Kon Tum thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân

Cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân tạo thành ba trụ cột vững chắc trong nền ngoại giao Việt Nam. Đối với các tỉnh biên giới nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng, thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân không chỉ tạo nên sức mạnh tổng hợp cho công tác đối ngoại của tỉnh mà còn góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân và bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng quân y khám bệnh, phát thuốc cho người dân khu vực biên giới.
Lực lượng quân y khám bệnh, phát thuốc cho người dân khu vực biên giới.

Đã thành thông lệ, khi cây lúa trĩu bông, củ mì đã căng mình phổng phao trong lòng đất để sẵn sàng cho vụ thu hoạch cũng là lúc anh A Thương (thôn Đăk Ung, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) đón những “người anh em” từ thôn kết nghĩa Brong Nọi, cụm bản Đăk Ba, huyện Đăk Chưng (tỉnh SeKong, Lào) sang chung tay gặt lúa, nhổ mì. Anh A Thương chia sẻ: “Trước khi kết nghĩa, bà con làng mình và làng Brong Nọi đã chơi thân với nhau rồi. Bây giờ kết nghĩa thì càng thân hơn, giúp nhau làm rẫy, giúp nhau thu hoạch mùa màng, cùng nhau đón Tết của Việt Nam và Tết của Lào… Chúng mình biết tiếng của nhau, hiểu nhau và thương nhau cho nên cứ làng nào cần giúp đỡ là làng còn lại luôn sẵn sàng”.

Không chỉ ở thôn Đăk Ung và thôn Brong Nọi, hoạt động giao lưu, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, trao đổi hàng hóa của cư dân dọc tuyến biên giới của tỉnh Kon Tum và các tỉnh giáp biên giới của Lào, Campuchia đã diễn ra từ lâu đời, tạo nên tình hữu nghị mang tính truyền thống, gắn bó bền chặt. Vì vậy, hoạt động kết nghĩa bản-bản tại khu vực biên giới được các cấp ủy, chính quyền tích cực triển khai thực hiện.

Với phương châm dựa vào dân, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”, hoạt động đối ngoại nhân dân được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều phương pháp, hình thức phù hợp; bảo đảm huy động cao nhất sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Đồng chí Huỳnh Quốc Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh Kon Tum cho biết: Tỉnh Kon Tum đang duy trì hiệu quả hoạt động kết nghĩa của các thôn, làng biên giới. Từ hoạt động kết nghĩa này, người dân hai bên biên giới được tuyên truyền, hiểu rõ các hiệp định, quy chế biên giới; phối hợp tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý biên giới...

Bên cạnh hoạt động kết nghĩa của các thôn, buôn, hoạt động giao lưu giữa các đồn biên phòng phía Việt Nam với các đại đội biên phòng, lực lượng bảo vệ biên giới của Lào và Campuchia cũng được triển khai thường xuyên. Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng quân y của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đều tổ chức các đợt khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới phía đối diện của Lào và Campuchia. Nhân dân khu vực hai bên biên giới được các lực lượng chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định và thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa-văn nghệ...

Công tác đối ngoại nhân dân được kết hợp với việc triển khai phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 336 tập thể thôn, làng, 1.210 lượt hộ gia đình, 1.426 lượt cá nhân thuộc 13 xã biên giới tự nguyện đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc; 4.123 lượt hộ gia đình, cá nhân đăng ký tham gia các tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng.

Từ đầu năm đến nay có 63 thôn, làng, 259 hộ gia đình thuộc 13 xã biên giới đăng ký tham gia tự quản trên toàn tuyến biên giới và có 610 hộ gia đình đăng ký tự quản an ninh trật tự thôn, làng. Từ tin báo của quần chúng, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và ngăn chặn hiệu quả, kịp thời các hành vi vi phạm, bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực biên giới.

Thực hiện Bản ghi nhớ chương trình hợp tác giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum và các cơ quan tương ứng ở các tỉnh của Lào, Campuchia, định kỳ hai năm một lần, các đơn vị tổ chức đoàn đại biểu sang thăm kết hợp trao đổi kinh nghiệm về công tác Mặt trận và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm. Vận động nhân dân tham gia trong việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào và Campuchia; triển khai các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân của các tỉnh bạn lân cận…

Những tháng đầu năm 2023, nhân dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam, Tết Cổ truyền Bunpimay (Lào) và Tết Chôl Chnăm Thmây (Campuchia), tỉnh Kon Tum đã đón tiếp hàng trăm lượt cán bộ, nhân dân các nước bạn đến thăm hỏi; tổ chức nhiều chuyến thăm từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở chúc Tết chính quyền, nhân dân các tỉnh bạn lân cận. Các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp… của tỉnh Kon Tum đã thăm hỏi, hỗ trợ hàng tỷ đồng cho các tỉnh nam Lào và Đông bắc Campuchia tổ chức đón Tết cho các hộ gia đình khó khăn. Tất cả các em học sinh của Lào và Campuchia đang học tập trên địa bàn tỉnh được các Hội hữu nghị, trường học tổ chức nhiều hoạt động đón Tết cổ truyền ngay tại tỉnh Kon Tum, giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà.

Phó Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum Nguyễn Tố Như cho biết: Phân hiệu có 86 sinh viên Lào và 12 sinh viên Camuchia đang học tập, thuộc các chuyên ngành như tài chính, quản trị kinh doanh, kế toán… Những năm qua, nhà trường luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để các lưu học sinh học tập và rèn luyện đạt chất lượng tốt nhất.

Vào dịp Tết cổ truyền của Lào và Campuchia, nhà trường thường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa để thăm hỏi, động viên lưu học sinh nhằm giúp mọi người đón Tết cổ truyền như ở nhà. “Đây là hoạt động thường niên nhằm tạo môi trường giao lưu giữa lưu học sinh Lào, Campuchia với sinh viên Việt Nam, qua đó vun đắp tình cảm hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia”, cô giáo Nguyễn Tố Như chia sẻ.

Bằng cách triển khai đầy đủ, áp dụng linh hoạt các chỉ đạo của Trung ương vào tình hình thực tế của địa phương; vận động, tạo điều kiện để đông đảo cơ quan, đơn vị và người dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới cùng tham gia vào hoạt động đối ngoại, tỉnh Kon Tum đã và đang phát huy tốt vai trò trụ cột của đối ngoại nhân dân trong hoạt động đối ngoại của tỉnh. Công tác đối ngoại nhân dân đã được thực hiện đồng bộ, rộng khắp trên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; qua đó tăng cường mối quan hệ hữu nghị ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia và đóng góp thiết thực vào công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.