Kinh tế Đắk Nông khởi sắc

Sau bốn năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020-2025, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông duy trì tốc độ ổn định, quy mô và tiềm lực được nâng lên rõ rệt. Quy mô sản xuất công nghiệp có bước phát triển; bộ mặt nông thôn dần được đổi mới; nhiều dự án, công trình quan trọng được đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng.
Toàn cảnh Nhà máy Alumin Nhân Cơ.
Toàn cảnh Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Theo kết quả đánh giá thường kỳ trong thời gian từ năm 2021 đến tháng 6/2024, tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Đắk Nông đứng thứ hai khu vực Tây Nguyên; quy mô nền kinh tế ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, dự kiến đến năm 2025 đạt hơn

70 triệu đồng/người, tăng 103,38% so với giai đoạn 2016-2020. Kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện; từng bước phát triển nông thôn toàn diện; hạ tầng, sản xuất và đời sống dân cư nông thôn có chuyển biến tích cực. Đến nay, Đắk Nông có 40/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có năm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân mỗi xã đạt 16,8 tiêu chí. Giảm nghèo bền vững được thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, bình quân giai đoạn 2021-2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2% trở lên, riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 4% trở lên, cơ bản không còn hộ đói...

Tại Đại hội 12, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã xác định ba trụ cột của nền kinh tế gồm: Phát triển công nghiệp bôxít-alumin-nhôm, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; khai thác và phát triển tiềm năng du lịch. Đến nay, cả ba lĩnh vực đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Về phát triển công nghiệp bôxít-alumin-nhôm, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, tỉnh đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy triển khai hiệu quả các dự án trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa đối với kinh tế-xã hội của tỉnh, như: Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Điện phân nhôm Đắk Nông; đồng thời chú trọng thu hút đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió, phát triển sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Qua việc triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ, hoạt động sản xuất tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ thời gian qua được duy trì ổn định, mỗi năm đóng góp gần 400 tỷ đồng cho ngân sách địa phương, tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động; các vướng mắc của Nhà máy Điện phân nhôm dần được tháo gỡ. Nhiều tập đoàn lớn như: Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương, Công ty cổ phần Tập đoàn TH, Tập đoàn Công nghiệp than và Khoáng sản Việt Nam, Công ty cổ phần Wolfram Đắk Nông... đã khảo sát, nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án bôxít-alumin-nhôm và chế biến sâu các sản phẩm từ nhôm, các dự án năng lượng tái tạo, dự án khai thác, chế biến khoáng sản để triển khai các dự án ưu tiên theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiệu quả hoạt động của Nhà máy Alumin Nhân Cơ và việc thu hút đầu tư nhà máy luyện kim nhôm tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, các dự án bôxít đang từng bước đưa tỉnh Đắk Nông tiến tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bôxít-nhôm và sau nhôm của quốc gia.

Cũng trong giai đoạn này, Đắk Nông đã thu hút sáu dự án điện gió với tổng công suất 430 MW, trong đó Nhà máy điện gió Đắk Hòa (50 MW) đã vận hành thương mại; nhà máy điện gió còn lại đang triển khai xây dựng và thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng. Đến thời điểm hiện tại, các dự án điện gió đã đầu tư ở Đắk Nông hơn 8.400 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 50,9 tỷ đồng. Nếu cả sáu nhà máy điện gió vận hành thương mại sẽ đóng góp cho lưới điện khoảng 1,29 tỷ kWh và nộp ngân sách khoảng 200 tỷ đồng/năm.

Đối với ngành công nghiệp, các mặt hàng nông sản có lợi thế như chế biến cà-phê, hạt tiêu, điều, các sản phẩm từ cao su, ván MDF, sản phẩm alumin... có bước phát triển; giá trị sản xuất từng bước được tăng lên; dần hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo những mặt hàng có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó chiếm tỷ trọng cao và ổn định là Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Nhật Bản và một số thị trường mới (châu Phi, Trung Đông...).

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy lợi thế địa phương; chú trọng ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Giá trị sản xuất/1 ha canh tác ngày càng được nâng cao, dự kiến giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất đạt hơn 116 triệu đồng/ha, tăng 152% so với giai đoạn 2016-2020. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm chi phí sản xuất được đầu tư mạnh mẽ. Tỉnh đã thành lập một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 120 ha;

công nhận bốn vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 2.400 ha; định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh. Hiện toàn tỉnh có hơn 29.000 ha cây trồng các loại được tổ chức sản xuất có chứng nhận; 165 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; một chỉ dẫn địa lý “Hồ tiêu Đắk Nông”; 94 sản phẩm của 78 chủ thể với 96 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó 18 sản phẩm đạt 4 sao, 78 sản phẩm đạt 3 sao theo bộ tiêu chí OCOP quốc gia; hơn 100 sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử.

Khai thác và phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh Đắk Nông được chú trọng. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, các sản phẩm du lịch của tỉnh ngày càng đa dạng, cơ sở hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư. Trên cơ sở phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, các di sản và lễ hội văn hóa trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang tạo cho Đắk Nông sản phẩm du lịch thế mạnh. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, với giá trị đặc sắc về di sản địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học, góp phần quảng bá vùng đất, con người Đắk Nông hội nhập quốc tế, từng bước xây dựng, khẳng định vị thế, thương hiệu du lịch Đắk Nông. Các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến công tác trang trí, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, hàng hóa, nguồn nhân lực, trang thiết bị bảo đảm an ninh trật tự, y tế, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác vệ sinh môi trường, các khu, điểm du lịch tổ chức nhiều hoạt động phù hợp thị hiếu của du khách… Qua đó, thu hút được lượng lớn khách du lịch trong tỉnh và các tỉnh lân cận đến tham quan và trải nghiệm; doanh thu và số khách du lịch tăng bình quân 20%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

Để tạo động lực phát triển ba lĩnh vực trụ cột, Đắk Nông đã lựa chọn ba đột phá chiến lược: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là cải cách hành chính; xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực. Nhờ quyết liệt triển khai, đến nay, ba đột phá chiến lược đã đem lại hiệu quả rõ nét, thể hiện qua sự thăng hạng vượt bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) toàn quốc trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2022 tăng 14 bậc so với năm 2021, đứng thứ 38/63 tỉnh, thành phố và năm 2023 tăng 17 bậc so với năm 2022, đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố. Quy hoạch tỉnh Đắk Nông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với Quy hoạch vùng Tây Nguyên, làm cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời kỳ mới. Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 13/2024/QH15 ngày 28/6/2024 và được các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai dự án.

Trên tiến trình phát triển, Đắk Nông quyết tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn hiện nay…■