Sống lại những cung bậc cảm xúc
Ngạc nhiên là cảm giác chung của mọi người khi đến với Hoàng thành Thăng Long trong khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Hà Nội đã có nhiều chương trình để tìm lại quá khứ, của những phố nghề, làng nghề, tìm về những nét văn hóa truyền thống xưa, nhưng chưa từng có một chương trình nào bao quát nhiều mảng lĩnh vực thuộc về ký ức như "Ký ức Hà Nội" do Sở Du lịch phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức. Không gian phố cổ được tái hiện sinh động, với Ô Quan Chưởng, với những mô hình nếp nhà mái ngói lô xô, sinh động không khác gì những ngôi nhà thực. Ở đó, có phố Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Giầy… hay Thuốc Bắc… Những gian hàng giới thiệu chính những mặt hàng của các nghệ nhân phố cổ. Đó là hàng hoa lụa của nghệ nhân Mai Hạnh, đồ đúc đồng của nghệ nhân Lê Khang… Gợi nét hoài cổ không kém là những gian hàng trong "Phiên chợ đồ xưa". Nhiều chủng loại hiện vật có tuổi đời lâu năm, nhưng chủ yếu nhất là những món đồ thời bao cấp. Đó là những chiếc đèn măng-xông từng phổ biến trong mọi gia đình. Đó là chiếc cặp lồng cơm gợi nhớ một thời khốn khó. Đó là chiếc quạt con cóc, quạt tai voi - những món đồ “gia bảo” cách đây hơn 30 năm trước. Bác Nguyễn Thị Minh cùng con trai đứng ngắm một gian hàng mà nét mặt bâng khuâng. Bác cho biết: "Khi ngắm những đồ dùng sinh hoạt giản dị này mà tôi muốn rơi nước mắt. Thời gian ấy chứa biết bao kỷ niệm vui, buồn". Được ưu ái xếp ở trung tâm là mô hình những toa tàu điện - đặc trưng của Hà Nội một thuở. Chỉ nói đến tàu điện, mà ký ức của người Hà Nội xưa đã sống dậy. Những toa tàu điện được biến thành sân khấu hát xẩm càng thu hút mọi người, từ già đến trẻ. Mỗi khi màn biểu diễn dừng lại, khách tham quan lại tranh nhau chụp ảnh với những toa tàu điện, điều mà rất hiếm khi có dịp. Hình ảnh làng lúa, làng hoa của Hà thành xưa cũng được tái hiện trong một không gian sắp đặt tạo nên một điểm nhấn sắc màu cho tổng thể chương trình.
Người cao tuổi dừng chân rất lâu với những nghề cổ, đồ xưa, nếp cũ, âm nhạc dân gian. Người mê ẩm thực đến với những món ăn truyền thống, quán bia phong cách mậu dịch thời bao cấp… Ban Tổ chức có phần ưu ái giới trẻ, khi dành hẳn một không gian "Ký ức tuổi thơ", nơi các bạn thỏa sức khám phá những điều "mới mẻ" như trò chơi ô ăn quan, vẽ mặt nạ, làm đồ chơi truyền thống... Em Nguyễn Thanh Tú, đến từ phố Minh Khai phấn khởi cho biết: "Em chỉ được xem một số trò chơi truyền thống trên ti-vi. Hôm nay được các anh chị dạy chơi đánh chuyền, tập làm các con giống bằng lá dừa, em thấy rất thú vị". Dù ở những lứa tuổi nào, thành phần nào, mỗi người đều tìm thấy những góc riêng của mình trong "Ký ức Hà Nội". Lạ mà quen, quen mà lạ. Rất nhiều người đã phát biểu cảm nghĩ như thế khi đến với chương trình. Hơn bất cứ lúc nào, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là khi mỗi người hay nhìn lại những gì đã qua. "Ký ức Hà Nội" thật sự là món quà ý nghĩa với mỗi người trong dịp đón năm mới. Qua những hoạt động này, những nét đẹp của văn hóa Hà Nội được quảng bá rộng rãi.
Thương hiệu văn hóa du lịch
Với kho tàng văn hóa đồ sộ, từ di tích, di sản cho đến làng nghề, phố nghề..., từ lâu, du lịch Hà Nội đã được "định vị" thế mạnh là du lịch văn hóa, du lịch di sản. Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Vấn đề lớn nhất đối với Hà Nội là "giữ chân" khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng, khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch sẽ trở nên quyết liệt hơn khi việc đi lại trong khối trở nên dễ dàng hơn. Du lịch Hà Nội cần những bước đổi mới để thích ứng, hấp dẫn khách du lịch và "Ký ức Hà Nội" chính là một sản phẩm du lịch mới của Hà Nội để đáp ứng đòi hỏi này.
Có thể nói, việc tổ chức chương trình "Ký ức Hà Nội" tại quảng trường Đoan Môn - Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long từ ngày 30-12-2015 đến 4-1-2016 đem lại thắng lợi "kép". Khách tham quan tìm đến những ký ức xưa, đồng thời, sẽ khám phá những giá trị của Hoàng thành Thăng Long. Không những thế, những gì được giới thiệu tại chương trình mang tính gợi mở, thúc giục mỗi người tìm hiểu sâu hơn về phố nghề, làng nghề truyền thống, những nét văn hóa cổ truyền... thông qua các tua du lịch. Trong những ngày đầu mở cửa, không chỉ khách Việt Nam, nhiều khách du lịch nước ngoài cũng đến để trải nghiệm văn hóa truyền thống Hà Nội trong không gian đặc biệt này. Từ thành công bước đầu này, có thể thấy, nếu được tổ chức thường niên, "Ký ức Hà Nội" sẽ góp phần tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Thủ đô trong những năm tới.