Làm giàu từ cây cao-su

NDO -

Không chỉ phát triển bạt ngàn ở vùng Ðông Nam Bộ,Tây Nguyên, gần đây cây cao-su  được mở rộng diện tích tại các tỉnh ven biển miền trung, trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực, góp phần tích cực giúp người dân miền núi các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên... thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.

Công nhân Nông trường Ðức Phú vào mùa cạo mủ cao-su.
Công nhân Nông trường Ðức Phú vào mùa cạo mủ cao-su.

Cây "vàng trắng" giúp dân thoát nghèo

Về lại các xã vùng tây huyện Núi Thành những ngày đầu tháng 7, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của vùng đất này. Con đường từ quốc lộ 1A ngược lên các xã: Tam Thạnh, Tam Sơn, Tam Trà... mới ngày nào còn lởm chởm đá, giờ đã được đầu tư nâng cấp, xe chạy êm ru, hai bên đường, nhà ở mọc lên khang trang. Anh Kha - lái xe bảo: Trước đây, bà con thường gọi đây là con đường "đau khổ", nắng bụi, mưa bùn, đi lại rất khó khăn. Vào đầu những năm 2000, khi đưa cây cao-su vào trồng ở Nông trường Ðức Phú, Công ty TNHH MTV Cao-su Quảng Nam đã đầu tư nâng cấp tuyến đường này để phục vụ sản xuất. Khi hỏi về chuyện trồng cây cao-su, Giám đốc Nông trường Cao-su Ðức Phú Dương Phú Tân không trả lời ngay mà đưa chúng tôi đi một vòng qua những cánh rừng cao-su đang vươn bên những rừng keo cao vút. Mùa hè ở miền trung nắng là vậy, nhưng khi bước vào rừng cao-su cái nắng nóng như dịu hẳn.

Chỉ tay về phía mấy công nhân nữ đang cạo mủ cao-su, Giám đốc Tân khoe: Sau giải phóng nơi đây chủ yếu trồng chè, nhưng rồi thương hiệu "chè Ðức Phú" không được khách hàng ưa chuộng. Sau đó, nông trường chuyển sang trồng thơm (dứa), trồng sắn, bạch đàn... Dù đã nỗ lực chuyển đổi cây trồng nhưng việc làm ăn của nông trường cũng không khá lên được, đời sống công nhân thiếu ổn định. Ðến đầu năm 2001, khi nông trường chuyển sang trồng cây cao-su - loại cây được coi là "vàng trắng" thì cuộc sống của người lao động và nhân dân địa phương bắt đầu cải thiện nhanh chóng. Với 1.023 ha cao-su đã trồng (trong đó có hơn 560 ha được đưa vào khai thác) nông trường đã tạo việc làm cho gần 400 lao động, với thu nhập bình quân bốn triệu đồng người/tháng, cá biệt có những công nhân thu nhập  hơn chục triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Vinh quê tận Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào tỉnh Bình Dương làm nghề may túi xách, tình cờ gặp chàng trai xứ Quảng - Trần Quốc Tuấn. Vinh kể: Năm 2007, sau khi cưới nhau, hai vợ chồng kéo nhau về quê sinh sống. Lúc đó, gia đình nhà chồng cho miếng đất và được xã Tam Thạnh hỗ trợ 10 triệu đồng từ chương trình xóa nhà tạm nên làm được cái nhà để ở và làm ruộng. Cuộc sống những ngày mới lập gia đình đầy khó khăn, nhưng từ năm 2008, được nông trường cho nhận khoán chăm sóc cao-su đã bắt đầu khá lên. Những năm gần đây, với hơn ba ha nhận khoán, có tháng chị Vinh thu đến 10 triệu đồng và tháng thấp nhất cũng được 4,5 triệu đồng. Anh Tuấn, chồng chị nhận chăm sóc 2,85 ha, mỗi tháng thu được từ năm đến bảy triệu đồng. Nhờ thế, đến nay, ngoài việc trang trải hằng ngày, trả được tiền mượn làm nhà; mua sắm được ti-vi, máy giặt, tủ lạnh, xe máy... vợ chồng Vinh còn tích cóp gửi ngân hàng được vài chục triệu đồng. Ở thôn Ðức Phú (xã Tam Thạnh) còn có chị Phạm Thị Thủy có tháng thu nhập đến 12 triệu đồng từ việc nhận chăm sóc, cạo mủ cao-su. Không chỉ có vợ chồng chị Vinh, chị Thủy mà nhiều người dân ở các xã: Tam Thạnh, Tam Anh Nam, Tam Xuân 2, Tam Sơn... đã có nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo từ chăm sóc cây cao-su của nông trường. Chủ tịch UBND xã Tam Thạnh Phạm Thanh Bình cho biết: Từ khi đưa cây cao-su vào trồng, cuộc sống người dân ở địa phương đã thay đổi hẳn, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ gần 30% (năm 2010) xuống còn 20% và có nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.

