Lâm Đồng phát huy tiềm năng nuôi cá nước lạnh

Lâm Đồng có điều kiện tự nhiên phù hợp để nuôi cá nước lạnh, nhất là cá tầm. Cách đây gần 20 năm, Lâm Đồng xác định sản phẩm cá nước lạnh là bước đột phá kinh tế địa phương, với tham vọng trở thành trung tâm cá nước lạnh của Việt Nam và Đông Nam Á. Theo đánh giá mới đây của Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh nam Tây Nguyên này đã trở thành vùng phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh và lớn nhất cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình nuôi cá tầm “lồng trong ao đất” là hướng đi nhiều triển vọng tại Lâm Đồng.
Mô hình nuôi cá tầm “lồng trong ao đất” là hướng đi nhiều triển vọng tại Lâm Đồng.

Hiện tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục phát huy tiềm năng phát triển nghề nuôi cá nước lạnh, tạo sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Hiệu quả từ nuôi cá nước lạnh

Từ năm 2004, cá hồi vân và cá tầm được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I nhập khẩu trứng đã thụ tinh về nuôi thử nghiệm thành công tại Sa Pa, Lào Cai. Đến năm 2006, cá tầm được đưa vào Tây Nguyên nuôi thử nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng. Phó Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) Nguyễn Văn Hữu cho biết: “Đến nay, trong 5 loài cá tầm được nuôi tại Việt Nam thì 3 loài cá tầm (cá tầm Nga, Siberia, Sterlet) đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống tại Việt Nam và được ứng dụng vào thực tế sản xuất”.

Nằm cách trung tâm huyện không xa, bên dòng suối mát tại xã Rô Men, huyện Đam Rông, trang trại nuôi cá tầm của anh Huỳnh Ngọc Thu (44 tuổi, quê thành phố Vũng Tàu) là mô hình có tiếng ở vùng đất này. Trang trại rộng gần 13.000 m2, có mái che và hệ thống lọc nước; được chia làm bốn khu chính, gồm hệ thống bể lắng, xử lý nước; khu vực ương nuôi cá giống, khu nuôi cá thương phẩm và khu sản xuất thức ăn. Anh Thu cho biết, sau nhiều lần tìm hiểu, khảo sát nguồn nước, khí hậu, nhận thấy vùng đất Đam Rông rất phù hợp để nuôi cá nước lạnh, năm 2015, anh bàn với gia đình đến lập nghiệp ở nam Tây Nguyên. “Vùng đất này có nhiều suối mát, nguy cơ ô nhiễm rất thấp; nhiệt độ ổn định, trung bình khoảng 25 độ C, biên độ nhiệt thấp, là điều kiện lý tưởng cho loài cá nước lạnh sinh trưởng”, anh Thu chia sẻ.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, từ vài bể nuôi cá ban đầu, hiện trang trại của gia đình anh Thu đã mở rộng, với diện tích mặt nước bể nuôi khoảng 800 m2. Tính toán sơ bộ phần đầu tư cơ sở vật chất, bể nuôi cá, nguồn cá giống, thức ăn... chi phí đầu tư lên tới khoảng 40 tỷ đồng. “Vốn đầu tư cao, nhưng sản lượng cung ứng thị trường bình quân hằng năm khoảng 600 tấn cá, mang lại doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt một nửa và có thể thu hồi vốn trong vài năm”, anh Thu tính toán.

Cùng với xã Rô Men, vùng nuôi cá tầm còn tập trung tại 4 xã khác của huyện Đam Rông gồm Đạ M’Rông, Đạ Tông, Đạ Long, Liêng Srônh. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai cho biết, cá tầm có thị trường ổn định, giá bán bình quân từ 180-300 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập khá tốt cho người dân. Huyện định hướng phát triển đạt 50 ha mặt nước nuôi cá nước lạnh đến năm 2025, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tầm Đam Rông. “Nuôi cá tầm là mô hình giảm nghèo nhanh của địa phương trong vài năm gần đây. Hiện diện tích nuôi cá tầm của huyện đang đứng đầu Tây Nguyên”, ông Ha Hai cho biết.

