Làm sống lại dòng sông Nhuệ

Sông Nhuệ cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng nguồn nước đang bị suy giảm và ô nhiễm nghiêm trọng. Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc dẫn nước sông Hồng làm sạch sông Nhuệ, được kỳ vọng góp phần làm “sống” lại dòng sông.
0:00 / 0:00
0:00

Sông Nhuệ có nhiệm vụ tạo nguồn nước tưới cho khoảng 12.850ha sản xuất nông nghiệp của tám quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, theo đại diện Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Liên Mạc, nhiều năm nay, việc lấy nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ qua cống Liên Mạc rất khó khăn, nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm trước đến các tháng 1, 2, 3 của năm sau.

Nguyên nhân là do cống Liên Mạc được thiết kế lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ ở cao trình 3,77m, trong khi mực nước cao nhất tại các đợt điều tiết nước từ hồ thủy điện, mực nước sông Hồng, đoạn cống Liên Mạc thấp hơn khả năng lấy nước của cống.

Để cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, các đơn vị thủy nông phải lấy nước từ sông Đáy và nguồn cấp bổ sung từ các trạm bơm dã chiến, ảnh hưởng tiến độ sản xuất của người dân.

Đáng chú ý, do dòng sông thiếu nước và nhất là tình trạng xả rác thải bừa bãi, nước thải chưa qua xử lý từ nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề, hộ gia đình khiến dòng sông Nhuệ ô nhiễm nặng. Người dân sinh sống gần sông rất bức xúc.

Anh Nguyễn Tiến Hải, người dân xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì cho biết, mực nước sông Nhuệ rất thấp, dòng chảy yếu, như “dòng sông chết”. Nước sông thường xuyên đen xì, đặc quánh vào mùa khô, bốc mùi hôi thối khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân. Tại nhiều cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cử tri đã nhiều lần kiến nghị thành phố sớm cải tạo sông Nhuệ.

Kết quả quan trắc được Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tháng 8/2020 cũng chỉ rõ, sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội có bảy điểm cho chỉ số chất lượng nước (WQI) ở mức 10-25, tức là bị ô nhiễm nặng đến rất nặng. Hai điểm gồm cầu Tó, thuộc huyện Thanh Trì và Cự Đà, thuộc huyện Thanh Oai có mức ô nhiễm nặng nhất với chỉ số là 10.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, từ nhiều năm nay, sông Nhuệ ô nhiễm nặng, nguồn nước không đủ tiêu chuẩn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để từng bước làm sạch dòng sông, bổ sung nguồn nước tưới, đơn vị đã đề xuất giải pháp đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ để khắc phục tình trạng khô hạn hệ thống sông Nhuệ.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng vừa được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua chủ trương đầu tư.

Sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ ban hành quyết định giao cho Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng và kỹ thuật nông nghiệp thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư để thực hiện dự án.

Đây là dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi cho nên mục tiêu hàng đầu là phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp; đồng thời là công trình phòng chống lụt bão để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp tiêu thoát nước đô thị, cải thiện môi trường.

Theo các chuyên gia, nước sông Nhuệ có nhiều hóa chất, kim loại nặng. Việc dẫn nước sông Hồng vào sông Nhuệ chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông, góp phần thau rửa dòng sông, nâng cao chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Để sông Nhuệ sớm hồi sinh, thành phố Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi đổ trộm phế thải, rác thải, xây dựng công trình, lều lán gây ảnh hưởng đến dòng sông, đặc biệt, cần quản lý chặt chẽ việc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, nhất là từ cơ sở sản xuất, làng nghề; xử lý nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm; thường xuyên nạo vét, thu gom, di dời chất bẩn, bùn đất tồn đọng dưới lòng sông…