Có dịp lên xã vùng cao Sơn Ðịnh (huyện Sơn Hòa) vào những ngày này, mới thấy hết sự đổi thay nơi đây. Trong mầu xanh trùng điệp của núi rừng, của bạt ngàn sắn, mía, hai bên đường ÐT 643 đã xuất hiện nhiều trang trại cao-su rộng hàng trăm ha. Sau một thời gian chuyển cơ cấu cây trồng vật nuôi, ngoài 550 ha mía, 150 ha sắn, toàn xã đã trồng được 460 ha cao-su; trong đó, có 187 ha được trồng theo dự án đa dạng hóa nông nghiệp của tỉnh. Chủ tịch UBND xã Sơn Ðịnh Nguyễn Thanh Tân cho biết: Nhiều hộ từ diện nghèo đói, sau nhiều năm đầu tư trồng cao-su đã trở thành tỷ phú. Ðiển hình như hai anh em ông Lê Ðức Hán, Lê Ðức Huệ (thôn Hòa Bình) mỗi năm thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng. Ðưa chúng tôi đi dạo trong vườn cao-su xanh tốt ngay sau nhà, ông Huệ tâm sự: Hai anh em ông quê ở tận huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vào xã Sơn Ðịnh lập nghiệp. Ban đầu làm công nhân Nông trường cà-phê Vân Hòa. Sau những năm 90 của thế kỷ trước, cây cà-phê mất giá, nông trường giải thể, hai anh em ông về lại quê nhà. Cảnh ruộng ít, con đông tại quê nhà thật khó thoát ra được cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Hai ông lại dắt nhau trở lại vùng đất này lập nghiệp. Ban đầu có ít vốn, hai ông đầu tư mua chung miếng đất, sau đó chia ra xây nhà tạm để ở. Từ người đi làm thuê, tích lũy dần qua từng năm, hai anh em ông đầu tư vào mua đất mở rộng sản xuất. Ðáng chú ý, từ khi dự án trồng cao-su tiểu điền do tỉnh Phú Yên triển khai, ông Huệ tập trung vốn sang trồng cây cao-su. Ðến nay, ông Huệ đã có hơn 10 ha cao-su đang cho thu hoạch, hàng chục ha rừng trồng và các loại cây ngắn ngày như sắn, mía... Mỗi năm gia đình ông có mức thu nhập từ 500 đến 800 triệu đồng. Ông Huệ khoe vừa mới mua thêm một máy xúc vài trăm triệu đồng để tiện việc làm hố trồng cao-su và mở đường vào khai thác rừng keo.

Vượt hơn 80 km đường từ TP Tuy Hòa đến thăm những trang trại trị giá bạc tỷ, rộng hàng trăm ha giữa vùng đồi núi mênh mông phía tây huyện Sông Hinh, chúng tôi bị choáng ngợp bởi mầu xanh bạt ngàn của những vườn cao-su đến tuổi khai thác. Ðiều đáng nói là những ông "chủ đồn điền" nắm trong tay bạc tỷ lại chính là những nông dân chân lấm tay bùn, là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số: Ê Ðê, Tày, Nùng, Dao... Tại Buôn Thứ, xã Ea Ba, chúng tôi gặp anh Ma Linh (người Ê Ðê, 36 tuổi) tại vườn cao-su mới trồng ba năm tuổi. Anh Linh bộc bạch: Mình có 1,4 sào đất, trước đây trồng cà-phê, nhưng thu hoạch bấp bênh, được huyện hỗ trợ cây giống và phân bón ban đầu, anh vay thêm từ nguồn ưu đãi chuyển đổi sang trồng cây cao-su. Hơn nữa thấy nhiều người đi trước trồng cao-su có thu nhập cao nên bà con chúng tôi làm theo, hơn nữa được Nhà nước tạo vốn, hướng dẫn cách làm nên bây giờ ai cũng thích trồng cây cao-su hơn việc phát rừng làm rẫy.

