Đây là một trong những giải pháp quan trọng được đặt ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề: "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở Thủ đô Hà Nội hiện nay" do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 24/10.
PGS, TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho biết, hội nhập quốc tế, giao lưu, tiếp xúc văn hóa mang lại nhiều cơ hội để chúng ta tiếp thu những giá trị văn hóa tiến bộ, nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức khi các trào lưu văn hóa ngoại lai có thể gây ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa truyền thống và tư tưởng chính trị của đất nước.
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO để bảo tồn văn hoá và phát triển kinh tế-xã hội
Các sản phẩm văn chương, các quan điểm cực đoan, lệch lạc, cách tiếp cận phiến diện và mơ hồ theo phương thức “mưa dầm thấm lâu” rất dễ tác động tới nhận thức, tâm lý, tình cảm của người đọc. Nếu không đủ bản lĩnh, sáng suốt dễ rơi vào “bẫy” của các thế lực thù địch, phản động.
Do đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh này đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách quản lý của Nhà nước, sự sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân.
Tại hội thảo, ý kiến tham luận của một số chuyên gia, nhà khoa học cũng đã đặt ra những vấn đề mang tính lý luận để nhận diện tầm quan trọng của văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thủ đô; thể hiện sự kế thừa, tiếp thu một kho tàng di sản văn hóa vô cùng đồ sộ của văn hóa Thăng Long-Hà Nội suốt chiều dài hơn một nghìn năm lịch sử.
Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, GS, TS Phùng Hữu Phú (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương) cho rằng, Hà Nội phải tạo ra một môi trường thật sự dân chủ. Cùng với việc tăng cường đối thoại, chia sẻ với các văn nghệ sĩ, thành phố cũng cần quan tâm hơn tới việc bồi đắp văn hóa, tư tưởng cho thanh niên Thủ đô.
Nhấn mạnh, Hà Nội đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển đầy tự hào, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, Hà Nội có đầy đủ vị thế và sức mạnh để tập trung xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ Thủ đô xứng tầm, theo tinh thần đổi mới. “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo, nên lĩnh vực văn hóa của Thủ đô cũng đòi hỏi phải phát triển dựa trên tinh thần đổi mới sáng tạo vì lợi ích của Thủ đô, của người Hà Nội”, GS.TS Phùng Hữu Phú chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Văn hóa Thăng Long cho rằng, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cần có niềm tin vào truyền thống văn hóa của Thủ đô, của đất nước. Từ đó tạo cảm hứng để tạo nên những tác phẩm văn hóa nghệ thuật xứng tầm với thời đại.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo. |
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, Hà Nội có vai trò, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Việc giữ gìn an ninh văn hóa song hành với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng quan trọng nhất là “xây”. Cùng với việc tiếp tục kế thừa truyền thống ngàn năm văn hiến, thành phố cần có những việc làm, hành động cụ thể để văn hóa Hà Nội phát triển sinh động, hấp dẫn hơn. Quan trọng hơn là khơi dậy được niềm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của Thăng Long-Hà Nội, làm cho văn hóa hiện đại của Hà Nội trở nên sống động, tạo thêm sinh lực, niềm tự hào, sự tự tin cho Hà Nội.
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, tới đây, thành phố sẽ triển khai những công trình, dự án cụ thể để tạo điều kiện cho người dân hưởng thụ những giá trị văn hóa, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương trên toàn thành phố. Song hành với đó, thành phố cũng sẽ tăng cường đối thoại để có được sự sẻ chia, thấu hiểu với đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô.
Thành phố cũng sẽ xây dựng văn hóa trong học đường để định hình văn hóa cốt cách trong học sinh, sinh viên. Cùng với việc đưa nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh vào nhà trường, tới đây thành phố cần đưa các tác phẩm kinh điển vào nhà trường bằng hình thức sân khấu hóa, qua đó bồi đắp niềm tin, lòng tự hào của các em học sinh về truyền thống văn hóa của Thủ đô để thế hệ trẻ có thể tự tin bước ra thế giới.