Ký ức làng - Bút ký của NGÔ QUANG VĂN

Không biết trời đất vần vũ chuyển mùa thế nào, chứ tôi nhớ vào thời gian này ngày xưa, ở quê tôi giêng hai rét như cắt da, cắt thịt. Có lẽ cái đói, cái rét nó cứ tồn tại song hành cùng nhau. Khi người ta cảm thấy đói lòng, thì da thịt cũng sẽ dễ bị rét hơn?...

Thời tôi còn cắp sách đến trường, mạ tôi là người chịu rét giỏi nhất nhà. Với chiếc áo mỏng sơ sài, không chỉ giêng hai mà suốt mùa đông, mạ tôi bao giờ cũng thức dậy từ bốn giờ sáng. Thời điểm đó là lúc người ta đang say sưa trong những lớp chăn ấm, muốn ra khỏi "tổ kén" của mình cũng là điều ái ngại. Ấy vậy mà mạ tôi lúc nào cũng thế, dậy rất đúng giờ. Mạ dậy, lấy lon sữa bò đong ít gạo, ít khoai trộn lẫn, vò sạch, bắc lên bếp lửa. Bao giờ cũng vậy, ấm nước chè khô, xoong cá nguội cũng được mạ để chung quanh bếp lửa để lấy nhiệt. Chín cơm, mạ bỏ nồi cá, ấm nước lên bếp để nấu cho nhanh theo thứ tự. Chỉ nhoáng nhoàng, mạ đã nấu chín tất cả cơm canh, nước uống cho gia đình.

Mạ lay gọi ba và anh trai tôi dậy đi biển. Mạ lay gọi tôi và em gái dậy đi học. Ba và anh trai tôi ăn vội lưng bát cơm khoai, mang vác lưới, câu về phía biển khi trời đất chưa tỏ mặt người. Tôi và đứa em gái dậy ăn vội bát cơm khoai đến lớp.

Dấu chân ba và anh trai tôi in hằn lên cát sau một đêm đông được phủ một lớp sương rét buốt, chạy về phía biển. Dấu chân tôi in hằn lên cát sau một đêm đông, chạy về phía ruộng. Ba và anh tôi đi biển bữa có bữa không, nhưng ngày nào cũng phải bám biển trừ lúc biển động.

Tuổi thơ tôi phải đến học ké trên làng kẻ ruộng, vì chỗ tôi không đủ học trò để mở lớp cấp hai. Lúc tôi xong hệ tiểu học, tôi phải vào Hưng Thủy - là xã trên vùng rộng, cách chỗ tôi đến 15 km phải đi qua những động cát cao lừng lững, cát bay mù trời khi vấp phải gió to. Sáng, mạ kêu tôi, ăn vội bát cơm độn, chạy một mạch đến lớp. Trước khi ra khỏi nhà, mạ không quên ủ cho tôi thật ấm bằng tấm ni-lông trùm kín đầu, gói một nắm cơm nóng hôi hổi qua hai lớp lá chuối xanh. Nóng quá! Chỉ một chốc lá chuối đã chuyển mầu nâu thẫm. Mạ bỏ nắm cơm vào cặp cho tôi, phòng khi học xong ra giữa động cát ngồi mà ăn, kẻo trẻ con xấu bụng đói... 

