Lan truyền chú thích ảnh sai sự thật về vụ tấn công cựu Thủ tướng Pakistan

NDO - Một bức ảnh được đăng lên tài khoản Twitter của cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan từ năm 2014 đang được sử dụng để thông tin về việc ông Khan bị trúng đạn ngày 3/11 vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh chụp màn hình.
Ảnh chụp màn hình.

Một bức ảnh được đăng lên tài khoản Twitter của cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan từ năm 2014 đang được sử dụng để thông tin về việc ông Khan bị trúng đạn ngày 3/11 vừa qua.

Thông tin lan truyền

Một người dùng mạng xã hội Facebook mới đây đã đăng bức ảnh cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan mặc bộ đồ tối màu, nằm trên tấm trải giường màu trắng và hai bàn tay của ông đang giơ lên.

Người này còn viết chú thích của bức ảnh như sau, trợ lý của ông Khan cho biết có nhiều mảnh đạn găm vào chân của cựu Thủ tướng và ông đã bị gãy xương sau khi bị bắn vào chân trong cuộc tuần hành ngày 3/11.

Một số bài đăng với nội dung tương tự cũng xuất hiện trên Facebook và Twitter.

Kiểm chứng thông tin

Ngày 3/11, ông Khan đã bị bắn vào chân khi đoàn xe tuần hành phản đối chính phủ của ông bị tấn công ở miền đông Pakistan. Các trợ lý của ông gọi đây rõ ràng là một âm mưu ám sát.

Một số người trong đoàn xe của ông Khan bị thương trong vụ tấn công tại Wazirabad, cách thủ đô Islamabad gần 200km. Bộ trưởng Thông tin Pakistan Marriyum Aurangzeb cho biết, một nghi phạm đã bị bắt giữ.

Tuy nhiên, bức ảnh đang được chia sẻ trên mạng xã hội đã được đăng từ năm 2014 và dĩ nhiên không phải là hình ảnh của vụ nổ súng năm 2022.

Cụ thể, bức ảnh này đã xuất hiện trên tài khoản Twitter đã được xác thực của cựu Thủ tướng Pakistan từ năm 2014 cùng chú thích: "Đêm tuần hành".

Khẳng định

Bức ảnh cựu Thủ tướng Pakistan Khan mặc bộ đồ tối màu, nằm trên tấm trải giường màu trắng và hai bàn tay của ông giơ lên đang được chia sẻ trên mạng xã hội cùng với chú thích sai sự thật. Bức ảnh này không ghi lại hình ảnh ông Khan sau khi bị bắn vào chân ngày 3/11/2022.