Hạ tầng cung ứng nguồn nước thiếu đồng bộ
Các tỉnh duyên hải miền trung gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa có 13.200 km kênh mương và gần 400 hồ chứa thủy lợi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Các khu kinh tế, khu công nghiệp chưa có cơ sở hạ tầng, hệ thống cấp, thoát nước độc lập, chuyên biệt; hệ thống xử lý, cung cấp nước thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Kênh thủy lợi B7 Thạch Nham, tỉnh Quảng Ngãi có chiều dài 15,3 km phục vụ nước tưới cho nông nghiệp, công nghiệp. Do xuống cấp, hư hỏng nên lưu lượng nước đầu tuyến kênh khoảng 109,5 triệu m3 nhưng đến điểm cuối kênh chỉ còn 36,5 triệu m3 mỗi năm. Dự án Nhà máy bột-giấy VNT19, Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 cần khoảng 51,5 triệu m3 nước/năm từ kênh B7 Thạch Nham. Tuy nhiên, hệ thống kênh thiếu đồng bộ với quy mô sản xuất cho nên ngành công nghiệp thép, bột giấy của tỉnh Quảng Ngãi đối diện với nguy cơ thiếu hụt nguồn nước. “Tổng nhu cầu sử dụng nước dự án Nhà máy bột-giấy VNT19 khoảng 26,6 triệu m3 mỗi năm từ các kênh thủy lợi. Trong giai đoạn 1, chúng tôi sử dụng 14,7 triệu m3 từ tuyến kênh B7 phục vụ sản xuất ở các phân xưởng, tháp giảm nhiệt, cấp lò hơi… Để bảo đảm đủ nguồn nước cho sản xuất, chúng tôi kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi sớm nâng cấp, cải tạo hệ thống các kênh cấp nước, nhất là kênh B7”, đại diện Nhà máy bột-giấy VNT19 cho biết.
Dự báo đến năm 2030, Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa cần khoảng 49 triệu m3 nước, đến năm 2040 tăng lên 69,3 triệu m3 mỗi năm. Theo quy hoạch, nguồn nước phục vụ khu kinh tế lấy từ các hồ Tiên Du, Đá Bàn của thị xã Ninh Hòa và hồ Hoa Sơn, Đồng Điền của huyện Vạn Ninh. Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, vấn đề cung cấp nước rất quan trọng cho giai đoạn phát triển mới. Hiện chỉ có hồ Đồng Điền dung tích lớn bảo đảm cung ứng, các hồ còn lại có dung tích nhỏ. Tuy nhiên, nhiều năm nay dự án đầu tư hồ Đồng Điền chưa thể triển khai, do đó, Khu kinh tế Vân Phong đang đứng trước nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng.
Theo các nhà quản lý, nguồn nước ngầm ở nhiều tỉnh dần cạn kiệt; nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp, dịch vụ lệ thuộc vào doanh nghịệp, đơn vị khai thác, cung cấp. Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định Nguyễn Thanh Nguyên cho biết: Các hồ trữ nước mặt còn hạn chế và cách xa các khu công nghiệp, Khu kinh tế Nhơn Hội nên hiện chưa có cơ sở hạ tầng cấp nước chung cho lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Nguồn cấp nước đối với từng vùng tùy thuộc vào lựa chọn của đơn vị cấp nước trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi hạ tầng giao thông, năng lượng, nguồn nước có quy mô phù hợp nhằm bảo đảm an toàn, ổn định hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chiến lược kinh doanh bền vững hơn. “THACO Chu Lai sẽ vận hành các khu công nghiệp chuyên nông-lâm nghiệp, cơ khí-ô-tô mở rộng… Do đó, nhu cầu nguồn nước ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay ngành chức năng chưa có kế hoạch cụ thể về đầu tư, nghiên cứu phát triển trạm bơm, nâng cao công suất cấp nước tại địa phương. Vấn đề này đặt ra bài toán về giải quyết nhu cầu nước sử dụng tại Khu công nghiệp THACO Chu Lai trong tương lai”, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp và đô thị Chu Lai Trường Hải Ngô Văn Hải chia sẻ.
Nguy cơ mất cân đối nguồn nước vì nhiễm mặn
An ninh nguồn nước đang được nhiều doanh nghiệp đặt ra để đánh giá hiệu quả dự án, chiến lược kinh doanh theo chu kỳ đầu tư. Nguồn nước ổn định, giá rẻ, đạt chất lượng, tăng sức cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền trung. Ngược lại, nguồn nước kém chất lượng, ô nhiễm sẽ tăng chi phí đầu tư đối với doanh nghiệp. Những năm gần đây, hệ thống sông các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền trung nhiễm mặn, ảnh hưởng trữ lượng và chất lượng nguồn nước. Tại tỉnh Khánh Hòa, tình trạng xâm nhập mặn lấn sâu vào sông Cái, sông Quán Trường; nguồn thải từ thượng nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm sông Cái ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình trạng mất cân đối trong việc tích trữ, điều tiết nguồn nước giữa các vùng, khu vực khiến tình trạng thiếu nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không ngừng tăng; các nguồn nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản thiếu hụt trầm trọng.