Sáng khoảng năm giờ ra khỏi nhà, lên vùng ruộng học lấy cái chữ xong, về đến nhà đã một hai giờ chiều. Cứ như thế, tuổi thơ tôi những ngày ấy cứ phải lầm lũi trên cát, trèo động cát, vượt động cát, chạy qua động cát mà cắp sách đến trường. Ba và anh tôi cứ sớm hôm quăng quật với biển. Mạ tôi cứ tất bật lo toan cho chồng, cho con khuya sớm mỗi ngày. Nhiều lần thấy mạ dậy, tôi cũng dậy theo. Nhìn mạ ngồi bó gối bên bếp lửa cháy hừng hực, tạo thành những vũ điệu, đôi mắt mạ sáng lên hy vọng, khuôn mặt mạ hồng hào nhưng không giấu nổi lo toan, gánh nặng gia đình. Tôi thấy thương mạ vô cùng. Mạ nói: "Hôm ni ba mi đi biển chắc là có cá nhiều rồi đấy". Tôi hỏi: "Răng mạ biết?".  Mạ nói: "Lả cười" (lửa cười). Lả cười là tín hiệu vui của gia đình tôi - mạ tôi quan niệm thế. Mạ kể: "Lúc mô nấu ăn mà thấy lả cười thì y như rằng ngày nớ có tin vui, không chỉ đi biển có cá, có mực nhiều, mà ai trong nhà làm việc chi cũng suôn sẻ, thành công hết". Và tôi đã tin điều đó. Tôi đã luôn mang theo mình kỷ niệm đó mỗi khi xa nhà. Và mỗi lần  vào bếp tôi thường xem hôm nay mình có được may mắn như mạ không, có thấy được vũ điệu huyền hoặc, đầy nghệ thuật của ngọn lửa gia đình mình không, có nhìn thấy được "lả cười" như mạ không để vui mừng báo với mọi người trong gia đình... Nhưng sao tôi tìm hoài chẳng thấy...

Bẵng đi thời gian dài tôi xa nhà để học cái chữ, cái nghề nên ít được mạ kêu mỗi sáng dậy ăn vội bát cơm khoai, chạy cố mạng vô trường không thì trễ lớp. Công việc cứ cuốn tôi đi suốt. Những việc trong nhà ngoài xóm mỗi dịp về quê mạ thường kể tỉ mỉ cho tôi. Mạ nói: "Năm ni làng mổ lợn cúng biển cầu ngư vô ngày mười bốn tháng hai âm lịch. Con về được, dự với bà con cho vui. Mấy năm trước đi học, làng miễn, nay làng ghi danh sách "suất đinh" của làng...".

Quê tôi là làng biển nghèo của đất miền trung. Những cồn cát chang chang nắng của Lệ Thủy, Quảng Bình nơi tôi sống đã đi vào thơ ca của bao thi sĩ. Quê tôi là địa phương đầu tiên của huyện Lệ Thủy này được công nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động đầu tiên. Ðó là: Trung đội dân quân du kích Tây Thôn (1966); Ðại đội nữ pháo binh Ngư Thủy (1970); Nhân dân và LLVTND xã Ngư Thủy (1964) mà nay là Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Bắc; Ðồn Biên phòng Ngư Thủy và Ngô Mốc - Anh hùng lao động. Chính vì thế lớp trẻ quê tôi luôn ý thức được truyền thống hào hùng của quê hương mình... Tôi hỏi mạ: "Rứa mấy năm khác làng có tổ chức cúng tế cầu ngư?" Mạ nói: "Có chớ, năm mô cũng cúng hết. Phong tục làng rứa mà, nó trở thành truyền thống rồi. Cúng để con cháu trai tráng trong làng ra khơi vào lộng được bình an. Cúng để cho làng xóm được bình an...".

Tối đó mạ muốn dắt tôi qua nhà anh trưởng thôn báo cáo, vì anh còn trẻ, làng tín nhiệm bầu làm thôn trưởng, năm ni xin cho tôi được về dự cùng làng. Tôi nói mạ không cần đâu, vì anh là chỗ tôi quen biết. Nhà chỉ cách nhau mấy ngõ, nhưng tôi ít khi đi theo đường chính, tôi thường hay đi tắt sang nhà anh như thói quen hồi còn trẻ nít. Làng tôi giờ khác xưa nhiều lắm. Xưa, nhà cách nhà bởi những bờ cát, đụn cát nhỏ - là ranh giới duy nhất. Còn nay thì những đụn cát, bờ cát ấy đã được người ta xúc, ủi và san lấp hết để đổ đường sỏi. Xe máy, xe đạp vào trong ra ngoài thông thương, vô tận sân tận ngõ mỗi nhà. Con trai, con gái sắm sanh xe máy. Kéo theo đó là quán cà-phê, giải khát. Ðó là nơi hẹn hò trò chuyện của con trai con gái, không như ngày xưa, chỉ biết kéo nhau ra bãi cát. Quán bi-a đầu làng với chiếc bàn tróc da đến nham nhở, đám thanh niên chơi cá cược với phần thưởng là chai rượu trắng, cãi nhau ỏm tỏi. Ðùi cơ mòn vẹt một bên, miếng lơ bôi cho kỳ hết mà vẫn còn tận dụng, đánh bi-a mà "tẹc cơ" hoài. Lão chủ quán thì không cần quan tâm lắm, nếu vô đánh cứ trả lão ba nghìn đồng một tiếng. Bàn, bi, lơ, cơ cứ thế mà sử dụng vô tư.

