khoảng từ 20-30cm để đất có độ mịn, mang về phơi khô cho vào cối giã nhỏ, sàng mịn như bột mì. Giấy bản được ngâm nước từ bảy đến tám ngày cho nhão như cháo. Nhào đất sét mịn với giấy bản, cho vào cối giã cho đến khi hòa làm một rồi dùng để nặn phỗng mà không bị dính. Các tượng phỗng sau khi được tạo hình sẽ mang đi phơi nắng ba đến năm ngày rồi phủ lên một lớp bột điệp trắng trước khi vẽ mầu.
Ông Giáp cho biết, bộ phỗng đất truyền thống gồm năm hình mang năm ý nghĩa khác nhau về cuộc sống. Con chim thể hiện khát vọng hòa bình, con rùa gắn với biển cả bao la và sự tích thần Kim Quy, người già và em bé thể hiện sự nối tiếp truyền thống. Trung tâm của bộ phỗng là nhân vật phỗng hình Phật mang ý nghĩa giáo dục con cháu sống đức độ, thiện lành.
Nhiều năm liền nghệ nhân Phùng Đình Giáp rất tích cực giới thiệu tượng phỗng tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không gian bích họa Phùng Hưng, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Dân tộc học... Nhiều đoàn khách đã tìm về thôn Đông Khê, đến nhà ông để trực tiếp trải nghiệm không gian văn hóa Bắc Bộ, trực tiếp tham gia công đoạn làm phỗng, trong đó có cả du khách nước ngoài và trẻ em từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Niềm hạnh phúc đặc biệt với ông Giáp là người cháu nội Phùng Định Đạt đã theo ông đi giới thiệu phỗng đất với công chúng. Cách đây vài năm Đạt còn lập một fanpage mang tên "Phỗng đất làng Hồ" lưu lại hình ảnh và video về cách làm phỗng đất cũng như khát khao giữ nghề của gia đình. Nửa thế kỷ đau đáu với phỗng đất, gia đình nghệ nhân Phùng Đình Giáp cũng như dân làng Đông Khê đã lưu giữ được một nét văn hóa độc đáo của xứ Kinh Bắc.