Phát triển cây cao-su bền vững

Trong vòng 10 năm qua, cây cao-su không chỉ được đưa vào trồng ở Quảng Nam, Phú Yên mà còn đang phát triển mạnh ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế với diện tích hàng chục nghìn ha. Riêng tại tỉnh Quảng Nam, diện tích cao-su đã lên đến gần 11 nghìn ha; tập trung chủ yếu tại các huyện Hiệp Ðức, Núi Thành và đang nhân rộng lên các huyện miền núi như: Nam Giang, Ðông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My... Theo  Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao-su Quảng Nam  Nguyễn Duy Phúc, qua hơn 15 năm trồng đã cho thấy cây cao-su thích nghi với thổ nhưỡng ở các huyện miền núi. Ðến nay, các dự án phát triển cây cao-su đã giải quyết việc làm cho hơn 4.500 lao động, với mức thu nhập ổn định hằng tháng từ 3 đến 4 triệu đồng/người. Nhờ đó, đã thu hút nhiều hộ gia đình và lao động địa phương tham gia trồng cây cao-su, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Tuy nhiên, hiện do chưa có quy hoạch tổng thể về phát triển cây cao-su trên địa bàn miền núi, nên các công ty còn lúng túng trong việc mở rộng diện tích cây cao-su đại điền.

Ðể phát triển cây cao-su một cách bền vững, tạo sự bứt phá trong việc giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo vươn lên làm giàu, mới đây, tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Công nghiệp Cao-su (CNCS) Việt Nam đã ký kết quy chế hợp tác. Theo đó, Tập đoàn sẽ tổ chức khảo sát để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, đặc biệt trong việc mở rộng diện tích cây cao-su. Về phía tỉnh sẽ ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn và các đơn vị thành viên đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh. Sắp tới, tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn CNCS Việt Nam tiến hành quy hoạch vùng phát triển cao-su, nghiên cứu giống cao-su phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, thông tin thị trường về tiêu thụ sản phẩm nhằm hạn chế rủi ro trong việc phát triển cây cao-su.

Trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2015, tỉnh Phú Yên quy hoạch diện tích cao-su gần 13 nghìn ha từ đất rừng nghèo, đất nương rẫy, đất trống chưa sử dụng, trong đó hơn bảy nghìn ha cao-su tiểu điền do hộ gia đình trồng, còn lại các doanh nghiệp đầu tư. Hiện, toàn tỉnh đã trồng được gần bốn nghìn ha. Ðể giúp người dân mở rộng diện tích, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư hai mô hình giảm nghèo bền vững bằng trồng cao-su tại hai xã Ea Bia và Ea Bá (huyện Sông Hinh) với tổng kinh phí 300 triệu đồng, chủ yếu dùng hỗ trợ 100% cây giống (theo định mức 600 cây/ha). Qua hai mô hình này, 30 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Ê Ðê đã trồng được 30 ha, đồng thời bà con được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến khai thác mủ.

Ðiều đáng nói là huyện Sông Hinh đã có nhiều cách làm mới trong đầu tư phát triển cây cao-su. Chính quyền địa phương thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình để giúp các hộ gia đình trồng cao-su. Toàn huyện hiện có hơn 2.700 ha cao-su (trong đó hơn 1.000 ha đã khai thác mủ) chủ yếu trồng tập trung ở các xã: Ea Bar, Ea Ly và EaTrol... Trong đó, Ea Ly là địa phương trồng cao-su nhiều nhất tỉnh, với diện tích 320 ha. Ông Bàn Nguyên Thành (dân tộc Dao, ở thôn Tân Bình xã Ea Ly) cho biết: Gia đình ông trồng năm ha cao-su, trong đó một nửa diện tích đã cho mủ và vừa qua thu hoạch gần 3,5 tấn mủ... Theo người dân ở đây, chu kỳ cây cao-su từ khi trồng đến khi khai thác mủ từ sáu đến bảy năm (trong ba năm đầu sẽ xen canh các loại cây ngắn ngày sắn, bắp, mè, đậu... nhằm lấy ngắn nuôi dài), đến kỳ khai thác,với năng suất 1,5 tấn mủ/ha thì mỗi hộ tham gia dự án thu nhập hằng năm khoảng 30 triệu đồng...