Làng tôi đã đổi thay thật rồi, chí ít là trong cách chơi của lớp trẻ. Trai gái hết mùa biển lặng, kéo nhau vào nam làm ăn. Tiền của kiếm được đưa về xây nhà, mua sắm đồ đạc, ti-vi, xe máy. Con trai để tóc dài như con gái... Không ít người sau nhiều năm bôn ba kiếm sống, nay về làng đầu tư vốn liếng sắm ngư lưới cụ hay mở trang trại làm ăn lớn. Nhiều người đầu tư tiền của để phát triển kinh doanh dịch vụ. Họ là những người đã biết vượt qua cát và vượt qua chính mình để vững bước đi lên. Nhiều người đã kết hợp khá nhuần nhuyễn và hiệu quả chủ trương Ðảng và Nhà nước về thực hiện các mô hình ngư - nông - lâm và dịch vụ kết hợp với thu nhập hàng năm lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Và điều quan trọng hơn cả là đã xuất hiện nhiều triệu phú trên vùng cát trắng ngàn đời cơ cực ấy...

Ngày nay, học trò con cái của làng không phải vất vả đến trường như hồi trước nữa. Người làng biển đã biết để đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Hàng chục con em của làng đã đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên cả nước. Có lẽ đó là niềm vui và hãnh diện nhất của làng.

Nhà anh trưởng thôn có nhiều cụ cao niên đến bàn việc cho lễ cầu ngư (cúng biển của làng). Chai rượu trắng đã vơi đi phân nửa. Lúc tôi đến, mọi bàn bạc dường đã xong. Mấy cụ bày tú lơ khơ ra đánh. Sau khi chào hỏi các cụ, tôi đến bên anh trưởng thôn bày tỏ. Anh bảo, chú năm ni cố gắng về dự cùng bà con cho vui vẻ, năm mô làng miềng cũng mần hết.

Nhớ hồi nhỏ, cứ vào dịp Rằm tháng Giêng là tôi lại theo ba bưng một ít bánh trái hoa quả về bàn thờ làng để cúng. Ngày đó việc tổ chức cúng biển không như bây giờ. Người làng biển quan niệm rằng: Thần biển thì có một, còn người biển thì ngàn người. Là những người kiếm tiền ở biển từ con cá con mực, song có những con cá được người làng biển thờ cúng như những vị thần linh hộ mệnh cho người làng biển, đó là cá ngài, cá ông, những con cá to vật vã, lên tới hàng tấn, không bao giờ hại người đi biển. Có con không may chết tấp vào bờ, người làng biển chôn chất, mồ mả đúng lễ nghi, phong tục nơi đây. Việc cầu ngư của người làng biển quê tôi còn có thêm nhiều ý nghĩa khác. Không chỉ cho trời yên biển lặng, mùa màng mắn may, đó là dịp để cho những oan hồn người đi biển không may bị sóng to gió lớn phải bỏ mạng nơi biển khơi, cuối cùng chọn làng tôi thành nơi neo đậu, được an ủi phần nào. Người trong làng bảo nhau mỗi khi có người chết từ biển dạt vào, biển trời vũ trụ bao la, vô mô nỏ được, nhưng người ta chọn đất làng mình, thì đó là điều hay. Cứ thế, cứ thế, người làng biển đã giang tay cứu giúp không biết bao nhiêu người xấu số... Ai cũng mong mình được bình an vô sự, làm biển khấm khá, quăng quật, an cư cùng biển thì cứ đến Rằm tháng Hai là tổ chức lễ cầu ngư. Các cụ cao niên của làng chỉ việc làm cho cái chung, tức là chỉ lo phần cao nhất. Ðĩa xôi, con gà, nải chuối, giấy vàng bạc, hương hoa, trà lá đặt lên bài vị. Còn con cháu trong làng, ai có thứ gì mang đến thứ đó, bày ra chiếu, để lễ vật lên và thắp hương khấn vái. Xong xuôi mỗi nhà góp một mâm mình mang đến để cùng làng chung vui, hưởng lộc...

