Sinh ra và lớn lên ở số nhà 44 phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), trong một gia đình có truyền thống yêu nước, có anh trai tham gia cách mạng từ năm 1936, chàng trai trẻ Phạm Đức Vượng được giác ngộ cách mạng từ sớm. Năm 1945, khi vừa tròn 17 tuổi, anh Vượng tham gia phong trào Thanh niên Cứu quốc. Với sự gan dạ, nhanh nhẹn, anh được giao nhiệm vụ cảnh giới cho các buổi tuyên truyền của các anh, các chị, đưa tài liệu, chở giấy in, mực in đến xưởng in Báo Độc Lập ở Hà Nam. Trong số những nhiệm vụ được giao, có một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là viết truyền đơn, rải truyền đơn. Việc viết và rải truyền đơn đều được thực hiện bí mật vào buổi tối, với những khẩu hiệu như : "Đả đảo đế quốc Pháp", "Đả đảo phát-xít Nhật", "Đồng bào, nhân dân nên ủng hộ, giúp đỡ Mặt trận Việt Minh giành chính quyền"... Sau khi viết xong, anh đảm nhận việc rải truyền đơn, dán truyền đơn chung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Da, nhà Trí Đức, rạp chiếu bóng, ga tàu điện... Đây là một công việc cực kỳ nguy hiểm. Nhưng lúc đó, anh Vượng không nghĩ nhiều đến tính mạng của mình, chỉ khát khao được góp công sức nhỏ bé của mình đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Anh luôn tin vào chiến thắng của cách mạng. Cũng có lần anh đang dán truyền đơn thì một chiếc xích-lô chở tên lính Nhật xịch đến. Rất may là tên lính bị say rượu và người chở xích-lô dừng lại để hỏi thăm đường. Lần thì anh bị địch khám khi đang chuyển tài liệu, nhưng do đã dự trù trước mọi tình huống, cho nên tài liệu đã được anh cất giấu ở nơi kín đáo, địch không tìm thấy được...
Đã 69 năm trôi qua kể từ mùa thu cách mạng năm 1945, năm nay ông Vượng đã 86 tuổi, nhưng ký ức về những ngày tháng lịch sử đó vẫn nguyên vẹn, sống động trong tâm trí ông. Hôm ấy, ông dậy thật sớm, hòa vào biển người ở Nhà hát Lớn, rồi đi tuần hành ở các con phố đến tối mịt mới về đến nhà. Đến bây giờ, khi kể lại câu chuyện, giọng ông vẫn nghẹn ngào xúc động. Dường như, trước mắt ông vẫn sâu đậm hình ảnh cả biển người sục sôi khí thế cách mạng và lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Lời kêu gọi khởi nghĩa của Đảng được quần chúng đón mừng bằng những tiếng reo hò và những khẩu hiệu "Thành lập chính phủ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn độc lập!" hô vang khắp quảng trường. Ông kể, lúc ấy trong ông có cảm giác lâng lâng thật khó tả. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khi từ kiếp nô lệ trở thành những người chủ của đất nước tự do, độc lập. Cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng với ông, có một điều quan trọng mà mọi người dân Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn phải mang trong mình đó là niềm tin vào chiến thắng, vào công lý.
Và niềm tin ấy đã nâng bước, đi theo ông suốt cả chặng đường về sau. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử đi học lớp Quân chính, rồi đi học ở Liên Xô, tham gia chiến đấu ở chiến trường tây nam... Trải qua nhiều vị trí công tác tại Tổng cục Chính trị, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng..., ở cương vị nào ông cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người đảng viên kiên trung, hết lòng đi theo Đảng.