Lan tỏa những niềm vui giản dị

Những năm gần đây, nhiều hoạt động văn hóa-nghệ thuật quần chúng được tổ chức ở nhiều nơi, vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, mang lại nhiều ý nghĩa.
Trại văn hóa huyện Cẩm Khê tại Lễ hội Đền Hùng năm 2023. Ảnh: BTC
Trại văn hóa huyện Cẩm Khê tại Lễ hội Đền Hùng năm 2023. Ảnh: BTC

Đã thành truyền thống từ khi còn là cấp huyện, mấy năm nay Mỹ Hào (Hưng Yên) lên thị xã, nhiều hoạt động văn hóa-thể thao được duy trì và mở rộng quy mô, đặc biệt là vào các dịp hội lễ hằng năm, ngày 30/4 và 1/5, kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ (19/5). Mỗi dịp ấy, quần chúng nhân dân, cả trẻ lẫn già, cán bộ, viên chức lại hân hoan trảy hội.

Vùng đất Tổ Phú Thọ với bề dày truyền thống văn hóa, nhiều lễ hội dân gian, nhưng lớn nhất là Lễ hội Đền Hùng. Với lòng thành kính nhớ về nguồn cội, cán bộ và nhân dân Đất Tổ luôn nô nức chuẩn bị, tích cực tham gia các hoạt động dâng hương và các hội thi tại Lễ hội Đền Hùng. Ông Nguyễn Mạnh Chiến-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết, người dân tham gia các tiết mục văn nghệ quần chúng, tham gia hội thi rất vui, càng vui hơn khi đoàn của huyện mình năm nào cũng đoạt giải cao. Năm ngoái, huyện Cẩm Khê đạt giải nhất hội thi gói, nấu bánh chưng, giải ba thi giã bánh dày và giải khuyến khích bơi chải thành phố Việt Trì mở rộng. "Chúng tôi đặc biệt quan tâm, chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mới đây, Cẩm Khê cũng tham gia liên hoan tuyên truyền lưu động và triển lãm tranh cổ động kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm tỉnh Phú Thọ (19/8/1962-19/8/2022) do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thị xã Phú Thọ. Kết quả đạt năm giải A, hai giải B (chung cuộc đạt giải A toàn đoàn)", ông Chiến thông tin.

Ở địa phương đã vậy, ở Thủ đô hay các thành phố lớn, nhiều hoạt động văn nghệ quần chúng được tổ chức rất sôi nổi, nhiều hoạt động đang từng bước hướng đến tính chuyên nghiệp cao hơn. Theo thông tin từ Trung tâm văn hóa thành phố, thời gian qua trung tâm đã xây dựng, hướng dẫn, duy trì hoạt động của hệ thống 16 câu lạc bộ tại chỗ và gần 20 câu lạc bộ vệ tinh để trực tiếp tuyên truyền đến quần chúng ở cơ sở nhằm định hướng, nâng cao trình độ cảm thụ văn hóa-nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Bên cạnh các câu lạc bộ văn học-nghệ thuật, còn nhiều nhóm câu lạc bộ ca múa nhạc hoạt động tích cực.

Bà Lý Thị Thúy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội cho biết, cùng với việc mời các nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng và có uy tín tham gia với vai trò phụ trách các câu lạc bộ, mở các lớp giảng dạy nghệ thuật, thời gian qua, trung tâm đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động. Một trong những điểm nhấn là việc triển khai hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống không chuyên tại Thủ đô, giai đoạn 2021-2025. Cùng đó, từ năm 2022, trung tâm đã triển khai kế hoạch bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025, mục đích gìn giữ và phát huy giá trị bốn loại hình: nghệ thuật chèo, cải lương, múa rối và kịch. Với kế hoạch này, TP Hà Nội đầu tư kinh phí sưu tầm, tư liệu hóa, in ấn, phát hành thành đĩa DVD nhằm lưu giữ các tài liệu, nhạc cụ, vở diễn cổ, tích trò, đoạn trích đặc sắc; đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các nhà hát; các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, con người, hỗ trợ nghệ nhân mở lớp đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Có thể thấy, nét đặc biệt trong phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng là sự tham gia tích cực từ những người có niềm say mê hoặc từ các tổ, đội văn nghệ, kể cả khi gặp khó khăn về điều kiện hoạt động hay cơ sở vật chất. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, một số hoạt động văn nghệ quần chúng vẫn tồn tại những hạn chế nhất định cần thay đổi. Trong một số chương trình, ở một vài địa phương, cách thức tổ chức và tinh thần tham gia còn mang tính hình thức, chưa thật sự đầu tư chiều sâu. Không ít nơi còn "thuê" nghệ sĩ chuyên nghiệp để mong "ăn giải", hiện tượng đó làm giảm tính chất sinh động, hồn nhiên vốn có của hoạt động phong trào; vai trò của yếu tố tự biên, tài năng văn nghệ độc đáo của quần chúng, vì thế, cũng sẽ chưa được phát huy hiệu quả.

Việc duy trì, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm phong phú, sinh động và lành mạnh đời sống tinh thần nhân dân. Đó là cái nôi nuôi dưỡng những hạt mầm nghệ thuật nảy nở, đâm chồi, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp trong đời sống.