Sau khi được vinh danh, cuốn sách này đã bị tiến sĩ Ðỗ Hải Ninh (Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học) có đơn khiếu nại xâm phạm bản quyền, cụ thể là sao chép hơn 40 đoạn, tương đương hơn 11.700 chữ, từ nhiều phần viết của bà trong đề tài cấp Bộ "Tiểu thuyết và tự truyện Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học" do chính tiến sĩ Vũ Thị Trang làm chủ nhiệm.
Tiếp theo đơn kiến nghị của tiến sĩ Ninh, dư luận lại phát hiện trong cuốn sách đó có nhiều đoạn tiến sĩ Trang sao chép từ tác phẩm "Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2011) của nhà phê bình văn học Ðỗ Lai Thúy. Việc liên tục phát hiện "lỗi sao chép" trong cuốn sách khiến nhiều người đặt câu hỏi, nếu tiếp tục đối chiếu, so sánh thì biết đâu sẽ tìm thấy những chứng cứ "đạo văn" nữa.
Lâu nay, chuyện xâm phạm bản quyền, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ ở nước ta đã trở nên khá phổ biến. Riêng trong lĩnh vực xuất bản, việc tùy tiện "khai thác thông tin trên mạng" để rồi sử dụng hình ảnh, tư liệu không xin phép, không đề tên tác giả, không trả nhuận bút đã khiến nhiều tác giả hết sức bức xúc. Nghiêm trọng hơn là sự copy nguyên xi hoặc một phần bài báo, bài thơ, kết quả nghiên cứu của người khác và đề tên tác giả của mình.
Với những hành vi cố tình xâm phạm bản quyền tác giả/tác phẩm thì cần phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho những người khác. Thế nhưng qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy hành vi này thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết Luật Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quy định về quyền tác giả, của nhiều cá nhân, tổ chức. Nhiều người hiểu lơ mơ hoặc không phân biệt được thế nào là đồng tác giả, quyền tác giả (bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản) hay chủ sở hữu quyền tác giả…
Với trường hợp sách chuyên khảo "Phê bình phân tâm học-Phía của những ám ảnh nghệ thuật", theo nhiều chuyên gia, căn cứ thông tin tiến sĩ Ðỗ Hải Ninh cung cấp, kết quả nghiên cứu của bà trong đề tài cấp Bộ có chủ sở hữu quyền tác giả (bao gồm quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm) là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhưng quyền nhân thân (bao gồm quyền đứng tên, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả) vẫn thuộc về tiến sĩ Ninh.
Việc sử dụng nghiên cứu của tiến sĩ Ninh nhưng không đề tên tác giả, tự ý sửa chữa khi không được bà cho phép là vi phạm quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Còn việc tác giả "Phê bình phân tâm học-Phía của những ám ảnh nghệ thuật" sử dụng nhiều đoạn trong tác phẩm "Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy" của ông Ðỗ Lai Thúy mà không chú thích nguồn thông tin cũng có vi phạm tương tự.
Từ câu chuyện này cho thấy, người viết sách và chủ sở hữu quyền tác giả cần phải trau dồi hiểu biết về quyền tác giả, tôn trọng quyền tác giả, tuyệt đối tuân thủ các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Ðặc biệt với những người làm công tác nghiên cứu, sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật thì ngoài khía cạnh pháp lý, đây còn là đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất trung thực, liêm chính khoa học và nhân cách của người cầm bút.
Ðến thời điểm này mới có Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra quyết định xử lý với tác giả cho thấy, các cơ quan quản lý khoa học, quản lý xuất bản, quản lý về bản quyền cần sâu sát hơn nữa trước những vụ việc tương tự, giải quyết dứt điểm, tránh để dây dưa kéo dài.
Hội Nhà văn Việt Nam tạm thu hồi 1 giải thưởng văn học năm 2021