Sau thành công của chương trình "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng", các thành viên nhận được sự quan tâm của công chúng đã tụ lại thành nhóm nhạc LUNAS. Tài năng - hay nói cách khác là giá trị giải trí của những gương mặt như Ninh Dương Lan Ngọc, Diệp Lâm Anh, Trang Pháp, Huyền Baby - phần nào được chứng minh qua chương trình.
Những năm gần đây, dưới ảnh hưởng của làn sóng âm nhạc Hàn Quốc, ở Việt Nam nhiều nhóm nhạc ra mắt theo chuẩn Hàn Quốc như 365daband, La Thăng, Monstar, Zero9, Uni5, Lip B, LIME... Tuy nhiên, họ thường giống nhau ở cái kết chóng vánh. Thực tế, các nhóm này chỉ tung được một vài sản phẩm rồi mất tăm, sau đó tan rã.
LUNAS hứa hẹn là làn gió mới cho thị trường âm nhạc, bởi rất lâu rồi hoạt động âm nhạc vắng bóng các nhóm nhạc thị trường, giàu tính giải trí. Cùng công bố dự án ra mắt với LUNAS còn có SLAYDIES với sự góp mặt của Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam 2022 Lê Nguyễn Ngọc Hằng. Không chỉ Ngọc Hằng, một số hoa hậu, á hậu và người đẹp cũng bộc lộ khả năng ca hát. Sự gia nhập của họ trên thị trường ít nhiều đã đem đến màu sắc trẻ trung, phong phú. Các nhóm nhạc đua nhau ra sản phẩm, cạnh tranh để làm nên bữa tiệc âm nhạc đa dạng, khán giả vì thế cũng thêm nhiều lựa chọn.
Đời sống nhạc Việt từ sau năm 1975 từng sôi động với hàng chục nhóm nhạc đáp ứng thị hiếu của đông đảo công chúng. Thời điểm đó, khán giả được thưởng thức nhiều thể loại âm nhạc đến từ những cái tên như nhóm rock nữ 3 Con Mèo (1988-2001), Tik Tik Tak (1998-2003) với phong cách nhạc pop, nhóm 5 Dòng kẻ (5DK), Quả dưa hấu, ban nhạc rock Bức tường... hay gần đây như các ban nhạc DaLAB, Chillies, Ngọt.
Sự tan rã của Ngọt làm khán giả có chút băn khoăn về "lời nguyền" cho các ban nhạc, nhóm nhạc, bởi thực tế, nhóm nhạc Việt vẫn ở thế khó nếu muốn tồn tại, phát triển ở Việt Nam. Các nhóm hoạt động theo nguyên lý bổ khuyết cho nhau qua các sản phẩm âm nhạc và trình diễn trên sân khấu. Vì vậy, họ cần sự hòa hợp về tính cách, lối sống, phong cách âm nhạc, sự chia sẻ, đoàn kết. "Khi các thành viên tìm được sự cân bằng, hỗ trợ, hòa hợp thì mới cho ra đời được những sản phẩm âm nhạc chất lượng.
Thông thường trong nhóm được phân chia các giọng hát: cao, trung, trầm. Mỗi thành viên đều quan trọng như nhau, không phân biệt người hát chính, người hát bè. Ban nhạc cũng vậy, các tay đàn đều quan trọng như nhau", nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội phân tích.
Những năm gần đây, dưới ảnh hưởng của làn sóng âm nhạc Hàn Quốc, ở Việt Nam nhiều nhóm nhạc ra mắt theo chuẩn Hàn Quốc như 365daband, La Thăng, Monstar, Zero9, Uni5, Lip B, LIME... Tuy nhiên, họ thường giống nhau ở cái kết chóng vánh. Thực tế, các nhóm này chỉ tung được một vài sản phẩm rồi mất tăm, sau đó tan rã.
Nguyên nhân đến từ việc thiếu kinh phí và sự đầu tư bài bản, không có kế hoạch dài hơi và chuyên nghiệp. "Kinh phí đầu tư cho ra mắt các sản phẩm âm nhạc đáp ứng nhu cầu biểu diễn khá tốn kém từ đầu tư cho sáng tác, hòa âm phối khí, phòng thu, trang phục, làm đẹp... thậm chí nhiều nhóm nhạc phải nợ tiền các nhà đầu tư khi các công ty, bầu sô ứng tiền để sản xuất MV, album... Trong khi đó, các hợp đồng biểu diễn không thường xuyên", nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh nêu.
Không thể không nhắc tới yếu tố quyết định sự thành bại của một nhóm nhạc ở Việt Nam, đó là nhu cầu của công chúng. "Biên độ để phát triển thị trường giải trí ở Việt Nam còn rất lớn với dân số đông và trẻ, sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm giải trí chất lượng", chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nêu. Nhu cầu thì thế, nhưng trên thực tế, quá trình tìm kiếm tài năng và đào tạo của Việt Nam chưa thể cung cấp cho thị trường những nghệ sĩ có năng lực tốt nhất. Nhiều nghệ sĩ ở tình thế vừa biểu diễn vừa học hỏi, trau dồi chứ xuất phát điểm thiếu nhiều yếu tố, chưa qua đào tạo khắt khe, bài bản. Chút lợi thế về giọng hát chưa phải yếu tố then chốt để các nhóm nhạc đứng vững trên thị trường.
Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cho rằng, vấn đề chung của nhiều nghệ sĩ tại Việt Nam thời điểm này là thiếu một quy trình xây dựng hình ảnh và triển khai kế hoạch truyền thông bài bản. Hàn Quốc là tấm gương cho nhiều quốc gia khi nói về nền công nghiệp văn hóa. Nền công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc khởi nguồn từ những nhóm nhạc thần tượng. Việt Nam đang từng bước tiếp cận với công nghiệp âm nhạc.
Tuy nhiên, muốn đạt được thành tích như vậy, cần có một chiến lược cụ thể và sự đầu tư đồng bộ của các đơn vị, kết hợp với nhà tài trợ tiềm năng. Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh khẳng định, có thể học các bước cơ bản từ Hàn Quốc nhưng phải cân nhắc, ứng dụng cho phù hợp với tình hình và điều kiện tại Việt Nam.