Năm 2021, khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp và các cửa hàng truyền thống chịu nhiều thiệt hại, không thể mở cửa, sụt giảm doanh số. Riêng những doanh nghiệp đã đầu tư chuyển đổi số sớm vẫn có thể duy trì hoạt động làm việc từ xa hoặc có các kênh online đã nhanh chóng điều chỉnh mô hình kinh doanh để giữ doanh số, thậm chí tăng doanh thu. Từ đó, nhận thức về chuyển đổi số của doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã có chuyển biến rõ nét. Chẳng hạn như trong suốt đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Văn phòng Công ty cổ phần MISA vẫn tổ chức 700 nhân sự làm việc từ xa hiệu quả nhờ áp dụng nền tảng công nghệ “Quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA Amis”. Giải pháp MISA Amis giúp kết nối các phần mềm rời rạc như: quản lý kinh doanh, nhân sự, kế toán… thành một tổng thể gắn kết. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể quản lý được nhân sự và đánh giá được chính xác công việc của nhân viên. Ông Lê Hữu Nguyên, Giám đốc Văn phòng Công ty cổ phần MISA tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Với giải pháp này, doanh nghiệp đã thay đổi hẳn tư duy tổ chức làm việc, kể cả không bị giãn cách vẫn có thể cho nhân viên làm việc tại nhà. Cách làm này mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tuyển nhân sự mà không phụ thuộc vào địa lý xa, gần; doanh nghiệp tiết giảm nhiều chi phí văn phòng… Chính những ưu điểm đó, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến sản phẩm MISA Amis.
Theo dự báo của Google, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ tăng thêm 26 tỷ USD trong bốn năm tới. Còn theo báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” của AlphaBeta, công nghệ số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030. Tuy nhiên, tỷ lệ lớn trong kinh tế số tăng thêm là chuyển từ kinh tế truyền thống. Do đó, nếu chậm chuyển dịch, các doanh nghiệp truyền thống sẽ mất đi doanh thu này vào các doanh nghiệp chuyển đổi số sớm. Dự báo năm 2022, dịch Covid-19 với các biến thể mới vẫn là rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, giãn cách xã hội vẫn là yêu cầu quan trọng trong giai đoạn bình thường mới. Do đó, kinh tế số không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp duy trì hoạt động và mở rộng kinh doanh. Chị Tạ Hương Quỳnh - phụ trách mảng Giải pháp doanh nghiệp của Tập đoàn Appier tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Tập đoàn hiện đang cung cấp trọn bộ những phần mềm, công cụ máy tính giúp các doanh nghiệp lên kế hoạch, thi hành và đo lường hiệu quả dự án kinh doanh (giải pháp Marketing Technology). Trong đó, có giải pháp đề xuất sản phẩm (recommendation): giúp người dùng nhìn thấy đúng sản phẩm phù hợp giữa hàng nghìn sản phẩm trên mạng. Giải pháp AIXON giúp thu thập và làm giàu dữ liệu người dùng, phân tích tâm lý và phân khúc người dùng để cá nhân hóa hành trình trên toàn bộ các điểm chạm trên: Facebook, Google, website, app, email, sms, chat… Các giải pháp đã chứng minh thành công ở thị trường Việt Nam với tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng tăng gấp 2-3 lần so với trước. Chúng tôi kỳ vọng năm 2022 sẽ là một năm tăng tốc lựa chọn các giải pháp này của các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Trần Phúc Hồng, Phó Chủ tịch Liên minh Công nghệ số Việt Nam (VNITO), Giám đốc điều hành TMA-Innovation cho biết: Năm 2022, TP Hồ Chí Minh hội tụ các điều kiện “thiên thời-địa lợi-nhân hòa” để trở thành năm đột phá của chuyển đổi số. Đó là, nhận thức của các doanh nghiệp về chuyển đổi số đã có nhiều thay đổi sau mùa dịch. Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 75% số doanh nghiệp đã và đang ứng dụng các công nghệ số. Nhiều doanh nghiệp đang đưa các chương trình, chiến lược chuyển đổi vào kế hoạch đầu tư năm 2022. Bên cạnh đó, thành công của các doanh nghiệp tiên phong về chuyển đổi số đang là động lực lớn để các doanh nghiệp khác mạnh dạn đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh để phù hợp nền kinh tế số và tận dụng các cơ hội mới khi thị trường mở cửa. Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có những bước chuẩn bị bài bản như công bố: Chương trình chuyển đổi số của thành phố năm 2020, chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”. Để phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số và công nghệ số, TP Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số (DXCenter) do Công viên Phần mềm Quang Trung vận hành để làm cầu nối giữa các chuyên gia tư vấn, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ số với các doanh nghiệp để thúc đẩy áp dụng chuyển đổi số cho các ban, ngành và các lĩnh vực. Đồng thời, nhu cầu tăng đầu tư công trong những năm tới sẽ giúp TP Hồ Chí Minh có thêm nguồn lực để phát triển nền tảng công nghệ, xây dựng chính phủ số, đào tạo nhân lực, triển khai áp dụng công nghệ cho các ngành để tạo đột phá về chuyển đổi số cho thành phố. “Một thuận lợi lớn của TP Hồ Chí Minh là năng lực công nghệ với hàng nghìn doanh nghiệp công nghệ thông tin. Là trung tâm công nghệ hàng đầu của cả nước, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đang cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và chuyển đổi số cho khách hàng trong nước và quốc tế. Sau hơn 20 năm phát triển liên tục, ngành công nghệ thông tin của thành phố đã trưởng thành và có đủ năng lực để cung cấp các giải pháp công nghệ 4.0 và chuyển đổi số cho các ngành nghề tại Việt Nam”-ông Trần Phúc Hồng khẳng định.
Ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Kỹ thuật Ý tưởng tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức) cho rằng: “Qua đại dịch này, nhận thức về chuyển đổi số của các doanh nghiệp được nâng lên. Nhân cơ hội này, thành phố nên thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi số bằng các chính sách hỗ trợ đào tạo, tư vấn, hỗ trợ đầu tư phần mềm quản lý vì mục tiêu phát triển. Nếu chuyển đổi số tốt, tự động hóa tốt, chắc chắn năng suất lao động sẽ tăng lên giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”.