Làm móp cửa ô-tô, bất ngờ bị truy tố tội cố ý làm hư hỏng tài sản?

NDO -

NDĐT - Bức xúc vì bị gây gổ, gây khó dễ khi chở khách, anh Nguyễn Văn An có đưa chân lên đạp cánh cửa xe ôtô. Sau đó, anh An bị Cơ quan CSĐT Công an quận 12, TP Hồ Chí Minh khởi tố hình sự về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Dùng nước sôi khắc phục vết móp của xe ô-tô.
Dùng nước sôi khắc phục vết móp của xe ô-tô.

Xem xét thiệt hại trong hình sự phải tương xứng

Anh Nguyễn Văn An (39 tuổi, trú quận 12) làm nghề chạy xe khách nhưng do chạy xe ở bến không chính thức nên anh N.V.A. thường xuyên bị “giang hồ”, “bảo kê” ở đây gây sự.

Vào khoảng 8 giờ 30 phút, ngày 30-6-2017, sau khi nhận điện thoại của khách hàng gọi xe, anh Ngyễn Văn An đến cổng Công ty may Việt Hưng đón khách. Lúc này, anh Nguyễn Văn Sáng đang đậu xe ở đó liền chạy đến gây khó dễ và không cho anh Nguyễn Văn An đón khách.

Sau khi cự cãi, giữa hai bên xảy ra xô xát. Vì không muốn sự việc trầm trọng, anh Nguyễn Văn An đã bỏ lên xe về nhà. Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Sáng vẫn cố tình đuổi theo anh Nguyễn Văn An. Mặc dù anh Nguyễn Văn An đã xuống xe dùng tay vẫy ra tín hiệu yêu cầu anh Nguyễn Văn Sáng dừng xe để nói chuyện nhưng anh Sáng vẫn tiếp tục lao xe đến. Quá bức xúc, anh An dùng chân đạp vào cửa trước bên phải xe ô-tô của anh Sáng làm móp cửa xe.

Ngày 12-9-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12, TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can đối với anh An về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143 Bộ luật Hình sự.

Đến ngày 30-11-2017, Viện Kiểm sát nhân dân quận 12 đã ra Cáo trạng đối với anh An, truy tố về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định trên.

Đánh giá về việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 143 Bộ luật Hình sự, luật sư Trương Anh Tú (thuộc Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: “Trong trường hợp này, thiệt hại làm móp cánh cửa xe do anh An gây ra là quá nhỏ. Khi truy cứu trách nhiệm hình sự cần phải xem xét thiệt hại xảy ra có tương xứng với thiệt hại mà luật hình sự quy định không. Đối với Điều 143 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, theo đó làm hư hỏng tài sản là làm cho tài sản giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản, làm hư hỏng giá trị sử dụng của tài sản đó. Đối với tội này, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc phải có để cấu thành tội phạm. Tội này cũng không có giai đoạn phạm tội chưa đạt và chuẩn bị phạm tội.

Trong trường hợp này, cánh cửa ô-tô bị “móp”, nhưng giá trị sử dụng của cánh cửa ô-tô vẫn giữ nguyên, không bị mất đi hay giảm sút. Thiệt hại xảy ra là quá nhỏ. Chưa kể đối với cánh cửa xe ô-tô làm bằng hợp kim nhôm thì các vết móp, lõm nhẹ hoàn toàn có thể khắc phục lại trạng thái ban đầu bằng các phương pháp thủ công”.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, anh An và anh Sáng đã thương lượng, hòa giải với nhau. Phía anh An đã bồi thường cho anh Sáng số tiền 40 triệu đồng. Với mức bồi thường này đã cao hơn giá trị thiệt hại thực tế rất nhiều lần. Mặc dù thiệt hại của anh An gây ra là quá nhỏ, tuy nhiên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 vẫn khởi tố tội danh “Cố ý làm hư hỏng tài sản” đối với anh An liệu có “hợp tình hợp lý” không?

Một cái “bẫy” đã được giăng sẵn?

Sự việc anh An bị “giang hồ”, “bảo kê” quấy phá không phải là lần đầu xảy ra đối với gia đình anh An Trước đó, vào năm 2016, em trai của anh An là anh Nguyễn Văn Nam khi chạy xe khách ở đây cũng đã bị “giang hồ”, “bảo kê” hành hung, gây thương tích. Vì tự vệ, anh Nam đã dùng dao phòng vệ và bị khởi tố, xử lý hình sự. Tuy nhiên, các đối tượng trong nhóm “giang hồ” này lại không hề bị xử lý.

Không dừng ở đó, thời gian qua, các đối tượng trong nhóm “giang hồ”, “bảo kê” này vẫn tiếp tục gây khó dễ với anh An. Sau sự việc anh An bị khởi tố, anh Nam lại tiếp tục bị các đối tượng trong nhóm này quay trở lại hành hung, gây khó dễ trong quá trình làm việc.

Câu hỏi đặt ra, liệu đây có phải là một âm mưu, một cái bẫy chực chờ anh Nam “sơ sảy” giống anh trai mình để đẩy cả hai anh em cùng phải đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Vừa qua, sau khi có Cáo trạng của Viện trưởng Kiểm sát nhân dân quận 12 đối với việc truy tố anh An về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, ngày 5-12-2017, Tòa án nhân dân quận 12 đã nhanh chóng ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với anh An.

Các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có gái trị đảm bảo.”

Hành vi đạp vào cửa ô-tô của anh An không phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Xét hậu quả thực tế xảy ra lại quá nhỏ, nhất là khi anh An đã chủ động bồi thường một khoản tiền 40 triệu đồng. Việc khởi tố, truy tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn trên đối với hành vi của anh Nguyễn Văn An có hợp tình hợp lý?

Làm móp cửa ô-tô, bất ngờ bị truy tố tội cố ý làm hư hỏng tài sản? ảnh 1
Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác;

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.