Đồng thời, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (Khu Bảo tồn Đồng Nai) cũng đã thi hành kỷ luật hai trường hợp cán bộ khác liên quan thuộc thẩm quyền.
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt chính quyền đối với ông Trần Văn Mùi, nguyên Giám đốc Khu Bảo tồn Đồng Nai (nghỉ hưu từ 1-3-2020).
Thời điểm xảy ra vụ việc, với vai trò là Giám đốc Khu Bảo tồn Đồng Nai, ông Mùi chỉ đạo cho cán bộ dưới cấp đốn hạ cây rừng làm đề tài Nghiên cứu bảo tồn gien cây thuốc đặc hữu, quý hiếm vùng Đông Nam Bộ.
Qua thanh tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai xác định, không có hồ sơ tài liệu nào thể hiện có sự bàn bạc, thống nhất trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Khu Bảo tồn Đồng Nai để tác động vào thửa 151a, khu đồi 90, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Do đó, xảy ra việc đốn hạ cây rừng liên quan đến trách nhiệm chính của ông Mùi.
Cùng với xử lý kỷ luật, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt ông Mùi số tiền 150 triệu đồng và yêu cầu khắc phục hậu quả gây ra thiệt hại rừng bằng việc bỏ tiền trồng lại khu rừng bị đốn hạ với diện tích hơn 4.200 m2.
Cùng liên quan đến vụ việc này, chiều 10-7, một lãnh đạo Khu Bảo tồn Đồng Nai xác nhận với phóng viên Nhân Dân điện tử đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Thái Ngô Đức, Phó Hạt trưởng Kiểm lâm Khu Bảo tồn Đồng Nai và kỷ luật hình thức khiển trách đối với ông Hồ Thái Nguyên, nguyên Trưởng trạm Kiểm lâm cơ động Khu Bảo tồn Đồng Nai.
Hiện, cả hai trường hợp này cũng đã bị thi hành kỷ luật về Đảng với hình thức tương tự.
Trước đó, Nhân Dân điện tử đã đăng bài điều tra chuyện “động trời” tại Đồng Nai: Đơn vị bảo tồn rừng lại đi phá rừng?, phản ánh hàng chục cây rừng tự nhiên bị chặt tại khu vực đồi 90, ấp 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, thuộc quản lý của Khu Bảo tồn Đồng Nai.
Điều đáng nói, đơn vị có chủ trương thực hiện việc này chính là Ban Giám đốc Khu bảo tồn, lấy cớ dọn cây bụi, dây leo, cây tái sinh để thực hiện đề tài trồng thí nghiệm cây dược liệu, khiến dư luận bất bình.
Sau đó, các cơ quan liên quan vào cuộc xác định có 91 cây rừng bị đốn hạ, trong đó, có 90 cây có gốc đường kính từ 10 đến 40 cm. Diện tích rừng bị phá trên diện tích 4.200 m2, nhưng loại cây bị đốn hạ không thuộc loài nguy cấp, quý hiếm mà hiện trạng là rừng tự nhiên nghèo thuộc loại rừng sản xuất.
Quá trình thanh tra, Khu Bảo tồn giải thích, việc phát dọn cây để kịp tiến độ thực hiện đề tài khoa học đã được phê duyệt, nhưng đây không phải là cơ sở để chặt cây rừng ở thửa đất trên khi chưa được đơn vị có thẩm quyền cho phép.