Đến trưa ngày 6-11, các tuyến giao thông đường Hồ Chí Minh nối Kon Tum với tỉnh Quảng Nam, Quốc lộ 24 nối Kon Tum với tỉnh Quảng Ngãi bị sạt lở, nhiều nơi trên đèo Lò Xo và đèo Vi Ô Lắc vẫn chưa được thông xe. Đặc biệt trên các tuyến tỉnh lộ 676 thuộc huyện Kon Plông và tỉnh lộ 673 thuộc huyện Đác Glây có gần một trăm điểm sạt lở với hàng nghìn m3 đất đá tràn xuống đường làm cho giao thông vào các xã vùng sâu vùng xa của hai địa phương này tê liệt.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum chỉ đạo các địa phương, ngành giao thông vận tải và các đơn vị doanh nghiệp thi công trên địa bàn tập trung mọi nguồn lực khắc phục thông tuyến cho các xã vùng sâu, vùng xa. Sử dụng bốn tại chỗ cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân, không để người dân phải thiếu đói, tư thương lợi dụng nâng giá, ép giá lương thực thực phẩm.
Đến trưa 6-11, nhiều điểm trên tỉnh lộ 676 thuộc huyện Kon Plông đã thông tuyến nhưng sau đó lại bị sạt lở lấp đường trở lại, vì vậy đến nay vẫn còn hai xã là Đắc Nên và Đắc Hring thuộc huyện Kon Plông vẫn bị chia cắt do sạt lở đường và nước suối dâng cao.
Trực tiếp chỉ huy trên tuyến tỉnh lộ 676, ông Phan Mười, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum cho biết: Bão số 12 đã gây thiệt hại rất nặng về giao thông cho tỉnh Kon Tum. Do mưa lớn kéo dài nên có hàng trăm điểm sạt lở với khối lượng hàng chục nghìn m3 đất đá tràn xuống lấp đường. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị sạt lở ta- luy âm rất nặng. Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum đã điều động hàng chục phương tiện máy đào, xe xúc lật ứng cứu trên các tuyến xung yếu tỉnh lộ, quốc lộ, sạt lở ở đâu thì xúc gạt thông tuyến đến đó.
Về thiệt hại, theo thống kê chưa đầy đủ từ Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum cho biết, trên địa bàn huyện Đác Glây đã có một cháu bé bị tử vong do sạt lở đất, hơn 20 nhà dân, năm nhà rông, ba trường học bị tốc mái; hàng trăm héc-ta hoa màu của người dân bị ngập chìm trong nước.