Ngày nay, làng không tổ chức như vậy nữa. Cả làng quy tụ thành khối thống nhất. Nhà nào có đàn ông, con trai từ 18 tuổi trở lên được tính là "suất đinh" của làng, và mỗi suất đinh như vậy, vào ngày lễ đó ai cũng phải có mặt. Ban quản lý thôn, các cụ cao niên và trai tráng trong làng tập trung cùng chung tay lo lắng lễ tế. Con lợn trắng hơn 80 kg được các trai tráng khiêng về để ngoài sân kêu eng éc, trong chốc lát được các "ngư phủ" hóa phép để lễ tế. Lễ tế được bày ra bàn thờ làng ở phía chân động cát đi về phía biển. Ngoài thịt lợn còn có bánh trái, hoa quả, giấy nhang, vàng bạc, hoa tươi, rượu trắng, cơm nếp, nến đèn và cả cau trầu nữa. Cụ lớn tuổi nhất làng với bài tế lễ hơn ba trang giấy A4 được đọc dõng dạc sau khi lễ vật được bày ra: "...Cầu cho con cháu trong làng ăn ra mần đặng. Ra khơi vô lộng được cá tôm nhiều; cầu cho người làng vô nam, ra bắc bình an; cầu cho xóm làng đoàn kết hòa thuận, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như trong một nhà...". Chẳng biết lời khấn cầu của làng có ứng nghiệm hay không, nhưng tôi thấy xưa nay người làng tôi ít người chết vì nghề đi biển. Như cơn bão số 5 năm 1997 đổ bộ vào các tỉnh phía nam là nỗi đau không dễ gì nguôi ngoai, vì trong cơn bão ấy nhiều người chết quá, vậy mà người làng biển của tôi vào đó, dùng nghề đi biển làm kế sinh nhai, cũng ở vào vùng bão, nhưng không có ai ảnh hưởng gì, lành lặn, an toàn trở về. Làng chưa bao giờ có chuyện xích mích gây gổ đánh chửi nhau...

Hết tuần hương, các cụ cho hạ lễ. Những người có mặt chung quanh đều phải uống một chén rượu cúng để lấy may. Xong phần tế lễ, "suất đinh" của làng đều đến nhà thôn trưởng để liên hoan cầu lộc. Mâm bát bày ra, chén chú chén anh thỏa thuê no say, không ai phải ý tứ gì nữa. Chuyện nổ như bắp rang, vui vẻ, náo nhiệt. Lúc này mọi người mới thổ lộ tâm tình được mất trong một năm qua của mình, của người và của làng. Những dự định mới cũng được mọi người đưa ra bàn tán rôm rả... Tôi cứ ngồi nghe, thỉnh thoảng góp vui vài chén rượu. Cho đến lúc tàn cuộc, chếnh choáng trong hơi men...

Từ một miền quê nghèo khổ, khốn khó, nay làng tôi đã và đang trở mình, vươn vai đứng dậy, bước đi cùng với luồng sinh khí đổi mới của quê hương đất nước. Trong cuộc đổi thay đó, làng tôi cũng trải bao được mất. Song điều tôi cảm nhận được là có những điều mà mãi mãi không thể mất, không thể cũ và không thể đổi thay. Người làng tôi dù đi đến muôn phương cũng luôn đau đáu về làng với ký ức xa xăm, mơ hồ mà hiện hữu, bởi ở đó con người ta như tìm lại được chính mình.