Chủ tịch UBND huyện Hiệp Ðức (Quảng Nam) Ðào Bội Thuyên khẳng định rằng, bây giờ, người dân ở các địa phương trong huyện đã thấy được lợi ích thiết thực từ cây cao-su. Ðiều nổi lên hiện nay, là doanh nghiệp có tiềm lực, nhưng đang thiếu đất; trong khi người dân có đất lại thiếu vốn... Thực tế cho thấy, đầu tư cho cây cao-su rất lớn, nếu tính giống và vật tư phân bón cho quá trình từ khi trồng đến khi bắt đầu khai thác phải cần khoảng 50 triệu đồng/ha; trong khi đó, người nông dân ở những vùng này thiếu vốn và việc tiếp cận vốn ngân hàng còn lắm nhiêu khê. Ðây là vấn đề đặt ra đòi hỏi Nhà nước, Tập đoàn CNCS Việt Nam và đơn vị liên quan cần quan tâm tìm hướng tháo gỡ. Và điều nữa làm cho nhiều người trồng cao-su tại các tỉnh: Quảng Nam, Phú Yên quan tâm là khâu chọn giống. Trước đây, do nhiều giống cây cao-su không thích hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, nên đã có hàng chục ha bị sâu bệnh phải chặt đi, trồng lại nhiều lần... gây thiệt hại lớn cho người dân.

Có thể nói, đến nay, cây cao-su đã tìm được chỗ đứng và đang ngày mở rộng diện tích tại khu vực các tỉnh ven biển miền trung. Thế nhưng, để phát triển bền vững, các địa phương cần khẩn trương rà soát, quy hoạch lại phát triển ba loại rừng, trên cơ sở đó sớm lập quy hoạch tổng thể phát triển cao-su trên từng địa phương nhằm tránh tình trạng phát triển ào ạt, gây tổn hại diện tích rừng và môi trường. Một trong những vấn đề đặt ra khi phát triển cao-su tại miền trung hiện nay là giống cây và đầu ra cho sản phẩm. Thiết nghĩ, để người nông dân yên tâm, đòi hỏi ngành nông nghiệp ở các địa phương và Tập đoàn CNCS Việt Nam cần có kế hoạch tư vấn giúp người dân trong khâu chọn giống, cách chăm bón, khai thác; đồng thời mạnh dạn ký cam kết cung ứng giống, vật tư phân bón và bao tiêu các sản phẩm từ cây cao-su.

Ðược biết mới đây, tỉnh Quảng Nam đã ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển một số cây trồng gắn với kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2013-2016. Theo đó, các hộ nông dân, chủ trang trại trồng mới cây cao-su tiểu điền (trong vùng quy hoạch) liền thửa từ 0,5 ha trở lên được hỗ trợ kinh phí để mua giống, với mức năm triệu đồng/ha và được hỗ trợ không quá hai ha/hộ. Ðồng thời, hỗ trợ lãi suất vay đối với cây cao-su tiểu điền, với mức hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng, tối đa không quá 7%/năm; thời gian hỗ trợ lãi suất vay 72 tháng cho một chu kỳ vay; mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 30 triệu đồng/ha và được hỗ trợ không quá hai ha cho mỗi hộ sản xuất...

                                                                                                                                                        Bài và ảnh: TẤN NGUYÊN, TRÌNH KẾ

Làm giàu từ cây cao-su ảnh 1

Cán bộ kỹ thuật Viện Nghiên cứu cao-su Việt Nam hướng dẫn công nhân Nông trường Ðức Phú ghép, nhân giống cây cao-su.