Ký ức về Ngày Độc lập

NDO -

Thời điểm cả nước đang hướng về Ngày Độc lập 2/9, chúng tôi đã may mắn được cùng lão thành cách mạng La Văn Tần, với bí danh Khôi Việt, đã 91 tuổi, 70 năm tuổi Đảng, trú tổ 11, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, kể lại giây phút huy hoàng của dân tộc cách đây 76 năm.

Những ngày này, ông La Văn Tần thường cùng vợ đọc lại những trang nhật ký về ngày Quốc khánh 2/9.
Những ngày này, ông La Văn Tần thường cùng vợ đọc lại những trang nhật ký về ngày Quốc khánh 2/9.

Cuối giờ chiều 31/8,  ông La Văn Tần đang ngồi cùng vợ ngoài phòng khách xem lại những trang nhật ký về ngày Quốc khánh 2/9/1945. Trong câu chuyện bên ấm trà nóng vừa pha đãi khách, được nghe ông kể về thời điểm mùa thu lịch sử năm 1945, chúng tôi cảm giác như mình đang chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của Ngày Độc lập.

Giọng kể chậm rãi, ông Tần nhớ lại “cơ duyên” để được về Hà Nội chứng kiến thời khắc lịch sử rợp màu cờ đỏ sao vàng: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Đến năm 1940, theo chị gái đã đi lấy chồng ở tận huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng để học tiếp cấp 2.

Ngày đó, có 1 cán bộ của ta với bí danh Tùng Hoa do bị Pháp truy đuổi đã lẩn trốn tại gia đình nhà chị gái. Khi đó, tôi mới 13 tuổi và đã được cán bộ này giác ngộ cách mạng, giới thiệu tham gia Đội Nhi đồng cứu quốc của huyện Hòa An, Cao Bằng, lấy bí danh là Khôi Việt.

Sau 2 năm tham gia Đội nhi đồng cứu quốc với những nhiệm vụ như: Đưa thư, canh gác hội nghị cán bộ chính trị... là đội viên năng nổ, nhiệt tình, nên tôi  được tín nhiệm, giới thiệu sang Tân Trào (Tuyên Quang) tham gia Đội giải phóng quân. Đội giải phóng quân tôi tham gia lúc bấy giờ có 30 người, ban ngày thì đi học, trên đường đi thì làm nhiệm vụ đưa thư, ban đêm thì tập luyện tự vệ để sau này góp phần cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945.

Câu chuyện của chúng tôi bỗng bị cắt ngang bởi chiếc điện thoại của ông đổ chuông… Nghe xong điện thoại, ông cười bảo: Cán bộ phường họ gọi thông báo mai sẽ có đoàn viên đến thăm nhân dịp Quốc khánh 2/9. Rồi ông kể tiếp: Ngày ấy, khi tôi đang tham gia luyện tập tự vệ cùng Đội giải phóng quân ở Tân Trào, được lệnh của lãnh đạo Ban liên lạc Cao Bắc Lạng lựa chọn cử sang tỉnh Yên Bái với nhiệm vụ vượt sông Hồng, bắt liên lạc với tù chính trị vượt ngục từ Nhà tù Nghĩa Lộ để đưa thông tin về chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

Đồng thời, sau đó di chuyển về huyện Lục Yên (Yên Bái) tuyên truyền, vận động giác ngộ nhân dân theo cách mạng, tổ chức vũ trang nhân dân, chuẩn bị đứng lên giành chính quyền…

Sau đó, đến ngày 16/8/1945, chúng tôi xuất quân ở gốc đa Tân Trào, trực tiếp được nghe Quân lệnh số 1 do chính ông Võ Nguyên Giáp đọc về nhiệm vụ tổng khởi nghĩa. Tôi nhớ lúc đó khoảng 2-3 giờ chiều. Vì buổi sáng là Đại hội quốc dân bế mạc và chiều hôm đó rất đông nhân dân cùng giải phóng quân đứng dưới gốc đa Tân Trào nghe ông Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số 1. Khi đó ông đội mũ phớt, mặc áo vét thường…

Vẫn chất giọng dễ gần và chậm rãi, ông La Văn Tần, nhớ lại: Thời điểm đến Thái Nguyên lúc đó quân Nhật đã đầu hàng ta và tập trung một chỗ không chịu giao nộp vũ khí. Do vậy, chúng tôi đã cùng các lực lượng vây giáp và vận động quân Nhật. Khi đang vây hãm quân Nhật thì được lệnh về Hà Nội hỗ trợ vì khởi nghĩa 19/8 đã thành công.

Ký ức về ngày Độc lập -0
 Ông La Văn Tần là người có uy tín trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở Sơn La.

Để đến được Hà Nội, chúng tôi phải chia nhỏ nhau ra để 4 người di chuyển trên 1 chiếc thuyền nan do lúc đó nước ngập cao. Thuyền do người dân địa phương điều khiển và đến Gia Lâm chúng tôi di chuyển hết lên bờ, tập kết luôn ở đó để cùng các lực lượng tập duyệt đội hình. Đến ngày 28/8, tôi được tham gia cùng các lực lượng tổng duyệt đội ngũ trước khu Nhà hát lớn Hà Nội.

Kể đến đây, bỗng giọng ông La Văn Tần hồ hởi, to hơn bình thường và đôi mắt như sáng hơn: Không khí ở Hà Nội lúc đó rất sôi động, người dân từ các vùng lân cận và các huyện ngoại thành nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình. Mọi ngả đường vào Hà Nội khi đó đều đông nghịt. Gương mặt ai cũng hồ hởi, mặc dù không phải là người thân nhưng ai cũng tay bắt mặt mừng.

Tôi nhớ, trời hôm đó rất nắng, Bác bước lên lễ đài với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Khi Bác vừa xuất hiện trước máy phóng thanh, thì cả quảng trường âm vang tiếng hô: Việt Nam độc lập! Cụ Hồ Chí Minh muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!

Và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang sảng cất tiếng đọc Tuyên ngôn độc lập thì cả biển người im phăng phắc lắng nghe: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...”.  

Đọc được một đoạn, Bác bỗng dừng lại, cất tiếng hỏi: Đồng bào nghe tôi nói có rõ không? Tiếng đáp lại liền ngay vang rền: Có! Có ạ! Câu hỏi của Bác trong thời khắc đó, chúng tôi cảm nhận được sự kết nối tâm hồn người lãnh tụ cao nhất của đất nước, với toàn thể đồng bào trở nên vô cùng gần gũi và thân thiết.  

Sau ngày giải phóng, ông La Văn Tần trở về tỉnh Yên Bái, rồi sau đó, chuyển về tỉnh Điện Biên công tác trong lực lượng biên phòng. Sau này, ông còn đảm nhiệm nhiều chức vụ khác trong quân dội, tòa án, tư pháp của tỉnh Sơn La. Đến năm 1985, ông nghỉ chế độ hưu trí. Ông La Văn Tần có 3 người con (1 trai, 2 gái) đều đã trưởng thành. Ông luôn giáo dục con, cháu giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng, sống xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

76 năm đã trôi qua, trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam đã không ngừng viết tiếp những chiến công chói lọi trong chiến đấu và trong xây dựng, phát triển. Thời gian dẫu trôi, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi vang vọng, là ký ức thiêng liêng trong mỗi người Việt Nam chúng ta và trong trái tim, khối óc của những thế hệ như ông La Văn Tần.