Các chuyên gia Anh lần đầu tiên phát hiện trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm tại vùng Nam Cực, làm dấy lên lo ngại virus độc lực cao này có thể là mối đe dọa đối với chim cánh cụt và các loài động vật nơi đây.
Cơ quan khảo sát Nam cực của Anh cho biết đã lấy các mẫu bệnh phẩm từ những con chim biển skua màu nâu sau khi chúng chết trên Đảo Bird ở Nam Gruzia, một lãnh thổ hải ngoại của Anh ở phía Đông mũi Nam Mỹ và phía Bắc vùng đất chính của Nam Cực.
Các mẫu bệnh phẩm được gửi tới Anh xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm.
Cơ quan này cho rằng nhiều khả năng nguồn gốc lây bệnh là các loài chim di cư trong hành trình trở về từ cuộc di cư tới Nam Mỹ - nơi đã ghi nhận lượng lớn chim nhiễm virus cúm gia cầm.
Các nhà khoa học lâu nay lo ngại nguy cơ bùng phát một đợt dịch cúm gia cầm có độc lực cao (HPAI) tồi tệ nhất trong lịch sử tại Nam Cực, nơi sinh sản chính của nhiều loài chim.
Kể từ giữa năm 2021, các đợt dịch bùng phát quy mô lớn bắt đầu lan rộng về phía Nam đến các khu vực chưa bị ảnh hưởng trước đây bao gồm Nam Mỹ, dẫn đến cái chết hàng loạt ở các loài chim hoang dã và hàng chục triệu gia cầm bị tiêu hủy.
Trường hợp cúm gia cầm ở người rất hiếm gặp, và những trường hợp mắc bệnh thường do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nhiễm virus.
Đầu tháng 10, Campuchia ghi nhận trường hợp bệnh nhi 2 tử vong do cúm gia cầm. Đây là ca tử vong thứ ba do cúm gia cầm ghi nhận tại nước này trong năm nay.
Việc virus được phát hiện ngày càng nhiều ở loài động vật có vú, làm dấy lên lo ngại rằng virus này có thể biến đổi thành một phiên bản dễ lây truyền từ người sang người hơn.