Năm 2008, sau thời gian tìm hiểu, ông Vadim Kuznetsov, doanh nhân người Nga, đã đến với vùng núi rừng huyện Lạc Dương, lập ra trang trại cá hồi, cá tầm mang tên Thung Lũng Nắng với quy mô trang trại 8 ha; mỗi tháng cung ứng thị trường hơn 7 tấn cá thương phẩm và một lượng lớn trứng cá tầm (Caviar)… Ông Vadim Kuznetsov cho biết, nhiều địa phương tại Lâm Đồng rất phù hợp để nuôi cá nước lạnh, mang lại giá trị kinh tế cao. Muốn phát triển nghề nuôi cá này, cần bảo vệ rừng và nguồn nước tự nhiên thật tốt.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, thực tế cho thấy, nghề nuôi cá nước lạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu cho biết, hiện toàn tỉnh có 109 cơ sở nuôi cá nước lạnh, chủ yếu là cá tầm, với tổng diện tích khoảng 54 ha và 640 lồng, bè trên hồ thủy lợi, thủy điện; tập trung chủ yếu tại các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt.

Phát huy tiềm năng và lợi thế

Hiện Lâm Đồng có sản lượng cá nước lạnh (cá tầm) đạt hơn 2.300 tấn/năm, giá trị khoảng 450 tỷ đồng, đứng đầu cả nước. Hằng năm, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh sản xuất hơn 5 triệu con cá tầm giống phục vụ nhu cầu sản xuất tại địa phương và cung ứng cho một số tỉnh trong cả nước. “Việc tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh sản xuất tại Lâm Đồng tương đối thuận lợi, do đã hình thành liên kết chuỗi từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, cung ứng thức ăn và tổ chức thị trường tiêu thụ”, ông Nguyễn Văn Châu cho biết.

Xác định cá nước lạnh là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tỉnh Lâm Đồng tập trung nguồn lực đầu tư theo chiều sâu để hình thành chuỗi ngành hàng có giá trị tăng cao, đáp ứng năng lực cạnh tranh quốc tế. Do đó, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng cá nước lạnh theo quy định; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý và kỹ thuật để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cá nước lạnh và các doanh nghiệp chủ động trong nghiên cứu sản xuất con giống, kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh điều kiện tự nhiên để đầu tư, phát triển nghề nuôi cá nước lạnh.

Cùng với đó, tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất con giống cá nước lạnh có năng suất, chất lượng cao; tăng cường kiểm soát dịch bệnh và dự báo môi trường; phát triển, mở rộng diện tích và lồng nuôi tại các hồ chứa, đập thủy lợi; xây dựng vùng phát triển nuôi cá nước lạnh phù hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước, giảm tác động xấu đến môi trường, nhất là rừng tự nhiên…

Theo ông Nguyễn Văn Châu, thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng con giống cá nước lạnh và giám sát chất lượng vật tư đầu vào, môi trường, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm cá nước lạnh; phát triển cá nước lạnh theo hướng công nghiệp; ưu tiên đầu tư sản xuất ở những nơi có điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng thuận lợi, từng bước mở rộng sản xuất ở các vùng có tiềm năng; khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến, thân thiện với môi trường; quan tâm các chính sách về đầu tư, tín dụng phát triển cá nước lạnh và đẩy mạnh nghiên cứu, đánh giá nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng sản phẩm cá nước lạnh để chủ động trong sản xuất.

Nhãn hiệu “Cá nước lạnh Đà Lạt” đã được Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ và được cấp chứng nhận năm 2013. Cùng với sản phẩm rau, hoa, cà-phê, chè, tơ lụa..., cá nước lạnh trở thành sản phẩm nông nghiệp chính trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, toàn diện, hiện đại của tỉnh Lâm Đồng.