Kỳ tích phát triển công nghiệp ở Bàu Bàng

Huyện Bàu Bàng nằm phía bắc tỉnh Bình Dương được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 1/4/2014 theo Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ. Từ một huyện thuần nông, qua 10 năm phát triển với các khu công nghiệp làm đòn bẩy, huyện Bàu Bàng đã tạo ra những kỳ tích thúc đẩy kinh tế-xã hội, giúp địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn trong thu hút đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc trung tâm huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
Một góc trung tâm huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Công nghiệp đơm hoa trên vùng đất mới

Xuất phát điểm là huyện thuần nông, khi mới thành lập và đi vào hoạt động năm 2014, huyện Bàu Bàng chỉ có Khu công nghiệp Bàu Bàng do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư. Từ chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc của tỉnh Bình Dương, huyện Bàu Bàng đã nhanh chóng bắt nhịp phát triển công nghiệp với nền tảng xây dựng các khu công nghiệp tạo lực đột phá. Năm 2016, Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng tiếp tục ra đời nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp-đô thị và dịch vụ. Nhờ vậy, diện tích quy hoạch khu công nghiệp tại huyện

Bàu Bàng từ 1.000 ha ban đầu đến nay đã nâng lên khoảng 2.000 ha; trong đó Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng 893 ha và một phần Khu công nghiệp Tân Bình 95 ha. Cũng trên địa bàn huyện, Khu công nghiệp Cây Trường 700 ha do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5.000; Khu công nghiệp Lai Hưng 600 ha đang chuẩn bị các bước để triển khai thực hiện. Các khu công nghiệp này đi vào hoạt động sẽ nâng diện tích đất công nghiệp của huyện lên 3.300 ha.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC chia sẻ, với các khu công nghiệp do tổng công ty đầu tư nói chung và các khu công nghiệp tại Bàu Bàng nói riêng đang được phát triển theo mô hình khu công nghiệp thế hệ mới, ngoài việc cung cấp đầy đủ các hạ tầng dịch vụ, kỹ thuật và xã hội, các khu công nghiệp được mở rộng về hiệu quả và tính bền vững thông qua cải tiến mô hình quản trị, vận hành khu công nghiệp để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư.

Các khu công nghiệp này cũng trở nên thông minh hơn, như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhằm gia tăng năng suất lao động.

Với định hướng phát triển bền vững bằng việc liên tục thay đổi để đón đầu xu thế mới, hệ sinh thái mới thúc đẩy đầu tư công nghệ cao được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển đổi mô hình khu công nghiệp hiện tại thành các khu công nghiệp thông minh và xanh hơn, hướng đến phát triển mô hình khu công nghiệp khoa học công nghệ, Tổng công ty Becamex IDC đang từng bước tạo cho huyện Bàu Bàng nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung có một nền tảng vững chắc về khoa học, làm chủ và tạo ra các công cụ sản xuất mới dựa trên khoa học kỹ thuật, chuẩn bị đón đầu các thách thức và cơ hội mới trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của công nghiệp 4.0.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, các khu công nghiệp tại huyện Bàu Bàng có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, liền kề các trục giao thông quan trọng như Quốc lộ 13, đường tạo lực Tân Vạn-Mỹ Phước-Bàu Bàng..., đã kết nối hoàn chỉnh, thông suốt đến Thành phố Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Long An, các tỉnh lân cận và Tây Nguyên.

Nhờ vậy, các khu công nghiệp này thu hút đầu tư rất hiệu quả, nhất là những dự án lớn như: Tập đoàn Kalon Industries (Hàn Quốc) đầu tư dự án sản xuất sợi lốp ô-tô 220 triệu USD; Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (Hàn Quốc) đầu tư hơn 179 triệu USD sản xuất các loại sợi và vải; Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam (Ðài Loan, Trung Quốc) đầu tư chuỗi liên hợp hóa sợi-dệt-nhuộm với vốn hơn 274 triệu USD...

Thành quả sau 10 năm

Thời gian qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, tác động từ các khu công nghiệp ở Bàu Bàng đã giúp thu hút đầu tư vào huyện rất hiệu quả, đưa kinh tế của huyện phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, gắn với đô thị hóa, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Trong 10 năm qua từ 2014-2023, huyện Bàu Bàng đã thu hút 199 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới với tổng số vốn đầu tư 3,99 tỷ USD và 1.044 dự án đầu tư trong nước đăng ký mới với tổng vốn đăng ký 18.073 tỷ đồng. Kết quả này đã nâng tổng số dự án trên địa bàn huyện đến nay lên 1.463 dự án, trong đó có 1.214 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 32.535 tỷ đồng và 249 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 4,54 tỷ USD.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng, hiệu quả từ các khu công nghiệp đã kéo theo sự phát triển về đô thị, thương mại, dịch vụ, giúp người dân có điều kiện hơn trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, trong 10 năm qua, kinh tế huyện Bàu Bàng luôn có mức tăng trưởng bình quân hằng năm 18,84%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 4,72 lần, từ 7.479 tỷ đồng năm 2014 lên 35.361 tỷ đồng năm 2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng bình quân hằng năm 23,88%, từ 1.437 tỷ đồng năm 2014 lên 9.878 tỷ đồng năm 2023, tăng 6,87 lần; thu hút đầu tư nước ngoài từ 50 dự án có vốn đầu tư hơn 730 triệu USD tăng lên 249 dự án với vốn 4,54 tỷ USD; đầu tư trong nước từ 170 dự án có vốn đầu tư 14.460 tỷ đồng đã tăng lên 1.214 dự án với vốn đầu tư hơn 32.535 tỷ đồng; thu ngân sách trong giai đoạn 10 năm 2014-2023 tăng bình quân hằng năm 15,55%, riêng thu ngân sách năm 2023 đạt 1.539,3 tỷ đồng, tăng 3,17 lần so với năm 2014.

Sự phát triển kinh tế đã đưa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao rõ rệt, đến nay huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương, số hộ nghèo theo chuẩn nghèo nâng cao của tỉnh chỉ còn 174 hộ, chiếm tỷ lệ 0,81%.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng Võ Thành Giàu cho biết, thành công trong quá trình phát triển của huyện Bàu Bàng là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, chủ động, sáng tạo, tập trung phát huy tốt mọi tiềm năng, lợi thế của huyện nhằm xây dựng địa phương phát triển nhanh.

Tại địa phương, nhiều mô hình được thực thi rất hiệu quả, nổi bật như mô hình “Gần dân, sát dân để giúp dân”. Với mô hình này, hằng tháng, mỗi cán bộ lãnh đạo của huyện, xã tự sắp xếp hai ngày gặp gỡ, tiếp xúc với người dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết kịp thời, thấu đáo hoặc kiến nghị lên cấp trên giải quyết những vấn đề bức xúc, quan tâm của người dân.