Tại các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, lượng nước mùa mưa đủ cung ứng cho sản xuất công nghiệp; vào mùa khô tình trạng thiếu nước, nhiễm mặn do xâm thực của thủy triều trên sông La Tinh, sông Thu Bồn, sông Trà Bồng, sông Trà Khúc… ảnh hưởng chất lượng nguồn nước. Các tỉnh miền trung tính toán đến nhiều giải pháp, trong đó, đầu tư xây dựng đập ngăn mặn, hồ chứa, công trình thủy lợi với quy mô phù hợp. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất Hồ Đức Thọ (Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2): Nếu thiếu nước sản xuất, các dự án, nhà máy sẽ giảm công suất. Để khắc phục tình trạng nhiễm mặn sông Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng đập 3 ngăn mặn. Việc đầu tư cần sớm hoàn thành theo cam kết để giúp các doanh nghiệp thực hiện lộ trình đầu tư hiệu quả.
Cần nhiều giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước
Theo quy hoạch, đến năm 2030, các tỉnh duyên hải miền trung hình thành thêm 45 khu công nghiệp và hơn 100 cụm công nghiệp; nhu cầu nước cũng tăng từ 40-50%. Đến năm 2030, ngành công nghiệp hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi có nhu cầu khoảng 233,5
triệu m3 nước, tỉnh Khánh Hòa cần khoảng 10,3 triệu m³ mỗi năm. Để bảo đảm an ninh nguồn nước, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nói chung và sản xuất công nghiệp, dịch vụ nói riêng, các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền trung cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm nguồn nước lâu dài cho các ngành kinh tế.
“Quy hoạch nguồn nước thô cung cấp cho một số nhà máy nước trên địa bàn cần phù hợp với thực tế. Theo quy hoạch hệ thống cấp nước đô thị tỉnh Quảng Nam, Nhà máy nước Tam Kỳ có công suất 50.000 m3/ngày, Nhà máy nước huyện Phú Ninh 4.000 m3/ngày, nhưng quy hoạch tỉnh tầm nhìn đến năm 2050 thì giảm 40-60% công suất. Quy hoạch không thống nhất về quy mô, công suất gây khó khăn cho ngành chức năng khi xử lý các vấn đề, đề xuất của doanh nghiệp”, đại diện đơn vị cấp nước Khu kinh tế mở Chu Lai kiến nghị.
Bên cạnh đó, cần cơ chế, hỗ trợ khuyến khích đầu tư liên quan đến hạ tầng nguồn nước vào các khu kinh tế, khu công nghiệp đồng bộ, phù hợp định hướng phát triển. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Võ Minh Vương cho rằng: Nguồn nước và hạ tầng lưu chuyển nước hiện nay đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài với sự phát triển các khu kinh tế, phân khu công nghiệp thì hạ tầng chuyển nước từ nguồn về các khu công nghiệp sẽ không bảo đảm. Vì vậy, cần mở rộng hệ thống chuyển tải nước, đầu tư hồ chứa vùng hạ du.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng khẳng định: Việc đầu tư xây dựng các hồ chứa nước cho tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới là rất cần thiết. Từ năm 2026-2028, tỉnh Khánh Hòa xây dựng, nâng cấp hồ chứa nước Đồng Điền, Đá Bàn và xây mới một số hồ chứa khác để đáp ứng nhu cầu dùng nước lĩnh vực công nghiệp, du lịch và sản xuất của người dân. Cùng với việc hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, các địa phương cần xây dựng quy chế cấp nước và phân vùng cấp nước bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước, không để xảy ra tranh chấp nguồn nước; quản lý chặt việc khai thác nước ngầm trong các khu công nghiệp; đặc biệt là có chính sách, biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ở lưu vực hồ chứa để bảo đảm chất lượng, lưu lượng nước.
Với chiến lược phát triển công nghiệp cho những năm tới, các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền trung sớm nhận diện thực trạng vấn đề tài nguyên nước và giải quyết bài toán an ninh nguồn nước với mục tiêu ổn định, bền vững cho công nghiệp, dịch vụ trong tương lai ■
-----------------------
(★) Xem Trang Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 24/10/2024.
(Tiếp theo và hết)(★)